Năm 2003, Viện Phim Mỹ công bố danh sách "100 anh hùng và kẻ phản diện" (tên gốc: "AFI’s 100 Years... 100 Heroes and Villains"), khi đó nhân vật Joker do Jack Nicholson thủ vai trong phim "Batman" (1989) chỉ xếp thứ 45 trong số 50 kẻ phản diện. Kể từ đó, thế giới đã có dịp thấy thêm một nhân vật Joker điên khùng và phi nhân dưới diễn xuất xuất thần của Heath Ledger trong "The Dark Knight" (2008). Bộ phim đã mang lại cho anh một tượng vàng Oscar dù lúc đó anh không còn trên thế giới này nữa. Và giờ đến lượt Joker do Joaquin Phoenix thủ vai trong bộ phim cùng tên (đang chiếu tại Việt Nam).
Joker do Joaquin Phoenix thủ vai trong phim “Joker”. (Ảnh do nhà phát hành phim cung cấp)
Hiếm có một nhân vật phản diện nào đủ sức ảnh hưởng ngang với anh hùng như Joker. Y là kẻ thù truyền kiếp với Người Dơi, kẻ thách thức những giới hạn của anh hùng và góp phần định hình nên Người Dơi mà chúng ta biết. Nếu không có những tên tội phạm tâm thần như Joker, Người Dơi chỉ là tỉ phú Bruce Wayne ủ rũ, cô độc trong mớ gia sản khổng lồ. Chính khi cái ác trỗi dậy và không một ai có đủ khả năng đứng lên để chống lại chúng thì Bruce Wayne mới hóa thành Người Dơi, gia nhập vào hàng ngũ siêu anh hùng trừ gian diệt bạo. Joker từ nhân vật được tạo ra để trở thành một chương trong những cuộc phiêu lưu của Người Dơi, trở thành một biểu tượng của tội phạm.
Diễn xuất nhập tâm của Joaquin Phoenix trong "Joker" đã khắc họa thành công một nhân vật bên lề xã hội, sống dưới đáy cuộc đời, không có mối quan hệ họ hàng, không bạn bè, không tình yêu. Joker là kẻ rỗng tuếch để tất cả những oán giận của xã hội đi qua mình và giữ rịt lại đấy. Một kẻ tâm thần không được điều trị, kêu rên về nỗi bất hạnh của mình và cuối cùng là chống lại con người bằng bạo lực tiếp nối bạo lực.
Vì sao "Joker" đoạt giải Sư Tử Vàng của Liên hoan Phim Venice? Ta hãy thử trở lại với một liên hoan phim cũng trong năm nay, Liên hoan Phim Cannes, nơi "Ký sinh trùng" của điện ảnh Hàn Quốc đoạt giải cao nhất. Cả hai bộ phim điều có điểm chung, đó là khắc họa những thân phận thấp bé, nghèo khổ trong một xã hội hiện đại, giàu có, nơi mà sự chênh lệch quá lớn giữa một thiểu số có tất cả và một đa số không có gì. Chính vì cái "không có gì" ấy mà khiến họ trở thành những con người tìm mọi cách để sống sót. Đó chính là thế giới ngày hôm nay, nơi chúng ta đang sống. So với những bộ phim hay hơn nhưng xa lạ, ban giám khảo đã chọn một phim cho thấy được sự trần trụi của cuộc đời: khoảng cách giàu nghèo, tình trạng tội phạm, chủ nghĩa khủng bố…
"Joker" gợi nhắc đến hình tượng gã lang thang trong loạt phim câm của danh hài Charlie Chaplin. Trong phim, cũng có đoạn nhân vật Arthur xem phim của Chaplin trên màn ảnh rộng. Đây là khoảnh khắc hai kẻ bên lề xã hội thuộc hai thời đại gặp nhau, để rồi rẽ theo hai hướng khác nhau. Nếu nhân vật của Chaplin dùng tiếng cười trào lộng để khỏa lấp đau thương của cuộc đời thì nhân vật của Phoenix lấy sự điên loạn để trả thù.
Trong một xã hội hiện đại chia rẽ với một bên cố gắng duy trì ổn định còn một bên đã bắt đầu kêu gọi sự phản kháng theo hướng tồi tệ, chúng ta thấy sự ra đời của Joker nhưng cũng sẽ thấy sự ra đời của Người Dơi. Đó là sự tất yếu của cuộc sống.
Bình luận (0)