Phim tài liệu độc lập về hành trình chuyển giới "Finding Phong" (Đi tìm Phong) nhận được phản hồi tích cực từ khán giả sau khi được chiếu ở các cụm rạp CGV, Galaxy, Lotte, Cinestar tại TP HCM và TP Hà Nội. Đây là niềm vui lớn của những người làm nghề nhưng cũng từ đó cho thấy dẫu từng có "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" và "Lửa Thiện Nhân" gây sốt dư luận, phim tài liệu độc lập ra rạp vẫn là con đường vô cùng gian nan.
Đam mê mới làm được
Phim tài liệu độc lập được nhận định là lĩnh vực kén người tham gia bởi chẳng mấy ai đủ lửa, đủ đam mê để bước trọn vẹn trên con đường này. Nhiều người ban đầu thấy thích, bắt tay vào làm nhưng rồi đành bỏ cuộc bởi "cơm áo gạo tiền", không thấy đầu ra, chẳng có vốn sản xuất.
Phim tài liệu “Đi tìm Phong” chật vật mới có cơ hội phát hành ở Việt Nam. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Một số người tâm huyết như đạo diễn Đặng Hồng Giang phải "cắm" sổ đỏ ngôi nhà của mình để làm phim tài liệu "Lửa Thiện Nhân" suốt 3 năm. Hiện nay, nguồn vốn cho phim tài liệu độc lập đã khá hơn nhờ những quỹ hỗ trợ đến từ các nước trong khu vực nhưng để nuôi sống được người làm phim là rất khó. Họ vẫn phải làm nhiều công việc khác để lấy ngắn nuôi dài.
Nữ đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, người thực hiện phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", thổ lộ rằng để hoàn thành phim này, chị mất 5 tháng bám đoàn lô tô, "ăn ngủ cùng các nhân vật" nhưng mất đến 5 năm hậu kỳ để hoàn thành phim. Việc mất nhiều thời gian như thế cũng vì thiếu kinh phí làm hậu kỳ, phải vận động, tìm kiếm nguồn quỹ từ nhiều tổ chức khác nhau.
Với Nguyễn Thị Thắm, làm phim tài liệu độc lập là được sống, trải nghiệm thực sự, mang lại sự tự do, nhất là tự do sáng tạo. Do vấn đề về kinh phí, nhiều nhà làm phim tài liệu độc lập ấp ủ những đề tài lớn hơn rất khó có thể thực hiện được. Một số phim tài liệu độc lập vì thế chưa lột tả được hiện thực cuộc sống theo thời cuộc để mang đến sự hấp dẫn cho công chúng.
Khó khăn không chỉ ở giai đoạn tiền kỳ, hậu kỳ mà ngay khi phim hoàn thành, chu du khắp nơi nhưng không thể phát hành ở quê hương. Phim "Đi tìm Phong" của đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus là trường hợp điển hình. "Cái khó lớn nhất khi thực hiện "Đi tìm Phong" là thuyết phục được nhân vật, người thân nhân vật và mất rất nhiều thời gian thực hiện. Sau khi đã thuyết phục được nhân vật, chúng tôi mất 3 năm để hoàn thành phim. Với suy nghĩ mang phim ra quốc tế tranh giải lấy uy tín để các nhà phát hành Việt giảm bớt e ngại, chúng tôi đưa "Đi tìm Phong" chu du nhiều liên hoan phim thế giới. Thế nhưng, sau khi gặt hái giải thưởng, thời gian dài sau đó, chúng tôi vẫn khó tìm được nhà phát hành để đưa phim về Việt Nam" - đạo diễn Phương Thảo tâm sự.
Tạo thói quen cho khán giả
Nghệ sĩ Hồng Ánh - "bà đỡ" của nhiều phim tài liệu độc lập Việt, trong đó có "Đi tìm Phong" - nói trong ngày chiếu ra mắt phim này: "Tôi ngạc nhiên khi một phim tài liệu Việt hay, giành nhiều giải thưởng quốc tế như thế mà lại không có nhà phát hành Việt Nam nào quan tâm đưa về chiếu ở Việt Nam. Đến khi đạo diễn Phương Thảo tìm đến tôi với mong mỏi đưa "Đi tìm Phong" về với khán giả Việt, tôi đồng ý ngay dù biết không dễ dàng".
