xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phong lưu Sài Gòn

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Cuối năm, phố phường trở nên hối hả tất bật, như thể tất cả mọi năng lượng được dành để tăng tốc trước khi kết thúc một chu kỳ vận hành. Thế rồi mọi thứ bỗng dưng chậm lại, thả lỏng, thơ thới lạ thường

Tôi thích lang thang những quán cà phê hè phố trung tâm trong những ngày này. Muốn ngồi yên một góc nào đó để nghe dòng thanh âm thác lũ của động cơ được một bàn tay vô hình nào đó khống chế, tiết chế dần dần cho đến khi ngưng bặt, tịch lặng vào ngày nguyên đán. Cuộc sống trở nên nhỏ nhẹ, dễ chịu. Có thể thong dong ngắm mai vàng, dõi theo màu nắng duềnh doàng trên những tán me non. Có thể gọi một ly cà phê phin thay vì một ly take away hay cà phê pha sẵn như thường lệ, để nhẩn nha, thưởng thức thời gian.

(Báo xuân - Mùng 3)Phong lưu Sài Gòn - Ảnh 1.

NHẠC XUÂN XƯA KHÔNG THỂ THIẾU. Chẳng biết từ khi nào, những bản nhạc Xuân Sài Gòn một thời có thể nghe được ở nhiều quán xá hay ngõ hẻm trong những ngày giáp Tết. Trong cái không khí se se lạnh và nắng vàng nhẹ se sắt thinh không của thì hiện tại, những bản nhạc Xuân xưa vẫn vẽ ra khung cảnh của thời loạn ly, của tâm trạng người lính xa nhà hay những mong ước thanh bình cho tương lai, vậy mà không hiểu sao vẫn rung cảm đến lạ lùng. Lũ chúng tôi, lớp trẻ sinh ra trong thời bình nhưng mỗi khi nghe "Em có nghe trời vào Xuân chưa/ Bên song từng giọt nắng vàng chợt lưa thưa", lòng lại thấy rộn ràng. Có khi người ca sĩ hát những ca khúc ấy cũng đã đi vào thiên thu rồi mà sao giọng ca như níu kéo, khơi gợi cả một vùng trời xuân xanh của cuộc đời.

(Báo xuân - Mùng 3)Phong lưu Sài Gòn - Ảnh 2.

Hình như thói quen nghe nhạc xưa của người miền Nam cũng có tính di truyền. Những người trung niên hay tuổi xế chiều thích nghe những bản nhạc Noel, nhạc Xuân thu âm ở Sài Gòn trước 1975 hay chí ít là vẫn những bản nhạc thời ấy, do các giọng ca thời ấy hát lại sau này. Có thể hiểu rằng thế hệ ấy đã được sinh trưởng trong khung cảnh văn hóa của những bản nhạc ấy, họ lưu luyến với ký ức tuổi trẻ tươi đẹp. Nhưng có một điều lớn hơn nhiều, có lẽ chính là cái tâm tình an hòa, nhân cảm lan tỏa trong những ca khúc xưa được truyền cảm gần như trọn vẹn trong những giọng ca một thời. Tạm gọi đó là tâm tình người miền Nam, đặt trong không gian, cảnh sắc đặc thù của tiết thời phương Nam nên mới dễ chạm vào sâu kín trái tim con người của xứ sở.

Tâm tình đó đi xuyên qua ký ức một thế hệ, nối tiếp trong tinh thần hậu duệ của họ, những người có thể xung khắc với họ khi ngồi bàn một chuyện gì đó về một thực tế nhiều phen gió bụi sang trang nhưng lại có được sự hòa ái, giao cảm khi ngồi bên nhau cùng nghe một bản nhạc cũ, cùng ngắm một vạt nắng vàng ngoài hiên. Cái tâm tính hướng về sự phong lưu an nhàn đó như một mã gien, lưu truyền dài lâu, không hề phai nhạt ở trong bản thể của con người sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, giúp người ta sống đủ đầy với các chiều kích: hoài niệm, hiện sinh và cả ngưỡng vọng tương lai.

SÁCH LÀ THÚ PHONG LƯU và cũng là đời sống thường nhật như mọi lương thực thiết yếu.

