xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dưới chân núi Giàng

Tạp văn của Trần Nhã Thụy, ảnh: võ Trang

Tôi từng là một đứa trẻ chận bò. Ở quê tôi ngày ấy, người ta nói chận bò, chứ không phải chăn bò. Chận khác chăn thế nào, tôi không rõ, sau này lan man nghĩ lại thì thấy có lẽ "chận" nó đúng hơn "chăn". Chận là giữ là ngăn, không cho bò nó đi lung tung phá phách. Còn chăn, là chăn dắt, chăm nom. Lúc ấy một đám trẻ "lơ ngơ như bò đội nón" như chúng tôi thì "chận" đúng hơn là "chăn" chăng?

Nước mắm ngon dằm con cá trắng

Thấy em chận bò dang nắng, anh thương.

Ở quê thời ấy, thời bao cấp, trẻ con chận bò không phải là hiếm, nếu như không muốn nói là hầu hết. Cho nên, sau này đến mùa thi đại học, đọc báo lại thấy những bài viết kiểu như "Cậu học trò chăn bò bước chân vào giảng đường đại học" thì tôi chỉ mỉm cười. Tôi và nhiều bạn bè, nhiều anh chị, cũng là những cậu học trò chận bò vào đại học đấy. Nhưng thời ấy, chúng tôi không được "lên báo" như bây giờ.

Dưới chân núi Giàng - Ảnh 1.

Nói như thế, không phải để so bì, mà để thấy cuộc sống có nhiều thứ đổi thay. Có những thứ ngày xưa xem là tất yếu, hôm nay đánh giá là nỗ lực lớn lao, thậm chí phi thường.

Ngày trước ở quê tôi, các hộ nuôi bò nhiều, còn nuôi trâu thì ít. Có thể nói là nhà nghèo nuôi bò, còn nuôi trâu thuộc diện khá giả. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là "nhà có điều kiện". Bò nuôi để bán. Trâu nuôi để cày. Chận bò nhưng chăn trâu. Bò lao nhao, trâu ngạo nghễ. Đứa nào nhà có trâu là bảnh lắm. Bò có thể phi lên lưng cưỡi bất cứ lúc nào. Nhưng trâu muốn ngự lên lưng không dễ, phải được cả chủ lẫn trâu cho phép.

Hồi đó, tôi được vài lần cưỡi trâu, cảm giác choáng ngợp lắm. Con trâu to lớn dềnh dàng, da bóng láng, muốn trèo lên phải túm lấy cái đuôi, đặt bàn chân mình vào khuỷu chân sau của con trâu, rồi lấy đà nhún thót lên. Trâu bước lững thững không sao nhưng khi nó phi thì thôi rồi, cả người mình xốc nảy tưng tưng, tim như cứ văng ra khỏi lồng ngực.

Chăn trâu cắt cỏ trên đồng

Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

Đó là bài thơ "Chăn trâu đốt lửa" khá nổi tiếng của cố thi sĩ Đồng Đức Bốn. Mỗi lần đọc bài thơ ấy, tôi lại có cảm giác tủi thân. Trẻ chăn trâu, cuối cùng cũng có được một món quà thơ tuyệt vời. Còn lũ chận bò chúng tôi, dường như chưa có một bài thơ nào hay như thế (?!) Đã vậy, tôi sinh năm Quý Sửu (1973), vốn cầm tinh con trâu nhưng chỉ là một đứa chận bò (!).

***

Tôi bắt đầu viết truyện ngắn khi là sinh viên năm nhất (năm 1991) Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp TP HCM (nay là Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM).

Một trong những sáng tác đầu tay của tôi là truyện "Dưới chân núi Vàng", được đăng trên Tập san Sinh Viên (NXB Trẻ) do anh Sỹ Hào, một cựu sinh viên của trường, làm chủ biên; bây giờ thì anh cũng đã là người thiên cổ.

Gọi là truyện ngắn nhưng chủ yếu là viết về những kỷ niệm tuổi thơ ở làng quê thời bao cấp. Hồi ấy, đến những ngày cận Tết là tôi cưỡi một xe đạp đòn dông lên tận núi Vàng để cắt cỏ, chở về dự trữ cho bò ăn trong mấy ngày Tết. Dưới chân núi Vàng là một cánh đồng lúa mênh mông, xen lẫn là ruộng mía, ruộng đậu, ruộng bắp… Đó là nơi có rất nhiều cỏ tươi tốt thơm ngon mà ít người tìm đến. Tôi cắt cỏ dồn vào cái bao to (vốn dùng để đựng lúa) rồi chở về nhà. Có lần khát nước, tôi đi vào nhà dân xin nước uống thì vào trúng nhà làm bún. Tôi nhìn thấy hai người đàn bà đang cùng xay bột. Sau này mới biết đó là nhà của ông hai vợ. Hai người xay bột là hai bà vợ của ông, cùng ở một nhà, hòa thuận như hai chị em. Chi tiết này tôi có đưa vô truyện.