Hồng Ánh đã có buổi thương thảo cùng các nhà phát hành ngay sau đó nhưng gặp khó vì lịch chiếu các rạp đầy kín đến cuối năm. Song, với quyết tâm để khán giả yêu mến phim tài liệu được thưởng thức tác phẩm này, Hồng Ánh vẫn nỗ lực gõ cửa khắp nơi với tinh thần tìm kiếm các cụm rạp nhỏ, phục vụ cho những đối tượng khán giả thích phim tài liệu. Nỗ lực của chị được đền đáp. Sau 2 suất chiếu ở Viện Trao đổi văn hóa Pháp (IDECAF) với 450 khán giả, phim được các nhà phát hành lớn: CGV, Galaxy, Lotte, Cinestar hỗ trợ.
Hồng Ánh cùng công ty của mình đã không ít lần hỗ trợ cho các phim tài liệu, phim nghệ thuật đến được khán giả Việt Nam với mong muốn mang đến những món ăn tinh thần mới hơn cho người xem và giúp những người tâm huyết với các thể loại khó ăn khách như phim tài liệu có được đầu ra.
Diễn viên Hồng Ánh mong muốn khán giả sẽ có thói quen bỏ tiền ra rạp xem phim tài liệu độc lập chứ không phải xem miễn phí như nếp nghĩ lâu nay. "Phim nhận được phản hồi tốt từ phía khán giả, dù ra rạp có những suất chiếu không đông người xem nhưng ấm cúng, khán giả khóc cười cùng Phong. Nhiều người đi xem vài lần, cũng có người đi xem rồi những khi thấy lịch giao lưu lại đến lần nữa để gặp nhân vật, gặp ê-kíp. Thêm vào đó, nhiều tình nguyện viên, bạn bè của tôi hỗ trợ hết mình cho phim. Các bạn ở công ty của Hồng Ánh nghĩ ra những chiêu thức khác nhau để quảng bá, thông tin về phim đến khán giả. Tôi thấy hạnh phúc khi được mọi người chung tay lo cho phim của mình" - đạo diễn Phương Thảo xúc động bày tỏ.
Chị nghĩ rằng dẫu phim được chiếu ở nước ngoài, được nhận nhiều giải thưởng và lời khen ngợi nhưng đến được với khán giả Việt ở diện rộng vẫn là niềm tự hào. Sắp tới, phim "Đi tìm Phong" sẽ mở hướng phát hành sang các trường đại học, những trung tâm văn hóa khác.
Nhiều người trong giới cho rằng khó có giải pháp đầu ra tốt nào cho phim tài liệu độc lập bằng việc người làm cố gắng tạo ra sản phẩm hấp dẫn để xóa định kiến, tạo thói quen bỏ tiền xem phim tài liệu từ khán giả như nhiều nước trên thế giới.
Cần quỹ hỗ trợ
Nhà sản xuất Hồng Ánh cảm thấy mình đơn độc trên con đường đồng hành cùng phim tài liệu Việt nhưng chị nói cũng không trách được phía phát hành bởi kinh doanh gắn liền lợi nhuận. Chị chỉ mong có nhiều hơn nữa những bàn tay nâng đỡ đến từ đồng nghiệp, từ những mạnh thường quân trong xã hội.
Đạo diễn Phương Thảo cho biết hiện nay, phim tài liệu độc lập Việt có thể tìm nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ của Hàn Quốc, Pháp, Đức... Trong đó, nguồn vốn quan trọng nhất là Hàn Quốc vì dành cho châu Á và dễ xin được hơn các nguồn quỹ khác. Tuy nhiên, mỗi khi sản phẩm được tạo ra từ nguồn vốn quỹ các nước khác cũng đều khiến nhà làm phim chạnh lòng vì rõ ràng đó là sự hỗ trợ đến từ nơi khác.
Hầu hết người trong nghề đều mong Việt Nam có một quỹ hỗ trợ cho phim tài liệu độc lập nói riêng và điện ảnh Việt nói chung.
Bình luận (0)