Cùng khai thác từ vở kịch cổ đại của Hy Lạp là "Antigone", 6 tác phẩm sân khấu do 6 đạo diễn Việt Nam dàn dựng đã và sẽ lần lượt ra mắt khán giả. Vở "Antigone" của đạo diễn NSƯT Trần Lực tái diễn tối 14-11 tại Hà Nội. Trước đó, vào tối 13-11, bản dựng của đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai cũng được tái diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.
Nâng cao tay nghề
Ngoài ra, vở diễn "A Woman" sẽ ra mắt khán giả ngày 8-1-2022 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom ở Hà Nội; "Antigone - Âm mù" của đạo diễn Hà Nguyên Long và bản dựng của đạo diễn Hà Thúy Hằng sẽ lần lượt được giới thiệu trực tuyến vào lúc 20 giờ ngày 20-11-2021 và 19-3-2022. Biểu diễn kịch và đối thoại cộng đồng tại TP HCM về kịch kinh điển phương Tây sẽ được nhóm Saigon Theatreland thực hiện đầu năm 2022.
Một cảnh trong vở “Antigone” của nhóm LucTeam của NSƯT Trần Lực .Ảnh: LUCTEAM
Lý giải về những tín hiệu vui từ kịch kinh điển phương Tây do nghệ sĩ Việt thực hiện, đạo diễn NSƯT Trần Lực cho biết: "Kịch kinh điển phương Tây là những tác phẩm mẫu mực của sân khấu, kịch bản có nhiều tầng tư tưởng và nhiều lớp ý nghĩa để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Bị ngưng nghỉ vì đại dịch trong thời gian dài nên các nghệ sĩ khát khao được cháy hết mình trên sàn tập và sàn diễn.
Kịch kinh điển phương Tây tràn đầy năng lượng nên thỏa cơn khát của nghệ sĩ khi tập và diễn. Bằng chứng là LucTeam Theatre qua suất diễn 6-11 đã mang lại hiệu quả khi mọi người hăng hái và say mê luyện tập. Riêng tôi, mỗi lần dựng và diễn kịch kinh điển phương Tây, tôi được làm mới mình, tay nghề được nâng cao hơn".
Các tác phẩm trên nằm trong khuôn khổ dự án "Sân khấu Antigone" do Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam thực hiện và có sự hợp tác của các đạo diễn sân khấu Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long; nghệ sĩ sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng; biên đạo Trần Minh Hải; đạo diễn Lê Thị Hòa An. Có thể nói dự án này đã mở ra một hướng đi mới cho sân khấu kịch Việt sau đợt giãn cách mới đây.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng công chúng có thể thấy những giá trị quen thuộc của "Antigone" trong văn học Việt, như khi so sánh "Antigone" với "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du, những điểm tương đồng về số phận của 2 nhân vật Antigone và Kiều.
"Chính vì thế, ở góc nhìn của nghệ sĩ Việt, những trải nghiệm sáng tạo khi làm vở kinh điển phương Tây sẽ thúc đẩy họ tìm chìa khóa mở cánh cửa sáng tác mới sau đại dịch. Từ những nền tảng của kịch kinh điển nước ngoài, khi Việt hóa sẽ tạo một lối đi mới cho kịch Việt" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Tại TP HCM, khi dựng vở "Ivan bé bỏng" cảm tác từ tiểu thuyết "Lolita" của nhà văn Nga Vladimir Nabokov cho diễn viên trẻ Sân khấu Kịch Hồng Vân, đạo diễn Thanh Thủy nhận định: "Kịch kinh điển phương Tây gần như không lạc hậu theo thời gian, chứng tỏ tác giả viết từ những trăn trở trong đời sống. Diễn viên trẻ hào hứng vì trải nghiệm đó cho họ một hướng đi tích cực, vững nền tảng kiến thức, biết tư duy trên tổng thể câu chuyện và tìm đúng quỹ đạo của chính mình trong cách sống chết với nhân vật. Nguồn kịch bản trong nước ngày càng xa vời điều này, nghĩa là đời sống của nhân vật đã không thật ngay trên bản thảo thì làm sao diễn viên tin mà thể hiện".
