Khi dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, dòng phim về dịch họa xuất hiện và được khán giả tìm xem nhiều trên các nền tảng số hóa. Những dịch bệnh kinh hoàng, độ lây nhiễm cao do nhiều yếu tố nảy sinh, giết chết vô số người thường là chủ đề hấp dẫn để nhà làm phim khai thác phục vụ khán giả. Có những câu chuyện trên phim được hư cấu hàng chục năm nay đã hiện thực hóa phần nào trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 hôm nay.
Những câu chuyện mang tính dự báo
Trong số nhiều phim về dịch bệnh, "Contagion" ra rạp năm 2011 do đạo diễn Steven Soderbergh thực hiện, được nhận xét là tác phẩm dự báo gần giống những gì mà đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Đó cũng là lý do vì sao phim được khán giả xem lại nhiều đến mức lọt vào tốp tìm kiếm trên iTunes vào đầu tháng 2-2020. "Contagion" mở đầu phim bằng câu chuyện về nữ doanh nhân Beth Emhoff (Gwyneth Paltrow thủ diễn) trở về Mỹ sau chuyến công tác ở Hồng Kông - Trung Quốc. Cô thấy mình có dấu hiệu như bị cảm cúm và sau đó ngã quỵ vì co giật tại nhà, được chồng là Mitch (Matt Damon đóng) đưa đi cấp cứu. Thế nhưng, cô không qua khỏi, chết vì bệnh lạ. Mitch về lại nhà thì phát hiện con trai riêng cũng chết vì căn bệnh lạ tương tự. Thế giới bắt đầu hỗn loạn trước loại virus lạ gây bệnh, giết chết hàng triệu người, làm đảo lộn trật tự xã hội, gây lo sợ trong cộng đồng. Sau vất vả điều tra, tiến sĩ Ally Hextall (Jennifer Ehle đóng) với sự hỗ trợ của giáo sư Ian Sussman (Elliott Gould đóng) xác định bộ gien virus lạ, đặt tên Meningoencephalitis Virus One (MEV-1).
Cảnh phim "Contagion"
Mặc dù câu chuyện hư cấu nhưng "Contagion" lại có nhiều chi tiết tương tự với đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Biên kịch của phim là Scott Z. Burns cho biết đã nghiên cứu thận trọng, tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, bao gồm nhà dịch tễ học Larry Brilliant và Ian Lipkin để bảo đảm kịch bản phù hợp với thực tế của khoa học virus. Nhiều điều được cảnh báo trong phim giờ đang trở thành hiện thực. Scott Z. Burns chia sẻ có nhiều cáo buộc cho rằng ông có thể du hành vượt thời gian, biết trước tương lai... nhưng thực tế ông chỉ có sự hỗ trợ, tư vấn từ phía các chuyên gia. "Lắng nghe các quan chức y tế cộng đồng là điều tốt nhất các bạn có thể làm ngay bây giờ. Ngoài ra, các bạn cần thực hiện những điều cơ bản như xa cách xã hội, rửa tay thường xuyên, ở nhà cách ly hoàn toàn nếu nhiễm bệnh" - biên kịch Scott Z. Burns đề nghị.
Burns còn cho rằng một phim khác về dịch bệnh ghi được dấu ấn trong khán giả là "The Flu" (Đại dịch cúm) của đạo diễn Kim Sung-soo (Hàn Quốc sản xuất) ra rạp năm 2013. Phim mô tả thảm họa dịch cúm H5N1, bắt nguồn từ một nhóm người nhập cư trái phép vào Hàn Quốc, làm lây lan virus chết người này khắp Bundang, thành phố cách thủ đô Seoul vài trăm km, khiến hàng triệu người chết.
Cảnh phim "The Flu" (Đại dịch cúm)
Ngoài 2 phim trên, phim "Children of men", phát hành năm 2006, cảnh báo dịch bệnh kỳ lạ khiến nhân loại mất đi khả năng sinh con; phim "Blindness" (năm 2008) nói về dịch bệnh "mù trắng" cùng cuộc sống trong khu cách ly dành cho người bệnh; phim "The Happening" (năm 2008) nói về bệnh dịch kỳ quái, không màu, không mùi, không vị, khiến cho người mắc bệnh tìm mọi cách để tự sát; phim "Train to Busan" (Chuyến tàu sinh tử), phát hành năm 2016, cảnh báo về loại virus bí ẩn biến con người thành xác sống khát máu...
