Ngày 26-9, dự án này sẽ ra mắt phần 1 trên kênh YouTube, đúng vào dịp cả nước chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam.
Dự án minh họa giải Thanh Tâm
Trần Công Quỳnh đã từng có một triển lãm cá nhân mang tên "Poster đâu Quỳnh" tổ chức tại Hội Sân khấu TP HCM (5B Võ Văn Tần, Q.3, TP HCM) năm ngoái. Anh là một nhà thiết kế trẻ đã thực hiện gần 1.000 chiếc poster phim ảnh và nhiều vở kịch nổi tiếng tại TP HCM.
Trần Công Quỳnh với dự án minh họa giải thưởng Thanh Tâm
Gắn bó với nghề thiết kế Poster, góp phần tạo dấu ấn cho các bộ phim, vở kịch, Trần Công Quỳnh đã dành suốt 8 năm chỉ để sáng tác các poster đẹp mắt, mang ý tưởng độc đáo.
Sinh ra tại quê hương Quảng Nam, dù chưa từng học qua bất kỳ một lớp thiết kế nào nhưng vì say mê mà Trần Công Quỳnh đã tìm tòi, nghiên cứu công việc thiết kế. Điều bất ngờ hơn là Trần Công Quỳnh yêu sân khấu cải lương, mong muốn của anh được lan tỏa những điều tốt đẹp về văn hóa Việt Nam cho người Việt Nam.
Nghệ sĩ Đạt Phi đọc thuyết minh cho dự án minh họa giải thưởng Thanh Tâm
Kể về quá trình thực hiện dự án minh họa "Giải thưởng Thanh Tâm" nằm trong chuỗi dự án "Cải lương hoàng kim", Trần Công Quỳnh cho biết nhóm của anh gồm có nhiều nhóm riêng theo từng khâu như: Nhóm thực hiện 3D (Hồng Sơn, Tiến Đạt, Thiện Trần, Bill Nguyễn, Hoàng Phan); Nhóm thực hiện vẽ minh họa - dựng hình và tô màu (Quang Vinh, Yên Thảo, Ngọc Hào, Yến Linh, Phương Thành); Nhóm hậu kỳ (Minh Quý, Song Ân, Đình Trọng, Ý Nhi). Ngoài ra còn có các bạn cộng tác viên: Phúc Vương, Dason Lê, Tuấn Anh, Khang Nguyễn.
NSƯT Bảo Quốc qua cách vẽ minh họa của dự án giải thưởng Thanh Tâm
"Chúng tôi sẽ thực hiện khai thác những điều hay đẹp, vốn quý của bộ môn nghệ thuật độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Làm trong sân khấu đã được 10 năm, tôi thấy yêu và say mê bộ môn cải lương. Trong những ngày đi làm nghề, tôi thường hay ngồi nghe những cô chú lớn tuổi kể những câu chuyện về thế hệ đi trước - những "cây đa cây đề" trong nghề hát.
Có lần được nghe "vị này, vị kia" từng đoạt giải Thanh Tâm. Nghe riết thành quen. Tôi thắc mắc không biết giải này là ra sao mà ai cũng nhắc nhiều tới vậy. Và rồi tìm hiểu, tôi bị cuốn vào "dòng thời gian" đó lúc nào không hay, tôi thầm nghĩ những điều hay ho, thú vị như vầy cần phải được làm gì đó để nó dễ tiếp cận hơn với lớp trẻ, thế hệ sẽ nhận trọng trách bảo tồn văn hóa sau này khi các nghệ sĩ tiếng tăm ngày cao tuổi" - Trần Công Quỳnh nói.
NSND Ngọc Giàu qua cách vẽ của của dự án minh họa giải thưởng Thanh Tâm
Và anh đã đi tìm những người cùng chung chí hướng với mình, những người sẵn sàng cùng anh thực hiện những dự án phi lợi nhuận về văn hóa. Bước đầu anh gặp nhiều khó khăn, những lời dèm pha, những "định kiến" về việc làm văn hóa phải có tiền.
Ạnh thầm nghĩ, thời đại bây giờ việc tiếp nhận những di sản văn hóa, những nền tảng xưa kia để lại, những chiếc áo dài, hoa văn trống đồng... đâu ai thu tiền mình. Mà mình đi làm văn hóa để lại cho thế hệ tiếp theo mình vì sao phải đòi hỏi có tiền.
