"Những nguyên tắc đạo đức trong giáo dục" (NXB Đà Nẵng, 2018 - Cao Tuấn dịch) là một trong những cuốn sách thể hiện tinh thần cải cách của ông.
Trong cuốn sách này, John Dewey đánh giá các ý tưởng từ kết quả nó mang lại và chủ trương tránh sự giáo điều bất biến. Ông đưa ra cái nhìn rộng, sâu và đầy nghiêm khắc. "Trong chừng mực nhất định, trường học có khả năng làm thay đổi trật tự xã hội". Có thể xem đây như tuyên ngôn giáo dục được triết gia người Mỹ đưa ra. Theo ông, "không thể có hai bộ quy tắc đạo đức, một cho đời sống học đường, một cho đời sống bên ngoài". John Dewey đã dày công chứng minh rằng trách nhiệm đạo đức của trường học không chỉ giới hạn trong việc ghi nhớ đạo đức và hạnh kiểm tốt, mà còn nuôi dưỡng khả năng của đứa trẻ để cuối cùng trở thành một thành viên đắc lực của xã hội. Giáo dục cần cung cấp cho trẻ những kỹ năng để trở nên tiên phong, hợp tác và có ý thức về thành đạt cá nhân.
"Tôi được kể rằng có một trường dạy bơi trong thành phố nọ, nơi lớp trẻ được dạy bơi mà không xuống nước, được tập luyện về những cách vận động để bơi. Khi một trong những nam sinh học bơi theo cách đó được hỏi đã làm gì khi rơi xuống nước, em trả lời ngắn gọn: Chìm". Kể lại câu chuyện này, tác giả cho rằng: "Cách duy nhất để chuẩn bị cho đời sống xã hội là tham gia vào đó. Trong từng chi tiết, nên dạy đứa trẻ bơi bằng cách phân tích kỹ những chuyển động bên ngoài môi trường nước. Điều kiện thiết yếu nhất không được tính đến thì kết quả đạt được chỉ có thể là từng phần tương ứng".
Với John Dewey, khía cạnh tâm lý trong giáo dục đạo đức có vai trò quan trọng. "Tôi có nghe một nhà sư phạm dày dạn kinh nghiệm nói rằng trong đánh giá của bà, khiếm khuyết lớn nhất của việc giảng dạy ngày nay, về mặt trí tuệ, được nhận thấy từ thực tế rằng những đứa trẻ rời trường học mà không có triển vọng tinh thần. Không có điểm chói sáng hoặc không có nền tảng". Theo ông, điều cần thiết trong giáo dục là lòng tin thật sự vào sự tồn tại của các nguyên tắc đạo đức và có thể áp dụng một cách hiệu quả. Người thầy hoạt động trong sự tin cậy này sẽ tìm thấy mọi chủ đề, mọi phương pháp giảng dạy, mọi điều bất ngờ trong đời sống học đường thai nghén tiềm năng đạo đức.
"Những nguyên tắc đạo đức trong giáo dục" được viết vào năm 1909, cách nay tròn 110 năm, nhưng tầm thấu hiểu của tác giả đã vượt thời gian. Những ý tưởng của ông về trường học như "thể chế xã hội và đạo đức" vẫn như một lát cắt mới mẻ và ông kiến giải bằng ngôn ngữ không quá khó đọc. Ông thận trọng mổ xẻ bằng tri thức, trách nhiệm và tình cảm, trong một cuốn sách mỏng nhưng chứa đựng không ít vấn đề gai góc, không chỉ ở giáo dục đương đại ở nước Mỹ. Cuốn sách cũng trở nên hấp dẫn khi được dịch giả Cao Tuấn chuyển ngữ bằng văn phong khúc chiết, nhẹ nhàng.
Bình luận (0)