Allkpop ngày 16-10 thông tin tiểu ban này gồm 9 thành viên của Quốc hội Hàn Quốc và một số người khác. Họ là đại diện Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Hiệp hội Bóng đá người nổi tiếng, Liên đoàn lao động giải trí quốc gia, Hiệp hội Nhân viên chính phủ Hàn Quốc... và những người nổi tiếng từng chịu đựng bình luận ác ý, ẩn danh.
Tất cả sẽ cùng thảo luận, đối thoại để đưa ra các điều khoản trong dự thảo luật có tên "Luật Sulli". Tiểu ban dự kiến sẽ làm việc đầu tháng 12-2019, trùng với 49 ngày mất của Sulli và tổ chức tại Trung tâm Quốc hội Hàn Quốc.
"Luật Sulli" sẽ chống lại các bình luận độc hại, ác ý nhằm bôi nhọ người khác trên mạng
Tiểu ban thảo luận đề ra các điều khoản trong dự luật sẽ bắt đầu làm việc từ đầu tháng 12
"Luật Sulli" nhằm thực thi các quy tắc nghiêm ngặt chống lại các bình luận độc hại, ác ý do cư dân mạng ẩn danh thực hiện, bôi nhọ và mạt sát người khác.
Nữ ca sĩ - diễn viên Sulli qua đời ngày 14-10 ở tuổi 25 và cảnh sát nghi cô tự tử. Cái chết đột ngột của cô gây sốc nặng cho làng giải trí Hàn Quốc. Sulli từng chịu nhiều chỉ trích khi công khai tình cảm với người lớn hơn 14 tuổi. Sau đó, Sulli vướng những bê bối khác dẫn đến không ít người ghét bỏ, thường bôi nhọ, dè bỉu cô. Họ gọi cô bằng biệt danh "gái hư xứ Hàn", "con ghẻ quốc dân"... Tất cả khiến cho Sulli bị khủng hoảng tâm lý.
Sulli ra đi ở tuổi 25
Sau khi Sulli qua đời, công chúng Hàn Quốc gửi đơn kiến nghị lên trang web chính phủ nước này yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc những kẻ bình luận ác ý. Bản kiến nghị có tiêu đề: "Chúng tôi đề nghị hình phạt nghiêm khắc với những kẻ đã mạt sát dẫn đến cái chết của Sulli".
Một bản kiến nghị khác đề nghị đổi luật để buộc người dùng mạng xã hội đều phải để tên thật. Theo kiến nghị này, đây là giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn những kẻ lợi dụng mạng xã hội để làm "anh hùng bàn phím", vô tư bôi nhọ, mạt sát người khác.
Bình luận (0)