"Rồi rung rủi, tôi gặp được những người sẵn sàng "tiếp ứng", bắt tay đi tiếp để giờ đây sắp có "dự án minh họa cộng đồng về giải thưởng Thanh Tâm" sẽ ra mắt vào 26 - 9. Tôi thật sự hạnh phúc về điều này" - Trần Công Quỳnh chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc tham gia cố vấn cho dự án giải thưởng Thanh Tâm
Nói về dự án này, anh cho biết đây là dự án nghe - nhìn, kết hợp kỹ thuật dựng hình - tái hiện hình bằng 3D và kỹ xảo. Cùng với việc vẽ minh họa và giọng đọc thuyết minh. Sẽ đem "giải Thanh Tâm" và chút "hơi thở" của Sài Gòn - TP HCM ở thế kỷ trước về với thế hệ trẻ ngày nay. Ở đó còn có những hoài niệm cho những ai đã được mục sở thị, đã được sống trong thời kỳ đó - thời đại hoàng kim của sân khấu cải lương hiểu hơn giá trị của một giải thưởng uy tín, là sự tiếp nối của giải Trần Hữu Trang hiện nay.
Thạc sĩ sân khấu Bích Phượng - tham gia cố vấn dự án minh họa giải Thanh Tâm
Qua dự án này, khán giả sẽ được thấy rạp Nguyễn Văn Hảo ở năm 1970 (rạp xi-nê), hay rạp Nguyễn Văn Hảo 1960 (đoàn ca kịch Thanh Minh Thanh Nga)…
NSND Diệp Lang qua cách vẽ của dự án minh họa giải thưởng Thanh Tâm
Những hình ảnh vẽ về 24 nghệ sĩ từng vinh dự ghi danh vào "hành trình 10 năm" Thanh Tâm và bằng lăng kính sáng tạo của ê kíp - những người trẻ nhưng đã có sự tôn trọng giá trị nghệ thuật của sân khấu cải lương xưa, chắc chắn sẽ tìm được sự đồng cảm với khán giả hôm nay.
Trần Công Quỳnh tin rằng, trong tương lai nhóm sẽ được kết nối nhiều hơn cùng các cô chú văn nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn, các nhà nghiên cứu…và nhất là số đông khán giả những người ủng hộ để anh và các bạn có thêm nhiều động lực thực hiện thêm nhiều dự án về cải lương nói riêng và về văn hóa Việt Nam nói chung, trước thời đại thông tin số đang có ít nhiều những thông tin sai lệch.
Là một trong những thành viên tham gia ban cố vấn dự án này, Thạc sĩ - nNhà giáo Bích Phượng nhận xét: "Dự án này xuất phát từ một người trẻ yêu sân khấu cải lương, tôi nghĩ nếu em và ê kíp làm tốt, sẽ góp phần thiết thực phổ biến những thông tin thật để các bạn trẻ hiểu hơn về sân khấu truyền thống dân tộc.
Tôi nhận lời tham gia cố vấn cho dự án chính từ tấm lòng của một người trẻ trân quý giá trị của thế hệ nghệ sĩ đi trước, trong đó các nghệ sĩ đoạt HCV giải Thanh Tâm cho đến ngày hôm nay vẫn được đánh giá là thế hệ vàng của sân khấu cải lương".
Có 24 nghệ sĩ được trao giải HCV triển vọng Thanh Tâm: Thanh Nga (1958), Lan Chi, Hùng Minh (1959), Bích Sơn, Ngọc Giàu (1960), Thanh Thanh Hoa (1961), Ngọc Hương, Ánh Hồng (1962), Tấn Tài, Bạch Tuyết, Diệp Lang, Thanh Tú, Trương Ánh Loan, Mộng Tuyền (1963), Lệ Thủy, Thanh Sang (1964), Thanh Nguyệt, Bo Bo Hoàng (1965), Phượng Liên, Phương Quang (1966), Mỹ Châu, Ngọc Bích, Bảo Quốc, Phương Bình (1967). Ngoài ra còn có các nghệ sĩ đoạt HCV xuất sắc: Hữu Phước, Thành Được, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Hải.
Bình luận (0)