Thông điệp nhân văn
Đa số các phim về dịch bệnh được làm với mục đích mang tính cảnh báo, gửi gắm thông điệp về tình người, bài học giá trị nhân văn. Giữa lằn ranh sống chết, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, lòng vị tha trở thành sức mạnh để con người vượt qua dịch bệnh. Sự ác cảm, kỳ thị, tính ích kỷ là điểm yếu cho dịch bệnh tấn công, bùng phát mạnh mẽ. Phim "Contagion" không có những cao trào, kịch tính hồi hộp thu hút khán giả, thay vào đó là các tình tiết rất đời thường, chân thật mang đến người xem nhiều bài học giá trị: nỗi sợ hãi quá mức, tâm lý đám đông hỗn loạn và những hành vi thiếu ý thức bởi lợi ích chung có thể dẫn đến chia rẽ, hiềm khích trong xã hội tại thời điểm dịch bùng phát; thông tin không được kiểm soát cũng dẫn đến thật - giả lẫn lộn, tạo cơ hội cho kẻ xấu lan truyền tin tức sai lệch để trục lợi từ sự sợ hãi. Với phim "The Flu", tình mẫu tử, tình cảm giữa người với người lúc hoạn nạn được đề cao. Giữa sự sống và cái chết của đồng loại, vẫn còn đó những con người với tinh thần hy sinh, dốc hết sức lực cứu người, nhất là sự quyết đoán của người đứng đầu quốc gia, là thông điệp nhân văn được đề cập.
Cảnh phim "Train to Busan
Tác phẩm lan truyền cảm xúc và nhân văn nhưng vẫn không mất đi sự hồi hợp, hấp dẫn của dòng kinh dị được ngợi khen nhiều là "Train to Busan". Phim đưa vào nhiều tầng lớp xã hội, nhiều mối quan hệ khác nhau để nêu bật lên bản chất sâu kín của mỗi người. Trên cùng một chuyến tàu tìm đường cầu sinh ấy, tình cha con, chồng vợ, bạn bè và trên hết là tình người dần được hiển lộ. Nó giúp một người cha vô tâm, hời hợt với con, ích kỷ với xã hội như Seok-woo (Gong Yoo đóng) học cách hy sinh cho con và cho người khác. Nó giúp con người tin tưởng lẫn nhau, tìm thấy cái tâm thiện sâu bên trong đã bị sóng gió cuộc đời thường nhật che lấp. Phim lan tỏa tình người, xóa nhòa sự thực dụng, ích kỷ khi đối mặt với tử thần. Sự hy sinh cho nhau, chung tay tạo ra tia sáng cho tương lai là giá trị nhân văn được gửi gắm trong phim.
Bài học chưa cũ
Hầu hết các phim về đại dịch đều gửi gắm thông điệp về tình người, niềm tin lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn. Hẳn nhiên, đây cũng là kim chỉ nam vượt đại dịch ngoài đời thực. Một khi xã hội chung tay đồng lòng, người dân cùng phối hợp với chính quyền thực hiện đúng những biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhiều khả năng thành công hơn là sự chia rẽ, đề cao cá nhân và thói ích kỷ.
"Contagion" và "The Flu" đều có cảnh mọi người ùa vào siêu thị càn quét thực phẩm, hàng hóa để cầm cự trong dịch. Giữa đám đông tranh nhau càn quét, mọi người lây nhiễm cho nhau rồi gục ngã. Sự ích kỷ của con người được thể hiện với những hành vi cố tình không đeo khẩu trang khi ho làm lây bệnh cho người khác, hay phun nước bọt nơi công cộng... Nhiều phim vạch trần sự hèn nhát của một số chính trị gia cố bưng bít thông tin dịch bệnh vì lo ngại cho "cái ghế" của mình.
Trong đại dịch Covid-19, những phản ánh từ phim trước đây phần nào ứng vào đời thực hôm nay. Cả xã hội như những mắt xích liên kết thành một mặt trận chống dịch, nếu vì ích kỷ cá nhân, vô trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, một mắt xích bị tháo rời, là vỡ trận.
Bình luận (0)