Màu Tết Sài Gòn cũng nằm trên những trang sách cũ. Có thể nói rằng chưa bao giờ như lúc này, những chuyện cũ Sài Gòn được kể lại nhiều, những sách cũ Sài Gòn được sưu tầm nhiều như vậy. Thử lướt qua những giá sách viết về Sài Gòn, sẽ thấy muôn hình vạn trạng, như thế thành phố hôm qua là một biển chuyện, thành phố hôm nay là một nguồn mạch tuôn chảy không ngừng, thành phố mai sau là một giấc mơ bất tận. Tất cả đan kết, quyện hòa trong sự thôi thúc muốn được trình bày nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn.

(Báo xuân - Mùng 3)Phong lưu Sài Gòn - Ảnh 3.

Những đôi mắt dừng lại rất lâu trên trang sách, trên ghế đá công viên, nơi quán cà phê, ở tiệm sách ngày cuối năm mang vẻ đẹp thanh tao. Những cái nhìn tĩnh tại xuyên qua thời gian và dâu bể để nhận diện thành phố rõ ràng hơn mà cũng lung linh hơn. Trong cái nhìn bình thản về văn hóa, cây cầu quá khứ - hiện tại - tương lai được nối kết liền lạc, mọi giới tuyến của định kiến được triệt tiêu. Thành phố sống động với hình hài, cốt cách và thân phận của mình.

Người đọc sách, trong những khoảng chậm rãi của thời gian những ngày cuối năm, nhận ra rằng chính những cuốn sách mới và cũ viết về thành phố cũng đang chuyện trò với nhau trong một cuộc đối thoại đầy bao dung của không gian tri thức, của trí quyển đô thị. Để tất cả góp vào một diễn ngôn chung - diễn ngôn về thời gian và những đổi thay.

Người Sài Gòn ngồi lại với những trang sách trong mọi lúc. Tôi vẫn nghe bạn bè nói với nhau rằng nghỉ Tết là quãng thời gian lý tưởng nằm yên đọc sách hay cùng gia đình đi thăm thú các tiệm sách, đường sách… Người lang thang đây đó trong những ngày Tết nhất cũng tranh thủ dành một ngăn ba-lô cho những cuốn sách. Sách kiến tạo nên tinh thần thị dân để những đô thị thực sự trở nên sung túc, văn minh và khai phóng.

Tôi cũng nhận ra rằng những ngày giáp Tết, bên những trang sách làm quà Xuân, trong không gian rộn ràng của nhạc Xuân, là khí trời, là nắng gió phương Nam nhẹ nhàng như những lời tình tự. Và rồi hoa cũng về trên những bến sông, những bãi chợ. Hình ảnh tôi muốn thấy và không khó để tìm thấy là những chiều ngày 29, 30 Tết, trên những đường phố trung tâm, giữa Lexus, BMW hay Lamborghini bóng lộn, vẫn những nhịp vòng xe quen của một bác xích lô vẻ mặt khắc khổ nở nụ cười tươi chở bà vợ tảo tần ôm bó hoa vạn thọ hay chậu tắc vàng rực về nhà chưng Tết, vẫn gặp bác xe ôm tranh thủ cuốc xe cuối năm chở chậu mai vàng đi "ship" đúng hẹn… Rồi thì nơi bến sông, những nhành hoa rực rỡ được trao tay người qua tay người, theo đó là những nụ cười rộn ràng, chan hòa.

Từ trong sự trầm ngâm trí thức đến cái bươn chải bon chen của bình dân ở thành phố này, dường như được kết nối với nhau ở một điểm - sống trọn vẹn với thành phố, trọn vẹn với thời gian của cuộc đời. Bên cạnh cuộc mưu sinh tất bật, bao giờ thị dân nơi đây cũng biết dành cho mình một ý hướng tinh tấn trong cuộc sống tinh thần hay chí ít là sự thanh nhàn để nhìn ngắm cuộc sống. Và từ đó, từ trong sâu thẳm lòng người đã có những mối giao cảm, mở ngỏ bình an, đón nhận những gì tốt lành mà mùa Xuân đem lại.

Màu Tết của Sài Gòn còn là màu của sự thanh đạm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo