Sự thiếu vắng của các bộ phim nhà nước ở Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 20, diễn ra tại TP Đà Nẵng từ ngày 24 đến 28-11, có thể khiến vài người chạnh lòng nhưng một đạo diễn nổi tiếng thẳng thắn cho rằng sự thiếu vắng này đôi khi lại là điều tốt.
Đã qua thời hoàng kim
Thực tế nhiều năm nay, các hãng phim nhà nước hoạt động thoi thóp, đặc biệt sau khi cổ phần hóa. Quan trọng hơn là họ không có những kịch bản thực sự chất lượng để nhà nước đặt hàng sản xuất. Đã qua rồi thời các hãng phim nhà nước chinh phục hoàn toàn khán giả bằng những tuyệt phẩm: "Cánh đồng hoang", "Biệt động Sài Gòn", "Bao giờ cho đến tháng 10" hay "Mùa ổi", "Đời cát"…, hầu hết các phim do nhà nước đặt hàng các hãng phim này sản xuất những năm gần đây đều rơi vào tình trạng ra rạp không có người xem. Ngay cả các đạo diễn tên tuổi gạo cội, từng giành không ít giải thưởng danh giá trước đây cũng rơi vào tình trạng làm phim không có khán giả.
Phim "Cô Ba Sài Gòn" (do Ngô Thanh Vân sản xuất) không đơn thuần mang tính thương mại. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Hầu hết phim làm bằng vốn nhà nước đều lấy danh nghĩa làm phim nghệ thuật, phục vụ chính trị nên thường được cơ quan tài trợ, đặt hàng xuê xoa, bỏ qua yếu tố ăn khách. Ngay cả yếu tố nghệ thuật trong phim sản xuất bằng vốn nhà nước trong những năm gần đây cũng không đạt được như mong muốn, bị giới chuyên môn và công chúng định danh là "phim làm ra cất kho".
Nếu đã làm phim không có khán giả thì liệu nhà nước có nên tiếp tục đầu tư để rồi vừa mất ngân sách vừa không đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của công chúng hôm nay?
Rõ ràng, sự thiếu vắng của phim nhà nước không làm LHP Việt Nam lần thứ 20 kém đi sự hấp dẫn. Bởi thực tế, chính các hãng phim tư nhân hiện nay mới là những "đầu tàu" của điện ảnh Việt Nam khi đang nỗ lực giành lại thị phần phim chiếu rạp đang bị nước ngoài chiếm đến 80%.
Dành nhiều tâm huyết, tiền của cho phim
Có ý kiến thái quá khi lo lắng điện ảnh Việt Nam sẽ một màu, nghĩa là chỉ có màu thương mại mà không có màu nghệ thuật của dòng phim nhà nước.
Nếu những LHP Việt Nam trước đây khán giả và người trong giới còn lo phải đối diện những phim hài nhảm, thậm chí là thảm họa thì LHP 19 và 20 này, khán giả có thể mừng vì nhiều nhà sản xuất không chỉ đầu tư vào phim thương mại mà còn dành nhiều tâm huyết, tiền của cho đứa con tinh thần của mình. Kịch bản tốt, diễn viên tốt, cùng với bàn tay đạo diễn lành nghề và hình ảnh đẹp đã khiến cho nhiều bộ phim tư nhân tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với giới chuyên môn và khán giả cả trong và ngoài nước. Bộ phim "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng đã có mặt và giành nhiều giải thưởng tại nhiều LHP quốc tế. Tương tự, "Đảo của dân ngụ cư" cũng nhận được giải thưởng đặc biệt tại LHP Á - Âu, chu du nhiều LHP trên thế giới và khu vực… Bên cạnh những bộ phim gặt hái nhiều giải thưởng, danh sách phim truyện dự thi LHP lần này cũng ghi nhận các bộ phim đạt kỷ lục về doanh thu phòng vé hoặc nhận được phản hồi rất tốt của khán giả: "Em chưa 18", " Cô gái đến từ hôm qua", "Nắng", "Sài Gòn anh yêu em", "Cô Ba Sài Gòn"…
Khởi sắc bức tranh điện ảnh Việt
Từ chỗ chỉ sản xuất vỏn vẹn 5-10 phim, chủ yếu dành để chiếu trong dịp Tết và lễ lớn, những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đã nâng năng lực sản xuất lên gần con số trăm phim mỗi năm, chủ yếu là phim tư nhân. Số tiền đầu tư cho sản xuất phim Việt Nam mỗi năm ước tính lên đến ngàn tỉ đồng bằng vốn xã hội hóa. Rõ ràng nhà nước không phải bỏ ra đồng nào nhưng vẫn có cả trăm bộ phim truyện Việt ra đời mỗi năm phục vụ công chúng và hơn thế nữa là nộp thuế hàng chục tỉ đồng cho ngân sách nhà nước từ kinh doanh điện ảnh.
Dù các hãng phim nhà nước có làm phim truyện hay không thì thị trường phim Việt vẫn vận hành đúng với quy luật cung cầu của nó. Khi các đơn vị sản xuất phim của nhà nước không còn giữ vai trò đầu tàu thì hãy để các hãng tư nhân làm công việc của họ. Nhà nước còn nhiều việc phải chi ngân sách hơn là chi cho sản xuất phim truyện, công việc này đang có tư nhân làm. Chính họ chứ không phải ai khác đang làm khởi sắc bức tranh điện ảnh Việt Nam.
Dự liên hoan chỉ phim tư nhân
Lần đầu tiên trong lịch sử 20 kỳ tổ chức, LHP Việt Nam 2017 đánh dấu không có bộ phim điện ảnh nào do nhà nước sản xuất tham gia. 16 bộ phim truyện điện ảnh dự thi tại LHP Việt Nam lần thứ 20 gồm: "12 Chòm sao, vẽ đường cho yêu chạy", "Bạn gái tôi là sếp", "Bao giờ có yêu nhau", "Cha cõng con", "Cho em gần anh thêm chút nữa", "Chờ em đến ngày mai", "Cô Ba Sài Gòn", "Cô gái đến từ hôm qua", "Cô hầu gái", "Đảo của dân ngụ cư", "Em chưa 18", "Hot boy nổi loạn 2", "Nắng", "Sắc đẹp ngàn cân", "Sài Gòn anh yêu em", "Sứ mệnh trái tim" đều là những sản phẩm của các hãng phim tư nhân.
Bình luận (0)