Tạo đà phát triển
Mặc dù đã trải qua gần 2.500 năm nay, tác phẩm "Antigone" qua cách dàn dựng của đạo diễn - NSƯT Trần Lực vẫn mang đến nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các nghệ sĩ. Giống như nhân vật Kiều, Antigone xuất thân từ một gia đình gia giáo, cô cũng phải đưa ra các quyết định xuất phát từ lý do đạo đức để rồi sau đó phải gánh chịu hậu quả của hệ thống quyền lực và cai trị trong xã hội thời ấy.
Từ câu chuyện của mình, Antigone có thể vừa là tấm gương, cũng vừa khơi gợi những suy ngẫm cho người xem. "Thông điệp của tôi qua vở kịch này chính là "Phụ nữ hãy cứ mạnh mẽ lên, khi bạn đã có quan điểm sống, quan điểm yêu, hãy thực hiện nó!" - đạo diễn Trần Lực nhấn mạnh.
Cuộc giao lưu văn hóa này đã thật sự tạo đà phát triển kịch Việt sau dấu mốc 100 năm hình thành. "Vở kịch sử dụng phương pháp ước lệ biểu hiện, một nét đặc trưng của sân khấu phương Đông. Tôi ấp ủ dự định làm một dự án kịch "đặc sệt" Việt Nam lâu rồi nhưng bây giờ mới làm được. Sau khi trình diễn theo dự án của Viện Goethe, chúng tôi sẽ bán vé, để cho công chúng thực sự quan tâm có cơ hội thưởng thức" - NSƯT Trần Lực cho biết thêm.
NSND Trần Minh Ngọc đánh giá cao hiệu quả tác động đến người làm nghề qua dự án ý nghĩa nói trên. Cũng theo NSND Trần Minh Ngọc, "Antigone" không chỉ được dàn dựng trên sân khấu kịch mà còn đến với khán giả qua nhiều cách thể hiện như: trình diễn đa phương tiện; múa hình thể; kịch và đối thoại cộng đồng..., "qua đó đưa tác phẩm sân khấu trở thành hạt nhân thúc đẩy đối thoại giữa nghệ sĩ và khán giả về việc đối diện với thách thức, đi tìm sự đồng cảm từ nhân vật trên sân khấu với cuộc sống xã hội".
Vở "Antigone - Âm mù" của Xplusx Studio (do đạo diễn Hà Nguyên Long dàn dựng) dù giữ nguyên kịch bản gốc nhưng đã đưa toàn bộ vở kịch lên thế giới ảo, nơi dòng thời gian như ngừng lại. Theo đạo diễn Hà Nguyên Long, bằng cách tái tạo khung cảnh của vở kịch trong một chiều không thời gian khác biệt với vở kịch gốc, nhóm nghệ sĩ muốn khán giả tiếp cận cách thể nghiệm của thực lẫn ảo, giữa các chiều không gian, vượt qua cả sự hiện diện của thời gian và địa lý.
Trong khi đó, đạo diễn Bùi Như Lai lại thể hiện vở diễn ở góc độ mới lạ với sân khấu không mô phỏng không gian thời cổ đại Hy Lạp mà chủ yếu được tạo dựng từ cây tre. Ngoài ra, hình ảnh thang tre biểu tượng về quyền lực, tạo ra khuôn mẫu, cái khung cho các nhân vật tồn tại.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cách làm kịch kinh điển phương Tây được kỳ vọng đề ra giải pháp hữu hiệu để người làm nghề suy ngẫm lại cách đầu tư các khâu sáng tạo, từ kịch bản, dàn dựng cho đến diễn xuất. Khi sàn diễn thích ứng với điều kiện "bình thường mới", đội ngũ đạo diễn, diễn viên cần đúc kết nền tảng vững chắc để hòa mình vào cải tiến trong lộ trình đầu tư vở diễn.
Bình luận (0)