Phim Việt hóa "Mối tình đầu của tôi" do đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito thực hiện được chiếu trên giờ vàng VTV3 từ giữa tháng 1-2019 quy tụ dàn diễn viên trẻ Ninh Dương Lan Ngọc, Chi Pu, Bình An, B Trần... ít nhiều có sự thu hút với những lời khen chê khác nhau dành cho tạo hình và tính cách nhân vật. Các phim Việt hóa dạng sit-com (hài tình huống): "Ngôi sao khoai tây", "Mẹ ơi bố đâu rồi"... cũng đã và đang lên sóng các kênh truyền hình giải trí. Những dự án khác là "Vua bánh mì" đang chuẩn bị khởi quay. Sau thành công của "Gạo nếp gạo tẻ" cùng một số phim Việt hóa trước đó: "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Cả một đời ân oán"..., phim Việt hóa bắt đầu nở rộ trên màn ảnh nhỏ.
Xóa "cơn khát" kịch bản
Nhiều người trong giới chuyên môn cho rằng nguyên nhân của sự nở rộ phim Việt hóa bắt nguồn từ việc thiếu kịch bản hay ở những mảng đề tài riêng. Bên cạnh những nhà sản xuất chọn phim Việt hóa theo kiểu "thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào", một số khác muốn tìm đề tài mới lạ, hay nhưng không có kịch bản nội nên buộc phải tìm kịch bản ngoại. Phim Việt hóa những tác phẩm ăn khách của nước ngoài là giải pháp giúp nhà làm phim thoát khỏi tình trạng thiếu kịch bản ở mảng đề tài mình muốn khai thác. Bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc Công ty BHD, từng chia sẻ thời điểm đơn vị này quyết định làm lại "Hậu duệ mặt trời" bà cũng nhận được câu hỏi vì sao không đầu tư cho kịch bản Việt. Tuy nhiên, bà không tìm được kịch bản nào có câu chuyện hay về người lính trẻ hôm nay nên phải chấp nhận mua bản quyền làm lại. Bà quan niệm khi chưa thật giỏi thì nên học hỏi, việc mua kịch bản hay của các nước để làm cũng là một cách học.
Cảnh trong phim Việt hóa phim ngoại “Mối tình đầu của tôi”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Dòng phim Việt hóa từng bùng nổ ở thị trường miền Nam giai đoạn trước nhưng thất bại bởi nội dung bê nguyên bản gốc, thiếu sự sáng tạo. Đến lúc "Người phán xử" gây sốt với sự thay đổi 50% so với bản gốc và "Gạo nếp gạo tẻ" được nhận định đậm chất Việt, dòng phim này mới khẳng định vị thế hiện tại trên thị trường truyền hình. Ngoài kịch bản, những phim Việt hóa thành công còn đòi hỏi cao về khả năng diễn xuất của diễn viên, bối cảnh phù hợp, hình ảnh và âm thanh chuẩn... Ông Bảo Thái - đại diện Công ty CP DID TV, cho biết: "Để sản xuất "Gạo nếp gạo tẻ", chúng tôi đầu tư thời gian trong 4 năm, tốn rất nhiều tiền bạc và công sức. Phim dài hơn trăm tập và mỗi tập chi phí khoảng 400 triệu đồng. Công ty đã bán quyền khai thác, sử dụng bộ phim này cho một số đối tác với giá 250 triệu đồng/tập phim". Phim "Người phán xử" cũng được đầu tư mức chi phí tương đương.
Không phải giải pháp bền vững
Không thể phủ nhận, thời gian qua, những phim Việt hóa thành công góp phần giúp thị trường truyền hình khởi sắc. Nhưng dù có yếu tố tích cực, chúng vẫn không phải là giải pháp bền vững cho thị trường truyền hình Việt về lâu dài. Nhiều người trong giới nhận định phim Việt hóa vẫn mang đậm tính trào lưu, xu hướng nhất thời, dễ khiến khán giả nhàm chán, bội thực. Biên kịch Đông Hoa cho rằng đầu tư vào kịch bản Việt vẫn là hướng phát triển tốt nhất. Phim truyền hình Việt đang tăng dần chất lượng, thu hút hơn cũng không phải nhờ hoàn toàn vào phim Việt hóa mà cốt lõi do sự sàng lọc khắc nghiệt khiến nhà sản xuất phải cẩn thận với tác phẩm của mình. "Phim truyền hình sụt giảm người xem đã vài năm, đến nay mới có chút chuyển biến tốt nhờ vào các phim được đầu tư chỉn chu từ kịch bản, kinh phí đến đạo diễn, diễn viên. Người trong nghề không ai dám ẩu vì nếu thiếu cẩn trọng, tác phẩm kém chất lượng, khán giả lại quay lưng thì mọi cố gắng khiến họ về vị trí xuất phát" - biên kịch Thanh Hương cho biết.
Đó cũng là lý do vì sao thời gian qua, song song cùng phim Việt hóa, các tác phẩm từ kịch bản Việt như: "Quỳnh búp bê", "Thương nhớ ở ai", "Con gái bố già"... có lượng người xem cao, gây "sốt" dư luận.
Không phủ nhận là nhiều phim Việt hóa thành công thời gian gần đây góp phần thúc đẩy sự phát triển dòng phim này ở phía Nam. Tuy nhiên, nhiều người trong giới cũng nhận định giá trị vay mượn không thể tạo sự bền vững cho thị trường. Khi yếu tố tò mò mới lạ dần mất đi trong khán giả, họ sẽ dần quay lại tìm về giá trị văn hóa, con người Việt.
Các nhà chuyên môn cho rằng phải có sự đầu tư toàn diện mang tầm nhìn chiến lược lâu dài mới là giải pháp bền vững so với những trào lưu, xu hướng tự phát của các nhà sản xuất tư nhân lâu nay. Đó là bài học từ những nước như Hàn Quốc, Thái Lan... đã làm được. Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) đang gặt hái thành quả tốt từ sự đầu tư chỉn chu nhưng chỉ VFC thôi thì chưa đủ.
Kinh phí có là nguyên nhân?
Biên kịch Uyên Dung cho rằng phim Hàn Quốc hay, chinh phục khán giả khu vực vì họ có kinh phí dồi dào đủ sức hiện thực hóa mọi thể loại, mọi đề tài táo bạo. Được thỏa sức trong sáng tạo với thù lao đúng công sức lao động, biên kịch của họ dẫn dắt thị hiếu của khán giả, tạo ra cái mới chứ không phải chạy theo thị hiếu khán giả như ở Việt Nam. Nếu phim truyền hình Việt cũng có được nguồn kinh phí lớn thì sản phẩm làm ra chắc chắn tốt. "Biên kịch Việt không thua kém so với bất kỳ nước nào về độ sáng tạo. Nhưng chúng ta thiếu rất nhiều, nhất là về kinh phí sản xuất. Nhiều đề tài chúng tôi viết nhưng phía nhà sản xuất đâu có đủ kinh phí để làm, phải cất đi. Đôi lúc, họ cũng làm nhưng lại chuyển bớt những cảnh hành động thành đối thoại để giảm chi phí" - biên kịch Uyên Dung bày tỏ.
Bình luận (0)