Phim "Lựa chọn số phận", phát sóng trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, đang thu hút khán giả với câu chuyện gay cấn, cuốn hút về nghề thẩm phán. Đây là tác phẩm nối dài danh sách phim đề tài chính luận được Đài Truyền hình Việt Nam "nuôi dưỡng", trở thành vệt phim đặc biệt trên màn ảnh nhỏ thời gian qua.
Hơi thở tươi mới
"Lựa chọn số phận" (kịch bản: Đặng Minh Châu, đạo diễn: NSƯT Mai Hồng Phong) có tên gọi ban đầu là "Người nối nghiệp", về sau đổi thành "Lựa chọn số phận". Phim là tác phẩm do TAND Tối cao phối hợp Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC - Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện. "Lựa chọn số phận" lấy cảm hứng từ nghề thẩm phán, xoáy sâu vào công việc của các thẩm phán tại tòa án, phơi bày góc khuất chốn tụng đình và truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa. Nội dung phim kể về nhân vật Cường (Hà Việt Dũng đóng) theo đuổi nghề thẩm phán, nối nghiệp người cha quá cố, từng là thẩm phán tòa hình sự chánh trực, liêm khiết. Mẹ của Cường day dứt về cái chết còn nhiều uẩn khuất của chồng nên không muốn con nối nghiệp, luôn tìm cách ngăn cản. Cường có tình yêu với Trang (Phương Oanh đóng), chuyện tình trở nên sóng gió khi Cường thụ lý vụ án về Đức (Huỳnh Anh đóng) - em trai của Trang. Nghe qua đề tài phim, khán giả tưởng rằng phim sẽ là câu chuyện khô khan, thiếu sức hút nhưng thực tế "Lựa chọn số phận" lại nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả: "Phim chính luận nhưng làm rất mềm mại, cuốn hút, diễn xuất tự nhiên"; "Bối cảnh tòa án Việt Nam nhìn sơ sài chứ không được đẹp như phim nước ngoài nhưng chân thật và hay"…
Bên cạnh những lời khen, bàn luận quanh tình tiết và diễn biến tiếp theo, phim cũng nhận được những góp ý xoay quanh thời lượng mỗi tập ngắn chỉ 30 phút kể cả quảng cáo khiến khán giả chưa kịp nắm mạch phim thì đã kết thúc.
Những dấu ấn bước đầu của "Lựa chọn số phận" được nhiều người trong nghề cho là nhờ vào việc làm phim chính luận nhưng không khô khan, chọn hướng đi mềm mại, pha trộn các yếu tố hành động tạo kịch tính cho phim. Cách kể chuyện sáng tạo, lồng ghép đan xen tình tiết xử án với mối quan hệ gia đình, tình yêu, tình bạn và cả ứng xử giữa đồng nghiệp khác giới, cấp trên cấp dưới..., góp phần khiến câu chuyện nghề khô khan có hơi thở tươi mới hơn.
Cảnh trong phim “Lựa chọn số phận”. (Ảnh cắt từ phim)
Còn nhiều thách thức
Đa phần phim chính luận đều phơi bày những mặt tối như chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, thói hư tật xấu của một bộ phận quan chức, nỗi khổ của người dân... Nhưng có một giai đoạn, phim chính luận bão hòa, thiếu sản phẩm mới, không duy trì được sức hút trước các dòng phim khác do cách làm khô khan, theo lối mòn. Những chủ đề được khai thác chưa hay, chưa thực sự xoáy sâu vào những bức xúc, tức tưởi của người dân mà chỉ "cưỡi ngựa xem hoa", miêu tả hời hợt rồi thổi phồng, không tạo được sức hút. Phim chính luận trở lại và khai thác theo hướng mới kể từ "Sinh tử" cho đến "Lựa chọn số phận", khắc họa mặt tối, nói về tiêu cực nhưng không khô cứng, nhạt nhòa, qua loa kể lể dễ sinh nhàm chán. Tín hiệu vui này vẫn chỉ là mở đầu, một nét chấm phá khi dòng phim chính luận vẫn chỉ tập trung ở phía Bắc với VFC và đài truyền hình quốc gia; còn các nhà đài địa phương, các nhà sản xuất tư nhân đều không màng đến. Vì thế, sản phẩm phim chính luận vẫn chỉ mới đếm trên đầu ngón tay.
