xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phim về giới thứ ba cần sáng tạo hơn

MINH KHUÊ

Nhiều phim đã và đang khai thác về cộng đồng LGBT (người đồng tính nam, nữ, lưỡng tính... - gọi chung là giới thứ ba) nhưng đề tài này đang cần lối đi mới, tránh gây nhàm chán cho khán giả

Phim "Mến gái miền Tây" khai thác về giới thứ ba không gặt hái được doanh thu như mong đợi. Phim này cũng không tạo được sự chú ý như những gì mà web-drama (phim chiếu mạng) có tên "Ghe bẹo ghẹo ai" đã làm được.

Cũ kỹ, thiếu cao trào

Theo Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ), "Mến gái miền Tây" ra rạp từ ngày 25-3 nhưng doanh thu đến nay chỉ gần 6 tỉ đồng. Với con số này, phim rất khó thu hồi vốn. "Mến gái miền Tây" do Trần Thanh Phong đạo diễn, nội dung vừa là tiền truyện vừa là hậu truyện của web-drama "Ghe bẹo ghẹo ai" từng được nhiều người yêu thích trên nền tảng YouTube năm 2019.

"Mến gái miền Tây" xoay quanh cuộc đời của Mến (Võ Đăng Khoa đóng) thuộc giới thứ ba, yêu đơn phương Nhớ (Hoàng Nguyên đóng). Do nhiều biến cố, Mến và Nhớ thành vợ chồng nhưng trong tâm trí của Nhớ, cả hai chỉ là bạn thân. Trong khi đó, Mến thay đổi vẻ ngoài như một cô gái nhưng trong thâm tâm không quá thích nhân dạng này và cũng không khao khát chuyển giới, trở thành một cô gái đúng nghĩa. Mến vẫn muốn là chính mình và điều đó đã đến khi chuyện tình cảm với Nhớ hoàn toàn tan vỡ, cũng như Mến tìm được người đồng cảm, hiểu và yêu thương mình.

Phim về giới thứ ba cần sáng tạo hơn - Ảnh 1.

Phim “Mến gái miền Tây” doanh thu không như kỳ vọng. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Tác phẩm này được đầu tư chỉn chu về bối cảnh, có điểm cộng về nỗ lực tìm kiếm yếu tố mới để khai thác dù chưa thành công. Diễn xuất tốt của một số diễn viên cũng tạo được điểm nhấn cho nhân vật mình thể hiện. Thế nhưng, phim này có nhiều điểm trừ như: kịch bản chưa sâu sắc, mảng miếng hài quá cũ kỹ, phân đoạn cảm xúc chưa đẩy được cao trào để lấy nước mắt khán giả.

Nhiều khán giả nhận xét kịch bản phim "Mến gái miền Tây" có nhiều chi tiết vô lý, dẫn đến tâm lý nhân vật cũng chuyển biến khó hiểu. Những tình huống đặt để, dàn dựng không tự nhiên dẫn đến khiên cưỡng, giống kịch hơn là phim điện ảnh; phần lời thoại chưa gần gũi cuộc sống.

Việc khắc họa hình ảnh người thuộc giới thứ ba qua hình thức giả gái, chịu sự kỳ thị của gia đình, của người đời đã không còn mới lạ qua nhiều phim từ điện ảnh đến tài liệu, truyền hình như "Lô tô", "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng"…

"Ngày nay, người thuộc giới thứ ba không còn chịu sự kỳ thị gay gắt. Họ cởi mở và thoải mái chia sẻ xu hướng giới tính của mình. Nhà làm phim không cần thiết phải cho khán giả thấy hình ảnh cần sự đồng cảm, muốn được công khai xu hướng giới tính, muốn được công nhận trước công chúng. Cách khai thác đề tài về giới thứ ba theo lối tư duy cũ trước đây đã không còn mới lạ, do vậy các tình tiết của phim trở nên dễ đoán, mảng miếng dần theo lối mòn" - nhà biên kịch Đông Hoa nhận xét.

Nhìn sâu và đa chiều

Điện ảnh Việt từng có nhiều phim khai thác về giới thứ ba như "Lạc giới", "Hotboy nổi loạn" phần 1 và 2, "Lô tô", "Xóm trọ 3D", "Sài Gòn, anh yêu em", "Tao không xa mày", "Song lang", "Thưa mẹ con đi", "Ngôi nhà bươm bướm"… Trong đó, "Hotboy nổi loạn" và "Lô tô" đi sâu vào khai thác thân phận của người thuộc giới thứ ba một cách gai góc, tạo được hiệu ứng mạnh với khán giả, mang đến sự cảm thông nhiều hơn đến phận người.

Phim "Thưa mẹ con đi" là tác phẩm khai thác tình cảm gia đình trên nền câu chuyện về tình cảm giữa hai chàng trai, tạo được nét thu hút riêng với khán giả. Với cách khai thác tâm huyết, hình ảnh người thuộc giới thứ ba trở nên đẹp hơn trên màn ảnh rộng.

Phim về giới thứ ba cần sáng tạo hơn - Ảnh 2.

Một cảnh trong phim “Mến gái miền Tây” (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Tuy nhiên, người trong giới cho rằng phim khai thác đề tài giới thứ ba của điện ảnh Việt chỉ mới dừng lại ở vẻ ngoài, bề nổi. Trong một số phim, câu chuyện giới thứ ba chỉ là góc nhỏ, làm nền cho một câu chuyện khác về tình người, tình cảm gia đình nên không được đào sâu, đi đến tận cùng. Vì thế, điện ảnh Việt vẫn chưa có những tác phẩm ấn tượng nếu so với điện ảnh thế giới - vốn làm rất tốt đề tài này, như các phim "Cô gái Đan Mạch", "Thương mến, Simon", "Gọi em bằng tên anh"…

"Khán giả Việt ngày nay được xem rất nhiều phim với nhiều chủ đề ở khắp nơi trên thế giới. Họ có cái nhìn tinh tế. Họ không quan tâm đề tài hay thể loại nhà làm phim tiếp cận mà chỉ quan tâm đến câu chuyện trong phim có hấp dẫn không, có thuyết phục không. Với phim về đề tài giới thứ ba của điện ảnh Việt hiện nay, việc thể hiện chiều sâu, nội tâm, sự giằng xé của nhân vật còn mờ nhạt, không giúp khán giả có được sự cảm thông" - nhà biên kịch Kim Ngọc nêu ý kiến.

Theo nhà biên kịch Đông Hoa, khi chuyện về giới thứ ba đã cởi mở hơn thì sự khắc họa cái nhìn của công chúng trong phim cũng cần thay đổi. Nhà làm phim không cần phải thay mặt người trong giới thứ ba kể khổ, than vãn cho họ hay định hình họ một cách rập khuôn, mà thay vào đó ghi nhận những thành công, sự cởi mở, tích cực theo hướng nhân văn sẽ tốt hơn.

Sự khai thác của điện ảnh thế giới với đề tài này rất đa dạng, nhiều góc nhìn, không hiếm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, tiểu sử. Đã đến lúc, nhà làm phim Việt cũng nên nhìn sâu hơn, đa chiều và sáng tạo hơn nếu khai thác về đề tài này.

Phản hồi của khán giả xem phim cho thấy đề tài về giới thứ ba cần có sự thay đổi, sáng tạo hơn, đi sâu vào nội tâm hơn, thay vì chỉ loay hoay mô tả bề ngoài một cách dễ đoán, thiếu hấp dẫn.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo