Việc bảo đảm an toàn tại trường quay được xem là yếu tố tiên quyết để giảm nguy cơ gây thiệt hại, khó khăn cho các đoàn làm phim. Vì thế, ê-kíp nào cũng xếp lịch trình quay phù hợp.
Chủ động nhờ kinh nghiệm
Đã có kinh nghiệm qua những đợt dịch trước đó nên các đoàn làm phim truyền hình có sự chủ động hơn trong phòng dịch.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết đoàn của anh đã đến Gò Dầu (Tây Ninh) để quay các cảnh tiếp theo của phim "Lưới trời" sau thời gian nghỉ Tết. Phim này dài 40 tập, đoàn đã quay được 20 tập kể từ khi khai máy vào tháng 12-2020.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền tất bật với bối cảnh phim “Lưới trời” (Ảnh: THỌ PHAN)
"Do dịch bệnh, chúng tôi tạm chưa quay các bối cảnh dân cư đông người mà quay trước bối cảnh ở bến sông, đường làng, cảnh ngoài trời, nơi vắng người. Chúng tôi cũng trình báo chính quyền địa phương ở nơi cần quay, cố gắng phân nhỏ lực lượng, tập trung ít người trên trường quay, bảo đảm tuân thủ quy định phòng dịch. Ngoài khẩu trang, nước sát khuẩn sẵn sàng mọi lúc cho cả đoàn, chúng tôi còn giăng rào từ xa để tránh tình trạng người dân hiếu kỳ đến xem" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho hay.
Anh nói thêm cả đoàn sẽ ở Tây Ninh khoảng 18 ngày rồi sang Dầu Giây (Đồng Nai), Tân Châu (Đồng Tháp). Những đại cảnh phần nhiều đã quay trước Tết nên cũng giảm bớt khó khăn. Tất cả đều nghiêm túc bảo vệ an toàn bản thân bởi hiểu rằng đó cũng là bảo vệ cho gia đình, cho ê-kíp, cho tiến trình quay phim diễn ra trơn tru.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, thông tin: "Chúng tôi cũng đang có đoàn làm phim "Thương con cá rô đồng" do Hoàng Tuấn Cường đạo diễn bắt đầu quay tiếp sau Tết. Mọi khâu phòng dịch từ khẩu trang, khử khuẩn đều chuẩn bị đầy đủ trên trường quay. Bối cảnh quay chủ yếu ngoài trời, vùng quê không có dân cư đông đúc nên không ảnh hưởng. Ngoài phim này, giữa tháng 3, chúng tôi sẽ bấm máy một tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết "Vợ quan" của nhà văn Trung Quốc Đường Đạt Thiên. Mọi việc hiện vẫn đang tiến hành theo kế hoạch".
Trở lại trường quay sau thời gian nghỉ Tết, diễn viên Văn Phượng - đoạt giải Mai Vàng lần thứ 26-2020 hạng mục Nữ diễn viên được yêu thích nhất - cho biết cô đang quay giai đoạn nước rút phim ngắn "Phía cuối con đường" và cũng vừa nhận lời tham gia một dự án phim truyền hình dài 50 tập sẽ khởi quay vào cuối tháng 3.
"Tôi thấy khá áp lực khi quay phim thời dịch vì không thể đeo khẩu trang lúc đứng trước ống kính đối diễn cùng đồng nghiệp. Tuy nhiên, đoàn phim hỗ trợ rất kỹ, sắp xếp người trực để sát khuẩn liên tục, không cho người lạ đến trường quay. Toàn bộ diễn viên, ê-kíp đều rất tự giác phòng dịch trên trường quay nên cũng an tâm" - diễn viên Văn Phượng trải lòng.
Đạo diễn Xuân Phước cho biết sẽ khởi quay ngay khi hoàn tất phần kịch bản phim "Nữ tướng khởi nghiệp".
Mong dịch chóng qua
Việc quay phim mùa dịch được người trong giới nhận định là tốn kém hơn so với bình thường. Diễn viên Văn Phượng bộc bạch: "Nhiều phân cảnh phức tạp, cần đông người đều phải dời lại quay sau và ưu tiên những cảnh đơn giản, chỉ cần một vài diễn viên trước ống kính. Việc này dễ ảnh hưởng đến tiến độ, tác động đến kinh phí sản xuất. Vì thế, tôi mong dịch sớm qua, nhịp sống trở lại bình thường và mọi người yên tâm hơn vào công việc".
Đồng quan điểm, biên kịch Thanh Hương cũng cho biết chỉ có thể phân bổ người vừa đủ, tránh đông đúc trên trường quay. Vì thế, nếu người điều hành, sắp xếp không khéo dễ gây trễ tiến độ và kéo theo đó là kinh phí tăng.
"Tôi nghĩ phim truyền hình tại TP HCM sẽ khởi sắc mạnh trong năm 2021. Nhiều dự án đang chuẩn bị được khởi quay, khác với tình hình phim truyền hình chỉ tập trung sản xuất nhiều ở phía Bắc như thời gian qua. Tôi hiện cũng đang hoàn thành kịch bản phim "Nơi bình yên sóng gió", Việt hóa từ phim "Trái tim trong sáng" của Hàn Quốc, dài khoảng 100 tập. Phim sắp bấm máy phần đầu với khoảng 40 - 45 tập" - biên kịch Thanh Hương cho biết.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng nhận định phim truyền hình cùng web-drama sẽ phát triển theo chiều hướng tốt hơn trong năm 2021. Dịch bệnh khiến các nhà đầu tư điện ảnh trở nên e ngại, nhà sản xuất cũng cân nhắc hơn. Nguồn đầu tư sẽ đổ về phim truyền hình và các web-drama.
Số lượng phim truyền hình được đầu tư lớn từ dàn diễn viên, bối cảnh… cũng đang dần tăng lên, hứa hẹn tạo nên diện mạo mới cho thị trường phim truyền hình.
Lợi thế hơn phim điện ảnh
So với điện ảnh, phim truyền hình lợi thế hơn vì không cần lo lắng, cân nhắc "đầu ra" của sản phẩm. Khán giả không đến rạp, họ tập trung giải trí thông qua truyền hình, các nền tảng mạng, vì vậy phim truyền hình trở thành "món ăn" được ưa chuộng. Nắm bắt điều này, các nhà đầu tư đã dịch chuyển sang truyền hình, web-drama (phim chiếu mạng); các nhà sản xuất cũng nhanh chóng tiến hành các dự án để đáp ứng nhu cầu khán giả.
Bình luận (0)