Biên kịch Kim Ngọc cho rằng nhà sản xuất tư nhân không dại gì đầu tư loại phim này vì dễ vướng nhiều thứ, không loại trừ sai sót nên họ thường làm theo nhu cầu giải trí của khán giả, không nghĩ đến dòng phim chính luận và xem đó là trách nhiệm của hãng phim nhà nước.
"Các phim dạng chính luận rất khó tìm được kịch bản hay. Biên kịch các kịch bản loại này thường phải là người trong nghề hoặc nếu không thì cũng phải có vốn hiểu biết sâu rộng, đủ sức để nói đúng, thuyết phục về những chuyện được khai thác trong phim" - ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim TFS, cho biết.
Biên kịch Đặng Minh Châu từng chia sẻ trên truyền thông rằng để có kịch bản "Lựa chọn số phận" thuyết phục, đúng với tính chất nghề thẩm phán, đoàn phim đã phải nhờ đến ê-kíp gồm 9 thành viên đã và đang gắn bó với ngành tòa án để tư vấn trong suốt quá trình xây dựng kịch bản, sản xuất phim.
Giới biên kịch cũng e dè, ngần ngại khi viết kịch bản đề tài chính luận bởi lo sợ không có đầu ra, lo sợ kiểm duyệt, không thoải mái sáng tạo. "Phim chính luận rất khó viết, phải có nhiều tư liệu, hiểu biết thì mới có thể thuyết phục mọi người. Nhưng để có được câu chuyện chính luận hấp dẫn, viết thoải mái, đưa án oan lên phim, đả phá tham nhũng, thói hư tật xấu đúng nghĩa, không nương nhẹ, đi lướt, né tránh thì rất khó bởi nhiều yếu tố khách quan. Tôi nghĩ chỉ khi nào biên kịch có được sự thoải mái sáng tạo, giảm bớt thách thức thì số lượng kịch bản phim chính luận mới có thể tăng lên" - biên kịch Thanh Hương bày tỏ.
Các nhà chuyên môn cho rằng dòng phim hợp thời sự, có chiều sâu và mang đến nhiều giá trị, thông điệp ý nghĩa như chính luận nếu được làm tốt, có cơ hội tạo sốt khán giả không thua các dòng phim khác thì còn gì bằng. Hẳn nhiên, sự cân bằng giữa yếu tố chính luận và giải trí trong phim để vẫn giữ chất chính luận nhưng thu hút khán giả bằng sự gay cấn, hấp dẫn được xem trọng hơn. Các phim của Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm được điều này từ rất lâu, chinh phục khán giả không chỉ trong nước mà còn cả khu vực.
Cần đột phá
Màn ảnh nhỏ Việt đã từng có nhiều phim thuộc dòng chính luận tạo được tiếng vang: "Chuyện làng Nhô", "Ma làng", "Luật đời", "Gió làng Kình", "Chủ tịch tỉnh", "Đàn trời"... Gần nhất là phim "Sinh tử" do NSND Khải Hưng và NSƯT Mai Hiền làm đạo diễn cũng tạo được sức hút riêng khi đề cập đến chủ đề chống tham nhũng và sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ trong một địa phương giả định.
Khán giả Việt từng được xem phim Hàn Quốc: "Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7" khai thác về sự tha hóa của ngành tư pháp dẫn đến án oan; phim "Linh cẩu" khai thác nghề luật sư; phim "Mặt nạ công tố" khai thác về công tố viên (có trên Netflix)... đều thu hút đông đảo khán giả với cách kể chuyện gay cấn, hấp dẫn. Phim Trung Quốc "Cộng sự số 1" nói về nghề luật sư (đang phát sóng lúc 13 giờ mỗi ngày trên VTV1) cũng rất hấp dẫn.
Mặc dù phim Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi phù hợp hơn với thị hiếu khán giả nhưng nhìn chung dòng phim chính luận Việt muốn hấp dẫn như phim Hàn, Trung quốc cần phải đột phá.
Bình luận (0)