Không ai có thể nghĩ đến cảnh phòng trà lại vắng vẻ đến như vậy. Ngày cuối tuần tại phòng trà Nguyễn Ánh 9, khán phòng chừng hơn 30 khán giả. Dù lượng khán giả chỉ lấp đầy 1/3 khán phòng phòng trà này nhưng chị Chu Thị Hồng Anh (chủ phòng trà) cho hay đây là một buổi diễn thành công về mặt khán giả vì chỉ mới một ngày trước đó, phòng trà này chỉ đón 10 khách. Nhưng "xét ở mặt nào đó, vào thời điểm này, 10 khán giả cho một buổi diễn ở phòng trà vẫn được xem là kinh doanh thành công vì có ngày chúng tôi chỉ có 1 đến 2 khán giả" - chị Chu Thị Hồng Anh nói.
Không phải phòng trà nào cũng có con số khán giả quá buồn như thế nhưng trống vắng khán giả là tình trạng chung hiện nay. Ngay cả các phòng trà ở vị trí đắc địa như Đồng Dao, Không Tên, Nam Quang cũng khó tránh cảnh đìu hiu… Dù là ca sĩ ngôi sao hàng đầu biểu diễn, lượng khán giả cũng chỉ được chừng trăm khách. Nhưng không phải lúc nào các phòng trà cũng đủ sức tổ chức đêm diễn của các ngôi sao. Thỉnh thoảng, những đêm nhạc chủ đề với các giọng ca bất hủ của nhiều thập niên trước được tổ chức tại phòng trà, lượng khán giả cũng khá tốt. Nói là tốt nhưng cũng chỉ là phần không đáng kể so với thời hoàng kim của phòng trà ca nhạc trước đây. Thực trạng vắng khách của phòng trà không hoàn toàn do chất lượng biểu diễn. Thậm chí, ca sĩ bây giờ hát hay và biến hóa hơn trước nhưng khán giả yêu nhạc không còn ưu tiên cho chương trình biểu diễn ở phòng trà ca nhạc nữa khi giải trí trên truyền hình đã giữ chân họ tại nhà.
Ca sĩ Triệu Long biểu diễn ở phòng trà Nguyễn Ánh 9
Một chủ phòng trà nói: "Chúng tôi cứ sĩ diện bảo rằng mọi thứ có xuống nhưng vẫn ổn. Thực tế, mỗi tháng cứ bù lỗ gần 200 triệu đồng. Một năm trung bình là 2 tỉ đồng đắp vào để phòng trà có thể tồn tại". Con số này quả đáng kể bởi chi phí để phòng trà sáng đèn, thù lao ca sĩ, ban nhạc biểu diễn,… mỗi tháng không hề nhỏ.
Dù giới kinh doanh phòng trà hiểu rằng sự thay đổi của thời thế là không cưỡng lại được và việc kinh doanh phòng trà không còn thời thượng nhưng vẫn quyết tâm bám trụ. Chính họ cũng không thể tự mình lý giải được điều này. "Chỉ biết rằng chính chúng tôi là những người yêu khoảnh khắc lúc sân khấu sáng đèn, lúc ca sĩ đắm đuối trong phần trình diễn của họ và lúc nhạc công say sưa nắn nót phím đàn còn khán giả thì trả trôi cảm xúc theo từng điệu nhạc lời ca. Nó giống như nghiệp mà chúng tôi đang mang vậy. Còn sức còn làm vậy thôi" - nhạc sĩ Nguyễn Quang bày tỏ.
Bình luận (0)