Đã bao giờ bạn tự hỏi các ứng dụng máy tính hay mạng xã hội kiếm tiền bằng cách nào chưa? Đã bao giờ bạn tự hỏi ai là người đang quan sát bạn bên kia màn hình, mỗi lần bạn truy cập một trang web? Muôn vàn câu hỏi tại sao sẽ được giải đáp trong bộ phim "Song đề xã hội" (tựa gốc: "The Social Dilemma") hiện đang thịnh hành trên kênh phim trực tuyến Netflix.
Bộ phim được hình thành dựa trên các cuộc phỏng vấn những chuyên gia công nghệ thông tin từng làm việc cho các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Twitter... Đó là Tristan Harris, Renee DiResta, Tim Kendall, Jeff Seibert và Justin Rosenstein - những người thấu hiểu vai trò và tác động của mạng xã hội với đời sống con người, cách mà các trang này kiếm tiền và xây dựng các đế chế công nghệ của mình.
Cảnh trong phim “The Social Dilemma” .Ảnh: Netflix
Đối với nhiều khán giả khi xem "Song đề xã hội" có lẽ đây là lần đầu họ nghe nhắc đến khái niệm "chủ nghĩa tư bản giám sát" (surveillance capitalism). Trong phim, chuyên gia tâm lý xã hội học Shoshana Zuboff, hiện là giáo sư ở Đại học Harvard, đã giải thích khá dễ hiểu khái niệm này. Bà cho rằng trong cơn bùng nổ của internet, dữ liệu cá nhân trở thành hàng hóa và vì thế nó cũng được xem như một loại tài nguyên, các hệ thống tập trung biến dữ liệu cá nhân trở thành hàng hóa để thu lợi nhuận là biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản giám sát".
Các trang mạng xã hội lại ăn nên làm ra dù cho phép người dùng miễn phí. Bởi vì khi tham gia mạng xã hội, chính bạn trở thành sản phẩm được bán cho các công ty quảng cáo. Nhưng không chỉ là dữ liệu của bạn bị bán, "Song đề xã hội" còn chỉ ra cách thức mà mạng xã hội thao túng bạn, tạo cho bạn những ảo tưởng, phân lập những nhóm người, khiến ta mất nhận thức về thực tại. Khi bạn tương tác quá lâu trên mạng xã hội, bạn sẽ có một hình dung thế giới theo cái cách mà các mạng xã hội cho bạn thấy.
Tuy nhiên, bộ phim không chỉ trình bày những định nghĩa thô ráp dựa trên các cuộc phỏng vấn. Song song đó còn là một phim minh họa xen giữa các cuộc phỏng vấn như một ví dụ trực quan cho phép người xem có cái nhìn dễ hiểu hơn. Trong ví dụ đó, nhân vật chính của chúng ta là một thiếu niên hiện đại nghiện công nghệ. Bằng cách hình tượng hóa các hoạt động của các máy chủ, "Song đề xã hội" chỉ ra thứ tồn tại phía bên kia màn hình máy tính, rằng đối diện chúng ta là trí tuệ nhân tạo giám sát mọi hoạt động, điều khiển chúng ta, thao túng tâm lý.
Chính vì những nội dung đó mà "Song đề xã hội" nằm trong tốp thịnh hành của Netflix cho đến thời điểm hiện tại dù những gì nó nói không thật sự mới mẻ. Nhưng cái cách mà đạo diễn Jeff Orlowski trình bày vấn đề đã cho phép khán giả có một hình dung rõ ràng hơn về mối ẩn họa đang tồn tại trong thời đại chúng ta. Thậm chí nhiều chuyên gia còn nhận định chúng có thể dẫn đến khủng hoảng xã hội.
Bình luận (0)