Nhà tôi nằm bên cánh đồng, gần trục ngang của Quốc lộ 1. Thời xa vắng, đêm nằm nghe tiếng sóng biển rì rầm từ phía Đông, bước ra sân ngó lên phía Tây thì thấy một thanh gươm đỏ rực. Đó là hình ảnh đốt than trên núi Vàng ngày ấy. Cứ lâu lâu nhìn lên núi lại thấy một đường dài như thanh gươm đang cháy.

Tôi chưa một lần trèo lên núi Vàng, chỉ loanh quanh dưới chân núi. Nhưng tôi gặp rất nhiều người từ xóm núi gánh củi xuống chợ. Trong đó có một người đàn ông mù cả hai mắt nhưng ngày nào cũng gánh một gánh củi xuống chợ bán. Thương ông, người ta thường mua giúp lúc ông kĩu kịt dọc đường. Hình ảnh ấy tôi không thể nào quên được. Một người đàn ông mù gánh củi xộc xệch đi giữa đường cái quan.

Chim quyên xuống đất ăn trùn

Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than

Đốt than phải giữ gánh than

Đừng cho lấm lọ mới ngoan anh hùng

Đó là bài ca dao mà tôi thuộc từ bé thông qua lời hát ru của má. Sau này, tôi có thấy vài dị bản, chẳng hạn như: "Đốt than thì phải sàng than/ Làm sao đừng để lấm gan anh hùng". Thì cũng trong trường nghĩa ấy. Là người anh hùng lỡ vận phải lên núi đốt than nhưng làm gì làm, đừng để cái cốt cách anh hùng phải lấm láp lọ lem. Gánh than mà đừng để lấm lọ. Mấy người làm được?

Nhưng rồi, khi càng xa quê, càng có tuổi thì càng thấm thía ý nghĩa của câu ca dao mộc mạc. Cái chuyện lên rừng đốt than ấy chẳng phải là việc của đấng anh hùng. Thất cơ lỡ vận, cùng đường mới làm việc ấy, chứ chẳng hay ho chi.

***

Lan man nghĩ chuyện rừng, chợt nhận ra một điều này: ngày trước rừng nhiều cây thế mà sao làm nhà làm cửa người ta chỉ dùng tre?

Ngày trước, ở nông thôn tre nhiều lắm, cứ bước ra khỏi ngõ là gặp tre, mỗi khi muốn làm nhà, người ta chặt những cây tre già cao lớn rồi ngâm xuống mương hay ao hồ. Một vài tháng, hay một vài năm, tùy ý gia chủ thì vớt lên làm nhà. Đó là những cây tre mà không mối mọt nào ăn được. Tre còn được dùng làm nhiều nông cụ. Tre xây thành đắp lũy. Tre trồng ở bìa làng, bờ sông, bờ đê…; để chống sụt lở xói mòn thì không gì sánh bằng. Thế mà chẳng hiểu vì sao tre lại cứ vắng bóng dần trên những nẻo đường quê. Cũng như cây rừng cứ thưa thớt dần trên những dãy núi.

Mới đây, sau cơn bão số 9 lịch sử, tôi lại về quê cùng nhóm bạn bè để hỗ trợ bà con lợp lại những mái nhà toang hoác.

Đi giữa cảnh hoang tàn đổ nát, lại nghĩ tới cây trên núi và rừng phòng hộ (rừng dương) ngoài biển. Cả hai hệ thống phòng ngự này giờ đây đang trơ trụi đến thảm hại, mỏng manh như những chiếc áo rách. Mưa trên núi trút xuống và bão từ biển thổi vào. Dân làm sao mà chịu cho xiết.

Ngồi với những người già còn lại ở quê, tôi lại nhắc chuyện núi Vàng, thì chợt có người cất tiếng: "Trật rồi. Không phải Vàng, làm gì có vàng mà núi Vàng, mà là Giàng. Núi Giàng. Núi của trời đấy".

Tôi nghe mà giật mình. Núi Giàng chứ nào phải núi Vàng. Vậy mà lâu nay mình cứ nghĩ người quê phát âm chữ "V" thành "D". Hóa ra Giàng là có ý nghĩa sâu xa của nó. Là núi Trời quê mình đó, mà mình chỉ mới loanh quanh dưới chân núi, chưa một lần trèo lên.

Núi Vàng là núi quý, còn núi Giàng là linh sơn (núi thiêng). Dường như ai cũng có một ngọn linh sơn trong lòng mình. Và từ độ về quê ấy, thi thoảng trong giấc mơ tôi lại thấy hình ảnh một con trâu xanh đang từ dưới chân núi Giàng đi ngược mãi lên. Trên cao nữa là mây trắng và gió vang tiếng sáo trẻ mục đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo