Phim "Về nhà đi con" (phát sóng lúc 21 giờ trên kênh VTV1 từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần) đang gây sốt khán giả, khi được kể dưới góc nhìn mới mẻ câu chuyện về tình cha con đầy thực tế, gần gũi. Nó cho thấy, khán giả Việt ngày nay không chán những đề tài truyền thống như tình cảm gia đình, tình mẹ con, cha con nhưng đòi hỏi phải là những câu chuyện thực tế, không xa rời cuộc sống hiện đại.
Khởi sắc
Phim về tình cảm gia đình đã được khai thác từ rất lâu trước đây và ghi dấu ấn với "Chuyện nhà Mộc" (đạo diễn: Trần Lực), "Cuộc phiêu lưu của ông Hai Lúa" (đạo diễn: Hồ Ngọc Xum), "Khi người đàn ông góa vợ bật khóc" (đạo diễn: Trường Khoa - Công Lý)… Sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ này, đề tài tình cảm gia đình bị bão hòa và đi xuống vì xuất hiện nhiều phim kém chất lượng. Tuy nhiên, gần đây, phim chủ đề tình cảm gia đình khởi sắc trở lại. Những phim như: "Sống chung với mẹ chồng" (đạo diễn: Vũ Trường Khoa), "Gạo nếp gạo tẻ" (đạo diễn: Hoàng Anh - Thạch Thảo), "Nàng dâu order" (đạo diễn: Bùi Quốc Việt) và nhất là "Về nhà đi con" (đạo diễn: Danh Dũng - Đức Hiệu) đang được khán giả theo dõi từng tập, đưa ra nhiều bình luận, bàn cãi về số phận nhân vật và gợi ý các bước tiến triển tiếp theo trên Fanpage chính thức của phim. Ban đầu "Về nhà đi con" được nhà sản xuất dự định làm mới lại từ phim "Khi người đàn ông góa vợ bật khóc". Nhưng sau đó, các biên kịch chỉ giữ lại một số tình huống và làm mới hoàn toàn cho phù hợp xã hội hiện nay nên chỉ được xem là lấy cảm hứng chứ không phải một tác phẩm làm mới thông thường. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về ông Sơn - người ít nói, lặng lẽ, góa vợ nhưng quyết định ở một mình chăm sóc 3 con gái là Huệ, Thư, Dương. Khi con trưởng thành, ông lại giúp đỡ các con mỗi khi gặp biến cố trong cuộc sống. Phim có nhiều khoảnh khắc xúc động và được nhận xét tích cực từ khán giả. Đa phần là ý kiến khen ngợi, không chỉ vì nội dung mà còn bởi diễn xuất ấn tượng từ NSƯT Trung Anh vai người cha cùng các diễn viên Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân vai các cô con gái. Đặc biệt, Bảo Hân với cách diễn chân thật đã mang đến sự đồng cảm sâu sắc, giúp nhân vật Dương của cô chinh phục hoàn toàn khán giả màn ảnh nhỏ. "Phim diễn xuất rất thật, kịch bản thực tế giống như ngoài đời. Những câu thoại hay và tự nhiên" - khán giả Thùy Dung Lê bình luận trên Fanpage của phim. "Lâu lắm mới có bộ phim Việt làm mình muốn xem đến thế. Dương nói chuyện quá chất luôn" - khán giả Hạnh Phạm nhận xét… Độ hấp dẫn của "Về nhà đi con" khiến không ít khán giả trông chờ, thừa nhận tập nào cũng khóc và mong phim chiếu thời lượng dài hơn, đều hơn.
Cảnh phim “Về nhà đi con”, đang thu hút khán giả trên VTV1. (Ảnh cắt từ màn hình)
Đổi mới tư duy
Nhiều người trong giới cho rằng đối tượng khán giả hiện nay của phim truyền hình Việt phần lớn vẫn là phụ nữ. Với đối tượng này, đề tài tình cảm gia đình, mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu, cha con, mẹ con, anh chị em trong gia đình luôn được yêu thích. Tuy nhiên, một giai đoạn đề tài này bị khán giả bỏ quên trên màn ảnh vì cách kể nhàm chán, không bắt kịp tốc độ phát triển của thời đại. Khán giả hiện nay đã có thị hiếu khác trước rất nhiều, đòi hỏi sự mới lạ, kịch bản luôn biến hóa. Vì thế, những đề tài truyền thống như tình cảm gia đình cần phải có sự sáng tạo, đời thường, gần gũi. Lâu nay, phần thoại của các phim truyền hình đều bị chê bai không gần với đời thường, tình tiết câu chuyện phim phi lý, xa rời thực tế. Những lỗi này đang dần dần được khắc phục tốt từ những phim do Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) đầu tư thực hiện.
"Những phim như "Về nhà đi con", "Nàng dâu order"… thu hút khán giả phần lớn nhờ phản ánh hiện thực với màu sắc mới mẻ. Tôi nghĩ không có một câu chuyện hay một bài học thiết thực nào hơn đời sống xã hội. Những đề tài xoay quanh chuyện tình cảm gia đình muôn đời vẫn thế nhưng nếu chọn lát cắt hợp thời, "gãi đúng chỗ ngứa", đáp ứng nhu cầu của khán giả thì vẫn gây sốt, hấp dẫn như thường" - biên kịch Đông Hoa nhận định.
Thêm vào đó, nhiều phim truyền hình gần đây như "Về nhà đi con" thời lượng chỉ khoảng 30 phút mỗi tập và làm theo dạng cuốn chiếu. Đây là cách làm mang đến cái lợi là nhà sản xuất có thể vừa làm vừa theo dõi dư luận để biết rõ khán giả thích gì, không thích gì mà kịp thời điều chỉnh. Nhà sản xuất cũng thay đổi tư duy, không theo lối mòn kể chuyện dài dòng không cần thiết. Những điều đó góp phần giúp cho phim đề tài tình cảm gia đình trụ vững trong thời điểm phim truyền hình chỉ mới có dấu hiệu khởi sắc.
Kịch bản hay, dàn dựng, diễn xuất tốt là ăn khách
Lý giải về việc các phim đề tài tình cảm gia đình gây sốt trở lại, bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film - cho rằng: "Ở thời điểm truyền hình phát triển mạnh trước đây, phim sản xuất nhiều, các nhà làm phim khai thác theo kiểu chụp giật không chú ý đến khâu kịch bản. Thậm chí, kịch bản sao chép của nhau khiến phim thành phẩm thiếu sáng tạo, chất lượng đi xuống, thị trường teo tóp, khán giả quay lưng. Làm phim trong giai đoạn khó khăn hiện nay buộc nhà sản xuất cho đến diễn viên cùng các thành viên trong ê-kíp làm phim phải thận trọng. Họ chọn kịch bản kỹ hơn, diễn viên tập trung diễn tốt hơn. Tôi nghĩ, đây là giai đoạn thiết lập lại thị trường, sàng lọc ra những tác phẩm tốt. Một câu chuyện hay, hợp thời, gần gũi với cuộc sống, diễn viên và đạo diễn giỏi nghề thì dù bất kể đề tài nào cũng sẽ tạo ấn tượng trong lòng công chúng".
Bình luận (0)