Phim hoạt hình "Minions: Sự trỗi dậy của Gru" (tựa gốc: "Minions: The Rise of Gru") do Kyle Balda đạo diễn, đã trở thành phim hoạt hình đầu tiên vượt mốc doanh thu 100 tỉ đồng tại phòng vé Việt. Đây cũng là phim hoạt hình có doanh thu phòng vé Việt cao nhất tính đến thời điểm này.
Bứt phá doanh thu
Theo nhà phát hành phim CJ CGV Việt Nam, "Minions: Sự trỗi dậy của Gru" thiết lập nhiều kỷ lục. Bộ phim chiếm tốp 1 phòng vé trong 5 ngày đầu ra rạp và tiếp tục giữ vững vị trí này ở cuối tuần thứ hai. Sau 10 ngày chiếu chính thức kể từ 1-7, bom tấn này đã cán mốc 100 tỉ đồng. Tại các phòng vé quốc tế, phim đã gặt hái hơn 420 triệu USD, đạt lợi nhuận cao so với kinh phí đầu tư 80 triệu USD.
"Minions: Sự trỗi dậy của Gru" là tác phẩm thương hiệu của làng hoạt hình thế giới. Nhân vật Minions đã có lượng người hâm mộ yêu thích lớn thông qua loạt phim "Kẻ trộm mặt trăng" (tựa gốc: "Despicable Me"). Phim quy tụ dàn diễn viên lồng tiếng đình đám gồm: Steve Carell, Pierre Coffin, Alan Arkin, Dương Tử Quỳnh…
Cảnh trong phim “Minions: Sự trỗi dậy của Gru”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Trước phim hoạt hình này, theo thống kê của Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ), phòng vé Việt ghi nhận phim hoạt hình "Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon 2021" đạt doanh thu gần 49 tỉ đồng. Ngoài ra, những phim hoạt hình danh tiếng thế giới khác khi đến rạp Việt cũng được chào đón nhiệt tình.
Theo Sun Wolf Animation Studio, kinh phí đầu tư vào phim hoạt hình của các dịch vụ phát nội dung trực tuyến toàn cầu như Netflix, HBO tăng theo từng năm. Phim hoạt hình có lượng khán giả phong phú khi cùng lúc tiếp cận nhóm khán giả trẻ em và cả người lớn. Thị trường toàn cầu của phim hoạt hình dự đoán lên đến 642 tỉ USD trong năm 2023.
Cần sớm khai phá
Phim hoạt hình có tiềm năng to lớn nhưng lâu nay nhà làm phim Việt chưa có khả năng khai thác thương mại. Một thị phần "béo bở" nhường hết cho các hãng nước ngoài thoải mái khai thác với nguồn doanh thu ngày một cao. Một số nhà làm phim Việt khao khát tạo ra tác phẩm hoạt hình Việt chiếu thương mại tại rạp nhưng gặp nhiều khó khăn.
Đầu tiên cần phải có được kịch bản tốt và mới lạ, kế đến là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, thiết bị kỹ thuật hiện đại. Tất cả đều cần nguồn kinh phí không nhỏ cùng với nỗ lực và sự quyết tâm của những người thực hiện.
Ông Đinh Kiều Anh Tuấn (còn gọi là Leo Đinh), Giám đốc điều hành và nhà sáng lập Sun Wolf Animation Studio (tiền thân là Red Cat Motion), cho biết đang theo đuổi 2 dự án hoạt hình chiếu rạp là "Hành trình nhân quả" và "Tản Viên phong châu". Trong ngày ra mắt Sun Wolf Animation Studio vào 15-6, công ty công chiếu phim hoạt hình "ý tưởng" (Proof of Concept) "U Linh tích ký: Bột thần kỳ" - thuộc khuôn khổ dự án "Hành trình nhân quả", giới thiệu về Linh giới.
Proof of Concept là phim ngắn giúp khắc họa cho khán giả ý tưởng ban đầu về thế giới, nhân vật, hình ảnh, đồ họa, kỹ thuật diễn xuất mà đội ngũ sẽ ứng dụng cho các dự án phim hoạt hình tiếp theo của mình. "U Linh tích ký: Bột thần kỳ" nhận được nhiều lời khen lẫn góp ý, động viên từ phía cộng đồng mạng khi được đăng tải lên kênh YouTube của công ty. Họ bày tỏ sự kỳ vọng lớn vào khả năng ra rạp của tác phẩm.
"Chúng tôi hy vọng tạo ra các tác phẩm kết nối tâm hồn, hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Theo lộ trình dự kiến, phim "Tản Viên Phong Châu" gồm 3 phần và phần 1 lên màn ảnh rộng vào năm 2025, phần 2 năm 2028 và phần 3 năm 2030. Phim "Hành trình nhân quả" dự kiến đến 2035" - ông Đinh Kiều Anh Tuấn thông tin.
Song song với lộ trình dài hơi vừa nói trên, Sun Wolf Animation Studio sẽ triển khai các loạt hoạt hình ngắn thuộc "U Linh tích ký" gồm 8 tập, phát triển truyện tranh và game, các vật phẩm… đi kèm. Đây là hướng tạo ra hệ sinh thái của phim hoạt hình mà các hãng trên thế giới đang làm. Một mô hình kinh doanh nhằm khai thác triệt để các nguồn lực, từ đó tạo ra giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu.
Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, kinh phí là vấn đề khó với hoạt hình Việt vì thời gian tạo ra sản phẩm rất lâu, không như các thể loại phim chiếu rạp khác. Nhà đầu tư muốn có lợi nhuận sẽ phải đợi chờ thời gian dài. Đó là chưa kể họ còn lo ngại chất lượng khi phim hoạt hình chiếu rạp của nước ngoài ngày càng đa dạng, còn Việt Nam chưa có sản phẩm nào để đối chiếu, so sánh.
Tuy nhiên, có đi thì mới thành đường. Phim hoạt hình Việt rất cần có sự tiếp sức của tất cả các nguồn lực từ cơ quan quản lý cho đến nhà đầu tư. Đây cũng là đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của chính khán giả Việt, nhất là khán giả thiếu nhi, muốn được thưởng thức câu chuyện mang đậm nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
Bình luận (0)