Trung bình mỗi năm, số lượng diễn viên, đạo diễn trẻ ra trường lên đến vài trăm người và không phải ai cũng có cơ may được làm đúng nghề sân khấu. Không ít nghệ sĩ trẻ phải bươn chải mưu sinh với những công việc không đúng chuyên ngành đã học.
Cơ hội được thực hành
NSND Hồng Vân cho biết với mong muốn chắp cánh đam mê cho các diễn viên trẻ sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo nâng cao, bên cạnh các vở kịch dài sẽ tái ngộ khán giả tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận trong thời gian tới, sân khấu kịch cà phê tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận đã đi vào hoạt động. Với vở "Xóm lầy" vừa ra mắt tạo được tiếng cười dí dỏm, kế đến là vở "Ngày mình bên nhau dây tơ hồng lại rối... tùm lum", đã tạo thêm điểm đến cho khán giả làm quen với dàn diễn viên trẻ.
NSND Việt Anh thì tạo đất dụng võ cho các diễn viên trẻ theo một cách khác, ông lập ra kênh YouTube lấy tên "Chuyện tử tế". Việt Anh tổ chức đào tạo lại cho các diễn viên, đạo diễn trẻ những kiến thức nghề mới như kỹ thuật diễn xuất trước ống kính, quay hình, dàn dựng, viết kịch bản... Do cách làm căn cơ nên kênh YouTube "Chuyện tử tế" của NSND Việt Anh và các đồng nghiệp trẻ đã nhận được sự tài trợ kinh phí của Quỹ Phát triển tài năng Việt của Ông Bầu, số tiền tài trợ lên đến 500 triệu đồng.
NSND Thanh Ngân, NSƯT Vũ Luân, NS Bình Tinh ở lĩnh vực cải lương cũng đã tiên phong đứng ra đỡ đầu, hỗ trợ các diễn viên, đạo diễn trẻ có điều kiện hành nghề. Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết: "Ngoài sàn diễn, đoàn Huỳnh Long còn có kênh YouTube, thực hiện các sản phẩm chiếu trên nền tảng số".
NSƯT Vũ Luân thành lập đoàn cải lương tuồng cổ theo hướng xã hội hóa nhằm có nơi cho các diễn viên, đạo diễn trẻ làm nghề, rèn nghề. "Ngày xưa thầy Bạch Long (nghệ sĩ Bạch Long - PV) với nhóm "Đồng ấu Bạch Long" là nơi đã dìu dắt tôi có được như ngày hôm nay nên việc tôi đứng ra thành lập đoàn cải lương xã hội hóa cũng là cách tôi trả ơn thầy Bạch Long. Nhìn các bạn trẻ có được đất dụng võ, qua đó thêm niềm tin với nghề, thêm động lực theo nghiệp cải lương tôi thấy hạnh phúc lắm" - NSƯT Vũ Luân xúc động.
Các diễn viên trẻ: Nguyễn Văn Mẹo, Phùng Ngọc Bảy, Diễm Kiều (từ trái sang) tham gia chương trình Sân khấu Tài năng trẻ của Nhà hát Trần Hữu Trang
Rèn luyện để tồn tại
Diễn viên Đỗ Thái Sơn (nhóm kịch Trending) cho biết nhóm bạn của anh đầu quân về Sân khấu Kịch cà phê do NSND Hồng Vân tổ chức cũng chính là nhắm tới mục đích được rèn luyện nghề.
Nghệ sĩ Hồng Trang của nhóm kịch Đời cũng tạo cơ hội cho hơn 20 diễn viên trẻ đang tham gia để hướng tới một sân chơi vừa mới "chào đời" tại Cung Văn hóa Lao Động TP HCM, đó là "sân khấu kịch công nhân". "Từ những chủ đề về người lao động, chúng tôi có thêm chất liệu để diễn, để viết và tìm được sự đồng cảm với khán giả. Càng đối mặt thử thách thì càng quý cơ hội để rèn luyện nghề" - nghệ sĩ Hồng Trang lạc quan cho hay.
Cũng với phương châm chủ động tạo đất dụng võ cho diễn viên trẻ, nhà hát Trần Hữu Trang đã quy tụ hơn 30 diễn viên, đạo diễn, tác giả trẻ để thành lập Sân khấu Tài năng trẻ. Vở đầu tiên đang trên sàn tập là "Lụy tình vương nữ". "Nhà hát tạo sân chơi này là nơi trao truyền kinh nghiệm, thể nghiệm những sáng tạo mới và tạo lực lượng kế thừa. Các nghệ sĩ tiền bối đã đồng hành, sẽ truyền nghề trực tiếp để sân chơi này rộn ràng chất trẻ" - đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang nói.
Tương tự, Nhà hát kịch TP HCM đã tạo đất diễn cho đạo diễn, diễn viên trẻ mang tên CLB Ngôi sao xanh. Hiện nay, một số thành viên của CLB này đã tham gia chương trình phục vụ hè 2022 với 10 suất diễn tại các trường tiểu học với chương trình do đạo diễn Hoàng Tấn dàn dựng. "Ngày 13-6 là suất diễn đầu tiên của chương trình theo chỉ tiêu do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM giao tại Trường tiểu học Âu Cơ, sau đó sẽ lần lượt diễn tại 9 trường cho đến 22-6. Đây là nơi để chúng tôi cọ xát nghề, học hỏi và trải nghiệm thực tế trước nhiều đối tượng khán giả" - đạo diễn Hoàng Tấn cho biết.
Là khán giả của một số vở kịch do đạo diễn, diễn viên trẻ thực hiện, đạo diễn Minh Nguyệt bày tỏ: "Tôi đã từng theo dõi các bạn trẻ trên sân khấu khi báo cáo tốt nghiệp, nhận thấy họ trưởng thành hơn khi tham gia các sân chơi chuyên nghiệp này. Họ thực sự làm chủ sân khấu, biểu diễn cuốn hút khán giả".
Các nhà chuyên môn cho rằng việc tổ chức những sân chơi đích thực, chuyên nghiệp cho đạo diễn, diễn viên trẻ sẽ tạo điều kiện để các tài năng phát lộ, tăng thêm sự phong phú, hấp dẫn cho sân khấu tại TP HCM. Đây chính là hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở TP HCM nói riêng, cả nước nói chung.
Thế mạnh của các đạo diễn, diễn viên trẻ
là sự mới mẻ, cá tính. Một khi họ được trang bị các kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp cùng sự tự tin, họ sẽ dễ dàng hòa nhịp và làm nên chuyện" - NSND Việt Anh nhận định.
Bình luận (0)