Sau giải thưởng của phim "Người vợ ba" tại Liên hoan Phim (LHP) Toronto 2018, khán giả lại háo hức trước thông tin phim "Song lang", "Cô Ba Sài Gòn" cũng ra nước ngoài tranh giải. Phim Việt nghệ thuật hoặc có yếu tố nghệ thuật xuất ngoại ngày càng nhiều và đôi khi cũng gặt hái giải thưởng nhưng chuyện mua bán thì bế tắc.
Không so được với quốc tế
Trong giai đoạn xã hội hóa, phim tư nhân lên ngôi và đa phần sản xuất nhằm mục đích thương mại, tập trung cho thị trường nội địa. Ngược lại, phim nghệ thuật hoặc đậm yếu tố nghệ thuật hiện đa phần chọn đường vòng, đến với các giải thưởng quốc tế trước sau đó quay lại thị trường nội địa. Nhiều người trong giới cho rằng phim nghệ thuật tìm kiếm giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế trước rồi dùng giải thưởng này quảng bá trong nước là giải pháp tối ưu trước tình trạng lượng khán giả dành cho phim nghệ thuật quá ít so với phim thương mại. Con đường chủ yếu đến với thị trường quốc tế của nền điện ảnh non trẻ như Việt Nam là gửi đi tranh giải, tham gia chợ phim. Những hoạt động này được thực hiện tự do dựa vào quan hệ, kinh phí của nhà sản xuất. Hiện nay, việc gửi phim dự giải tại các LHP khu vực không nhiều khó khăn.
Gần đây, số lượng phim nghệ thuật của Việt Nam thắng giải ngày càng nhiều: "Người vợ ba" của đạo diễn Nguyễn Phương Anh nhận giải "Phim truyện điện ảnh châu Á xuất sắc nhất" của LHP Toronto 2018. Phim "Đảo của dân ngụ cư" chiến thắng các hạng mục "Phim hay nhất", "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất", "Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất" tại LHP quốc tế ASEAN 2017. Mới đây, phim này cũng thắng 2 giải tại LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 58. Phim "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng cũng được vinh danh ở nhiều LHP quốc tế trước khi quay về trình chiếu cho khán giả trong nước... Trước đó, "Đập cánh giữa không trung" của Nguyễn Hoàng Điệp thắng giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice thuộc LHP Venice lần thứ 71 hay "Bi, đừng sợ" của Phan Đăng Di đoạt giải tại LHP quốc tế Cannes và nhiều LHP khác sau đó.
Cơ hội để phim Việt ra nước ngoài không ít nhưng chỉ mới dừng lại ở các cuộc thi và tập trung nhiều ở phim nghệ thuật. Dòng phim thương mại với những đề tài chiều theo thị hiếu khán giả trong nước khó có thể xuất ngoại. Một số ít phim tạo được dư luận tốt hoặc doanh thu đột biến ở trong nước may ra mới có khả năng được phát hành ở vài nước trong các cụm rạp nhỏ, ở nơi đông kiều bào.
Những giải thưởng mang tính khuyến khích ở các LHP khu vực nhiều hơn là các LHP danh giá cũng chưa thành điểm nhấn quảng bá phim Việt ra thế giới.
"Dù đã có nhiều thay đổi về kỹ thuật quay, dựng nhưng phim Việt vẫn chưa thể bằng những nước có nền điện ảnh phát triển. Những câu chuyện phim mang thông điệp chưa vượt biên giới hoặc đủ sức lay động trái tim người dân đất nước khác. Phim Việt thương mại đa phần chạy theo trào lưu còn nghệ thuật thì chưa đủ cảm xúc. Người mua nhắm vào lợi nhuận, nếu thấy không mang lại lợi nhuận, họ chẳng bỏ tiền ra" - bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, phân tích.
Cảnh trong phim “Người vợ ba” gây xôn xao gần đây vì thắng giải tại Liên hoan Phim Toronto 2018. Ảnh: M-APPEAL
Bán phim - giấc mơ xa
"Việt Nam không ít tài năng nhưng rõ ràng để tạo một bộ phim so được với quốc tế là khó vì nhiều yếu tố khách quan. Chúng ta thiếu điều kiện về kinh phí, kỹ thuật, trình độ chuyên môn đồng đều dù tâm huyết và sáng tạo chẳng ít. Phim chưa đạt chuẩn về mặt thị trường quốc tế hẳn nhiên sẽ không bán được" - đạo diễn Lê Cung Bắc nói.
Nhà sản xuất Lý Quốc Oai cho rằng phim Việt khó bán ra thị trường quốc tế ngoài những yếu tố thua kém về kỹ thuật, câu chuyện... còn vì dàn diễn viên không phổ biến. Những nền điện ảnh lớn trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc sở hữu các diễn viên nhắc tên là nhiều người biết như Thành Long, Chương Tử Di, Lý Liên Kiệt, Lee Byung Hun, Lee Young Ae... Còn diễn viên Việt Nam, khi giới thiệu tên ở nước ngoài thì chẳng ai biết. Diễn viên cũng là thương hiệu "kéo" khán giả đến rạp đối với một tác phẩm muốn xâm nhập thị trường nước khác. Với thị trường kiều bào, ngoại trừ Mỹ và một số nơi có khu người Việt sống tập trung, đa phần sống rải rác.
Nhiều người trong giới nhận định điện ảnh Việt chưa có thương hiệu và rất khó xây dựng thương hiệu trong thời điểm chỉ phim tư nhân "tự bơi". Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy: "Cơ quan quản lý và nhà đầu tư tư nhân cùng hợp tác để tạo ra sản phẩm nghiêm túc, thông điệp vượt biên giới, không chạy theo thị hiếu. Những sản phẩm tạo tiếng vang tốt ngày càng nhiều sẽ tạo sự thay đổi cho thị trường". Ông Michael Werner - Chủ tịch Hãng Fortissimo Films (Hồng Kông), từng là nhà phát hành phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" ra thị trường quốc tế - cho rằng Việt Nam nên tập trung vào cái trước mắt là tăng số lượng phim có chất lượng như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ những nhà sản xuất phim có kinh nghiệm, đạo diễn tài năng và khuyến khích người mua phim.
Năm nào phim Việt cũng dự sơ tuyển Oscar
Lâu nay, số lượng phim Việt được Cục Điện ảnh Việt Nam cử đi dự sơ tuyển hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của giải thưởng Oscar danh giá không ít. Trong đó có thể kể đến: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Trúng số", "Mùi cỏ cháy", "Khát vọng Thăng Long", "Đừng đốt", "Áo lụa Hà Đông", "Chuyện của Pao", "Mùa len trâu", "Mùa hè chiều thẳng đứng", "Ba mùa", "Bụi hồng", "Mùi đu đủ xanh". Tuy nhiên, đến nay, lịch sử điện ảnh Việt chỉ mới ghi nhận phim "Mùi đu đủ xanh" của đạo diễn Trần Anh Hùng vào tốp 5 mùa giải 1994. Dù đây là phim Pháp lấy quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn là vinh dự lớn và duy nhất của điện ảnh Việt trên đấu trường giải thưởng quốc tế. Sắp tới, phim "Cô Ba Sài Gòn" được cử tranh sơ khảo Oscar 2019 dù hy vọng cũng mong manh.
Bình luận (0)