Nếu phía Nam có Huỳnh Anh Tuấn, Thành Hội - Ái Như, Hồng Vân, Trần Đại, Mỹ Uyên… là những nhà sản xuất kịch xã hội hóa có nhiều kinh nghiệm "chinh chiến" trong việc điều hành, giữ cho sàn diễn sáng đèn thì Hà Nội đã có Lệ Ngọc, Trần Lực đang "chiến đấu" để giữ cho mô hình kịch xã hội hóa tồn tại.
Tiền thôi chưa đủ
Với Sân khấu Lê Ngọc, sau đợt lưu diễn vào Nam năm 2020, NSND Lệ Ngọc đã nắm bắt được nhu cầu cần và đủ của khán giả hai miền, để dung hòa và tìm đến người xem với những tác phẩm tạo được sức hấp dẫn cho cả khán giả Hà Nội và TP HCM.
Mới đây, Sân khấu Lệ Ngọc đã khởi công các vở diễn mới "Vụ án người đốt đền" (nhà soạn kịch người Nga Grigori Gorin) và "Vang bóng một thời" (nhà văn Nguyễn Tuân). Đây là 2 trong số 5 vở diễn được Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng trong năm 2022, tiếp nối các vở "Dế Mèn", "Làm vua" và "Nước mắt của mẹ". Cả 2 vở diễn dự kiến ra mắt khán giả Hà Nội trước dịp Tết Nguyên đán và tổ chức lưu diễn TP HCM khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.
NSND Lệ Ngọc thổ lộ bà lao vào cái khó trong việc điều hành một sân khấu theo mô hình xã hội hóa bởi vì càng khó khăn bao nhiêu thì những người vực dậy được sân khấu càng khẳng định tình yêu và niềm đam mê cháy bỏng của mình. Điều đó đã thôi thúc bà góp sức làm cho sân khấu sáng dần lên và đưa khán giả về với nghệ thuật kịch.
NSƯT Trần Lực với sân khấu LucTeam cũng thế, khoác lên mình chiếc áo xã hội hóa, tự bỏ tiền túi để làm kịch, xoay xở đủ chiều tìm một lối đi mới. Ông từng tâm sự: "Tiền thôi vẫn chưa đủ, cái cần chính là một phong cách tiếp cận với khán giả hôm nay". Sân khấu Lệ Ngọc và LucTeam đã khẳng định được hướng đi cho năm 2022, đó là hướng đến những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật và có sự tương tác với khán giả, đối thoại với người trẻ.
Theo kế hoạch, từ cuối năm 2021 đến tháng 3-2022, Nhà hát Tuổi Trẻ và Viện Goethe sẽ lần lượt giới thiệu 6 tác phẩm sân khấu mới, mỗi tác phẩm sẽ là một cách diễn giải đặc biệt về "Antigone" - vở kịch được nhà viết kịch thời Hy Lạp cổ đại Sophocles viết cách đây khoảng 2.462 năm.
Giống như vở "Kiều", "Antigone" kể về một phụ nữ xuất thân từ một gia đình gia giáo nhưng phải đưa ra các quyết định mang tính luân lý và phải gánh chịu hậu quả của hệ thống quyền lực trong xã hội thời ấy. Và Trần Lực đã tạo cho câu chuyện "Antigone" một khắc họa mới, mà theo các nhà chuyên môn, nó vừa là tấm gương vừa là sự khơi gợi những suy ngẫm cho con người hôm nay.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đúc kết: "Với Trần Lực, tìm chìa khóa mở cánh cửa sáng tạo chưa bao giờ là khó. Cái khó nhất vẫn là tiền đầu tư nhưng anh chưa bao giờ nản lòng. Kịch xã hội hóa miền Bắc nhờ vào sức chịu đựng và khát vọng mà đi tới".
Một cảnh trong vở “Quẫn” của sân khấu NSƯT Trần Lực. Ảnh: LUCTEAM
Đừng đổ lỗi cho khán giả nữa!
Trước khi lao vào những sáng tạo mới trong hình thức dàn dựng có khả năng làm vơi đi số tiền dành dụm của tuổi già, NSƯT Trần Lực đã xác nhận hãy làm và đừng đổ lỗi cho khán giả. Nơi nào bán được vé thì cũng phải "đo" xem vì sao khán giả thích. Nơi nào không bán được vé cũng phải tự nhìn lại mình.
Với Sân khấu Lệ Ngọc, qua rồi giai đoạn 2/3 rạp là thiệp mời, lực lượng bán vé hiện nay đã được trang bị nhiều phương tiện để tiếp cận đến tận chiếc điện thoại của người mê kịch. Họ không đổ thừa do trình độ khán giả thấp, do những rào cản từ nhiều kênh giải trí trên các nền tảng số mà sàn diễn hiu quạnh. Họ lao tới với phương châm tìm cho ra hình thức dàn dựng để đổi mới sau đại dịch.
Từ sau chuỗi 3 vở kịch định hình phong cách kịch ước lệ, NSƯT Trần Lực tự nhận 3 vở diễn "Cơn ghen của Lọ Lem", "Quẫn" và "Nữ ca sĩ hói đầu" đã bước đầu khẳng định phong cách riêng của LucTeam, đó là định hình một phong cách ước lệ - biểu hiện rất riêng của anh. NSND Lê Khanh đánh giá cao việc LucTeam thường dành thời gian giao lưu với khán giả sau mỗi suất diễn, qua đó đã vỡ ra nhiều điều, trong đó có nhu cầu cần thiết của khán giả trẻ hôm nay đối với kịch.
NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Trong giai đoạn sàn diễn có phần nào yên ắng, sân khấu công lập gặp nhiều thách thức bởi ảnh hưởng dịch Covid-19, một số sân khấu xã hội hóa vẫn cố vượt qua và tìm hướng mới trong khai thác tác phẩm văn học kinh điển, đồng thời chọn kịch bản có phần phản biện từ cuộc sống. Điều lạ là bất kể suất diễn nào trong tuần, Sân khấu Lệ Ngọc cũng có đông người xem. Kịch LucTeam của Trần Lực vẫn thế, tạo một quỹ đạo mới kết nối với công chúng trẻ qua những thể nghiệm táo bạo".
Tín hiệu tích cực cho năm mới
NSND Trần Minh Ngọc nói: "Sau những nỗ lực, kịch xã hội hóa miền Bắc đã làm được những điều như kịch miền Nam là tập thói quen để khán giả mua vé xem kịch. Tín hiệu này tạo thêm sự khởi sắc cho năm 2022".
Bình luận (0)