xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quả cầu vàng 75: Sắc đen nỗi đau và sức mạnh nữ quyền

Thụy Vũ

Sắc đen nhuộm không khí lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 75, mang thông điệp mạnh mẽ đấu tranh bảo vệ phái nữ trước nạn cưỡng hiếp và quấy rối tình dục

Không ngập tràn sắc màu như thường thấy ở các sự kiện lễ hội giải trí nổi tiếng thế giới, lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 75 diễn ra vào tối 7-1 (giờ địa phương) tại The Beverly Hilton, Los Angeles - Mỹ, chỉ một sắc đen tuyền. Những nghệ sĩ nữ đã cam kết với nhau rằng họ sẽ mặc màu đen đến lễ trao giải Quả cầu vàng như gửi thông điệp thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân bị quấy rối tình dục và bạo lực tình dục trên trái đất này.

Thể hiện quyền lực của nghệ thuật

Thành công vang dội của bộ phim "Three billboards outside Ebbing, Missouri" (tựa tạm dịch "Đời đâu chỉ có màu đen") ở thể loại chính kịch, của đạo diễn Martin McDonagh, với 4 giải thưởng quan trọng: Phim truyện xuất sắc, Nữ diễn viên xuất sắc nhất dành cho diễn viên Frances McDormand, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất dành cho diễn viên Sam Rockwell và Kịch bản xuất sắc nhất là "quả bom" thổi bùng không khí lễ trao giải trong sự tán dương không dứt của khán giả có mặt tại khán phòng của The Beverly Hilton.

"Three billboards outside Ebbing, Missouri" là câu chuyện của bà mẹ đang trải qua nỗi đau vô tận khi cô con gái chưa đến tuổi thành niên bị cưỡng hiếp và sát hại dã man. Quá chán nản trước sự yếu kém và tắc trách của cảnh sát, bà bèn thuê 3 tấm biển quảng cáo cỡ lớn, đăng tải những dòng chữ chỉ trích họ. Sự kiện gây chấn động Ebbing, khiến hàng loạt mặt trái của vùng quê yên bình bị phơi bày.

Quả cầu vàng 75: Sắc đen nỗi đau và sức mạnh nữ quyền - Ảnh 1.

Đoàn phim "Three billboards outside Ebbing, Missouri" nhận giải trên sân khấu Quả cầu vàng lần thứ 75 Ảnh: Reuters

Bộ phim gây ấn tượng ngay từ tựa đề. "Đời đâu chỉ có màu đen" mang đến những hy vọng về cuộc đời, về lòng người dù sâu thẳm trong trái tim đã vỡ vụn kia đang dần chết mòn vì đau đớn, thất vọng.

2017 là năm đen tối của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ với hàng loạt vụ tố cáo bê bối về tình dục. Những cái tên bị tố giác đều là những tay "sừng sỏ" trong ngành công nghiệp giải trí. Trong đó, bê bối lớn nhất liên quan đến ông trùm Hollywood Harvey Weinstein. Hàng chục phụ nữ đã tố cáo bị Harvey quấy rối, trong số này có nhiều gương mặt nổi tiếng từng là nạn nhân của ông ta: Gwyneth Paltrow, Angelina Jolie, Rachel McAdams, Rose McGowan… Một làn sóng kêu gọi chống lại nạn xâm hại tình dục ở nền công nghiệp giải trí Hollywood nói riêng, thế giới nói chung đang trỗi dậy mạnh mẽ, truyền cảm hứng, tạo động lực để những nạn nhân tương tự đủ can đảm lên tiếng.

Trong lễ trao giải Quả cầu vàng lần này, rất nhiều bài diễn văn chiến thắng giống như lời tôn vinh và kêu gọi công bằng dành cho phái đẹp. Nổi bật trong số đó là những lời nói truyền cảm hứng đến từ Oprah Winfrey khi bà lên sân khấu nhận giải Thành tựu trọn đời từ Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA). Khán phòng vỗ tay nồng nhiệt khi Oprah Winfrey phát biểu xúc động về nạn xâm hại tình dục ở Hollywood: "Tôi biết chắc chắn rằng việc nói ra sự thật là công cụ mạnh mẽ nhất chúng ta có. Tôi muốn đêm nay dành tặng những phụ nữ phải chịu đựng nạn quấy rối và xâm hại hàng năm qua. Một ngày mới đã ở đường chân trời và khi ngày đó tới, nó sẽ vì những phụ nữ phi thường này".

Một liên minh với 300 sao nữ Hollywood khởi xướng chiến dịch chống nạn xâm hại tình dục ở Hollywood và các môi trường làm việc khác trên thế giới với tên gọi "Time’s Up" (Đã đến lúc). Ngoài thông điệp lan tỏa rộng rãi, "Time’s Up" cũng quyên góp 13 triệu USD để giúp đỡ những phụ nữ trong các ngành nghề ít tiếng nói hơn trước nạn lạm dụng tình dục. Số tiền sẽ được dành để hỗ trợ cho những người dám lên tiếng tố cáo và đang gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống. "Nếu nhóm phụ nữ ở Hollywood mà còn không đấu tranh cho những phụ nữ khác ít quyền lực và ưu thế hơn thì ai sẽ làm?" - Time’s Up tuyên bố.

Dù Quả cầu vàng luôn ẩn chứa những điều bất ngờ khó đoán nhưng chiến thắng của "Three billboards outside Ebbing, Missouri" gần như là hiển nhiên với hiệu ứng nổi bật của chiến dịch Time’s Up. Tất nhiên, chiến thắng của "Three billboards outside Ebbing, Missouri" là hoàn toàn xứng đáng. Có chăng, "Three billboards outside Ebbing, Missouri" may mắn hơn những ứng viên khác khi ra mắt đúng thời điểm. Nhưng chẳng phải phim cũng chính là đời sao? Đạo diễn Martin McDonagh đã nắm bắt thời cơ một cách xuất sắc. Với tài năng của mình, ông đã dựng nên cuộc đời hư cấu trên phim nhưng thật như đời.

Gọi tên tài năng

22 tuổi nhận giải Quả cầu vàng hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại Phim điện ảnh hài, đó là niềm vinh dự lớn lao của nữ diễn viên Saoirse Ronan với vai diễn trong phim "Lady Bird" (Điểu cô nương). Sau thành công vang dội với vai diễn Eilis Lacey trong "Brooklyn" (2015), nữ diễn viên trẻ Saoirse Ronan người Ireland này tiếp tục nằm trong tốp các ngôi sao triển vọng của điện ảnh thế giới. Song, cô lại dành cả năm 2016 để tham gia sân khấu kịch, chỉ trở lại màn ảnh rộng trong năm 2017 bằng một phim duy nhất là "Lady Bird".

Nhưng vai diễn đó cũng đủ để cô chứng minh với khán giả rằng vô số đề cử và giải thưởng mà cô nhận được trước đó không hề "ăn may".

Lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 75 cũng ngập tràn nước mắt hạnh phúc của người chiến thắng, trong đó có nữ đạo diễn trẻ (34 tuổi) Greta Gerwig với chiến thắng Phim truyện xuất sắc nhất hạng mục hài hước, ca vũ nhạc dành cho "Lady Bird". Bộ phim là câu chuyện về tuổi trưởng thành của thanh niên, là một trong 2 phim đạt điểm gần như tuyệt đối 99% trên Rotten Tomatoes năm qua. "Là tác phẩm thuộc dòng độc lập với kinh phí sản xuất chỉ vào khoảng 10 triệu USD, "Lady Bird" là một phim "nhỏ" với bối cảnh đơn giản, đời thường, vắng bóng những đại cảnh hay kỹ xảo phức tạp nhưng xứng đáng được coi là tác phẩm lớn của điện ảnh thế giới trong năm 2017" - báo chí phương Tây đánh giá bộ phim.

Đây là lần đầu tiên Greta Gerwig đảm nhận vai trò đạo diễn nhưng cô từng là gương mặt quen thuộc trong dòng phim độc lập của điện ảnh Mỹ suốt gần thập kỷ qua. Những tác phẩm điện ảnh: "Greenberg" (2010), "Frances Ha" (2012) hay "Mistress America" (2015) đã hình thành nên cặp đôi diễn viên Greta Gerwig - đạo diễn Noah Baumbach cực kỳ nổi tiếng ở thị trường điện ảnh Mỹ. Nhưng phải đến khi nhận giải thưởng Quả cầu vàng này ở vai trò đạo diễn, Greta Gerwig mới thực sự có thành tựu quan trọng trong sự nghiệp điện ảnh của mình.

James Franco đã thành công vang dội, không phải với chiến thắng tại Quả cầu vàng lần thứ 75 mà vì sự hóa thân tuyệt vời của anh trong bộ phim "The Disaster Artist" (Nghệ sĩ thảm họa). Phim kể lại quá trình thai nghén nên tác phẩm thuộc hàng "thảm họa" của Hollywood là "The Room" (2003) do nghệ sĩ Tommy Wiseau thực hiện. Trực tiếp sắm vai Wiseau trong "The Disaster Artist", James Franco nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc thể loại hài hoặc ca vũ nhạc. Anh được đánh giá là có vai diễn thành công khi lột tả chính xác ngoại hình, điệu bộ và phong cách của người nghệ sĩ lập dị. 

Các giải quan trọng khác

- Phim hoạt hình xuất sắc: "Coco".

- Đạo diễn xuất sắc: Guillermo del Toro với phim "The Shape of water".

- Nhạc nền trong phim xuất sắc: "The Shape of water".

- Ca khúc chủ đề trong phim xuất sắc: "This is me" trong phim "The greatest showman".

- Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc: "In the fade" (Đức).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo