Quỹ từ thiện có tên "Fashion for relief" do Naomi Campbell thành lập, từng tổ chức gây quỹ hoành tráng vào tháng 5-2018 để quyên tiền cho "Time’s Up" - một tổ chức được thành lập sau phong trào "MeToo" nhằm hỗ trợ phụ nữ.
Các khách mời nổi tiếng bao gồm: Paris Hilton, Carla Bruni, Erin O’Connor, Natalia Vodianova…
Theo thống kê trên các báo giải trí phương Tây, quỹ này đã báo cáo cho Ủy ban từ thiện mốc thời gian từ tháng 4-2018 đến tháng 7-2019 rằng chi phí tổ chức gây quỹ đạt gần 1,5 triệu bảng Anh với 43.000 bảng Anh chi tiêu cho nhóm thời trang, 57.500 bảng Anh cho quan hệ công chúng…
"Fashion for relief" do Naomi Campbell thành lập
Trong suốt 15 tháng theo mốc thời gian trên, quỹ này trao 5.515 bảng Anh cho lý do chính đáng. "Time’s Up" không nhận được tiền trực tiếp từ tổ chức từ thiện của Naomi Campbell kể từ sự kiện ở Cannes.
"Fashion for relief" phản hồi rằng không nên xem xét các hoạt động thu chi của họ một cách riêng lẻ và những hồ sơ tiếp theo sẽ cung cấp bức tranh toàn diện hơn về hoạt động quỹ. Quỹ này đang hoạt động như bên thứ ba, làm cầu nối hiệu quả cho mạnh thường quân và những mục đích tốt đẹp quỹ hướng đến.
Tuy nhiên, "Fashion for relief" thừa nhận không có quy trình chính thức để giám sát số lượng và giá trị của các khoản đóng góp từ kết quả của các sự kiện gây quỹ mà họ tổ chức.
"Chúng tôi là nền tảng gây quỹ, không phải tổ chức từ thiện và không hoạt động giống như hầu hết các tổ chức từ thiện khác. Chúng tôi kết nối các mạnh thường quân với các tổ chức từ thiện" - Bianka Hellmich, một trong những quản lý ủy thác tiền từ thiện trên, cho biết.
Trước đó, trang web của quỹ này thông tin quyên được hơn 15 triệu USD (khoảng 10,5 triệu bảng Anh) kể từ khi được Naomi Campbell thành lập năm 2015.
Quỹ tổ chức nhiều sự kiện thời trang, tiệc tùng để gây quỹ từ các mạnh thường quân
Tuy nhiên, chi phí cho sự kiện gây quỹ đang ở mức cao hơn so với hoạt động từ thiện của quỹ
Ủy ban từ thiện - cơ quan quản lý lĩnh vực, nêu rõ trong các quy tắc của mình rằng những người quản lý ủy thác từ thiện nên định kỳ đánh giá những gì tổ chức từ thiện đang đạt được và mức độ hiệu quả của các hoạt động từ thiện. Như thế, quỹ mới tránh được những dấu chấm hỏi nghi ngờ.
The Mail on Sunday đã đề nghị Tiến sĩ Gareth Morgan - giáo sư danh dự về nghiên cứu từ thiện tại Đại học Sheffield Hallam - xem xét các tài liệu mới nhất do "Fashion for relief" đệ trình. Sau khi xem xét, tiến sĩ này khuyến khích Ủy ban từ thiện xem xét tổ chức từ thiện này và có thể sử dụng quyền hạn điều tra của mình để xem xét liệu có bất kỳ thất bại nào trong quản trị hay không. Ngay cả khi đã có báo cáo chi tiêu từ thiện, các hồ sơ không cho họ biết số tiền đã đi đâu.
Kirsty McHugh - Giám đốc điều hành của "Mayor’s fund for London", nơi cung cấp cơ hội cho những thanh thiếu niên hoàn cảnh khó khăn - cho biết năm ngoái, họ đã nhận được 100.000 bảng Anh sau đợt gây quỹ của "Fashion for relief" tại Bảo tàng Anh vào năm 2019. "Save the children" cho biết họ đã nhận được 100.000 bảng Anh từ một sự kiện năm 2018.
Người phát ngôn của Ủy ban từ thiện khẳng định sẽ đánh giá những lo ngại này theo khuôn khổ quy định và không thể bình luận thêm vào lúc này.
Bình luận (0)