Theo các nhà chuyên môn, đây là yêu cầu bức thiết nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, thưởng thức của công chúng hiện đại, nhất là khi toàn cầu đối mặt với đại dịch Covid-19. Từ năm 2020, thông qua "Tuần phim Việt trên VTVGo", việc số hóa điện ảnh đang là cuộc cách mạng để bảo tồn giá trị nghệ thuật thứ bảy trước những thách thức trong đại dịch Covid-19 tác động đến Việt Nam.
Nhiều nghệ sĩ điện ảnh tâm huyết đã tỏ ra phấn khởi khi các tác phẩm: "Vợ chồng A Phủ", "Mẹ vắng nhà", "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Bến không chồng", "Thời xa vắng", "Chuyện của Pao", "Đừng đốt", "Cánh đồng bất tận"... được số hóa và phát trên nền tảng công nghệ, nhận được những phản hồi tích cực từ người xem.
Cảnh trong phim “Thời xa vắng”. (Ảnh tư liệu)
Theo thống kê, lượt tải app VTVGo đã trên 20 triệu, lượt xem hằng tháng thường xuyên trên 3 triệu. Những con số này cho thấy sự tích cực về lượng khán giả sẽ được tiếp cận với những tác phẩm điện ảnh giá trị.
Rõ ràng, việc số hóa điện ảnh không chỉ là phương thức bảo quản, lưu trữ phim hiệu quả mà còn giúp các bộ phim giá trị và ý nghĩa lịch sử có cơ hội đến được với công chúng. Từ đó, những di sản điện ảnh sẽ có một sức sống mới, một đời sống mới, bền vững hơn trong lòng công chúng.
Cần thẳng thắn nhìn nhận, dù đặt ra mục tiêu phải số hóa nhanh chóng nhưng thực tế, số lượng phim đã được số hóa không nhiều. Tiếc là chưa có một chiến lược để quá trình số hóa, phục chế tư liệu được triển khai trong năm 2021. Nếu không nhanh chóng số hóa, sẽ khó bảo quản phim được nguyên vẹn. Chưa kể đến các vấn đề về đầu tư, cập nhật công nghệ mới, đào tạo nhân lực... để số hóa điện ảnh không bị chệch hướng. Không làm ngay thì đợi đến khi nào?
Bình luận (0)