Đà Nẵng từng trải qua những ngày cực kỳ căng thẳng vì đại dịch Covid-19, nhất là trong đợt tháng 7-2020 và tháng 5-2021, nên có thể nói người Đà Nẵng thấu hiểu và dễ sẻ chia với người dân TP HCM trong những ngày chống chọi với đại dịch suốt gần hai tháng qua. Riêng tôi hằng hướng về mỗi ngày, là những người bạn ra đi từ mảnh đất xứ Quảng chịu thương chịu khó - họ đã trở thành một phần của TP HCM hôm nay. Và từ họ, đâu đó một khoảng sâu trong tâm hồn tôi, suy nghĩ tôi về một TP HCM thật gần gũi, thân thương.
Như một sự sắp đặt của số phận, tôi có hai thế hệ bạn học - cách nhau đúng 10 năm, nay ít nhiều trong số đó đang ngày đêm mưu sinh để góp phần làm nên bản sắc của TP HCM. Đó là những bạn học rời ghế trường phổ thông năm 1989 và sau đó là những bạn tốt nghiệp đại học vào năm 2000. Trên bước đường lập nghiệp, qua nhiều miền đất rồi TP HCM đầy sôi động đã hấp dẫn họ - dù hai thế hệ cách nhau 10 năm, lập thân trong bối cảnh khác nhau của đất nước. Mỗi người, tùy theo bản tính và điểm xuất phát, có những khó khăn và thuận lợi nhất định trên con đường lập nghiệp của mình; nhưng có thể nói, bản chất chung là sự chịu thương chịu khó, cần cù, siêng năng của người xứ Quảng trong họ đã sớm hòa trộn, thích nghi với điều kiện và bản tính của đất và người TP HCM hào sảng, phóng khoáng và luôn mở lòng bao dung…
Nhờ vậy, các bạn tôi, cả hai thế hệ, đều đã vươn lên trong cuộc sống, làm ăn và xây dựng trang mới của cuộc đời mình ngay trên mảnh đất của thành phố phồn hoa, sôi động nơi xứ người. Đó là hai chị em, sớm chịu cảnh mồ côi, dắt díu nhau vào TP HCM; chị làm đủ nghề lương thiện nuôi em ăn học thành tiến sĩ nông nghiệp, rồi chị quay trở lại con đường học hành và trở thành cô giáo trường công. Hai anh em, cũng mồ côi cha, nhà nghèo, anh lăn lộn bán buôn rồi dắt em vào thương trường, giờ cuộc sống của hai anh em có thể nói là "rất ổn". Rồi có bạn, "khởi nghiệp" bằng nghề ve chai, phế liệu, giờ trở thành ông chủ chuyên nhận phá dỡ các công trình lớn, hoàn trả mặt bằng sạch để làm nền móng cho những công trình hiện đại, khang trang mọc lên mỗi ngày trên thành phố đầy sôi động này. Hay một người bạn, bươn chải đêm ngày với nghề xây dựng, đầu tắt mặt tối để nuôi cả gia đình; mà bạn vẫn luôn cười hào sảng "thấy hai con học hành đàng hoàng, khỏe mạnh là niềm vui lớn nhất của đời mình, làm mấy cũng không thấy mệt"… Mỗi cuộc hội ngộ bạn bè, dù có ở cách xa cả trăm cây số, bạn vẫn chạy xe máy về với nụ cười rổn rảng trên khuôn mặt còn đầy bụi bặm của một ngày làm việc miệt mài…
Báo Người Lao Động tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa ra xe để đưa đến các điểm trao tặng người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: TẤN THẠNH
Trong nỗi nhớ thương và ngóng trông mỗi ngày về TP HCM trong đại dịch, tôi luôn dành một góc đủ lớn cho những người bạn đang mưu sinh nơi "đất khách" giờ đã không còn là "quê người", mà là quê hương thứ hai của chính họ. Điều các bạn chia sẻ với tôi, là dù có xô bồ, bon chen, phải cố len lỏi lách đi giữa dòng đời quăng quật, nhưng ở TP HCM, họ luôn nhận được sự sẻ chia đầy tình cảm, dù đó là từ người đồng hương hay từ những người đồng cảnh ngộ, phiêu dạt từ bốn phương tám hướng tụ hội ở mảnh đất này.
Vậy đó, TP HCM bao dung, luôn cưu mang những người chịu thương chịu khó, đầy ý chí quyết tâm và sáng tạo. Đọc đâu đó trên báo chí và các trang mạng xã hội, cùng với những con số bệnh nhân, khu vực cách ly vì Covid-19… tăng lên từng ngày một cách sốt ruột, thì những sẻ chia một bữa cơm, một ổ bánh mì, cũng thấy ấm lòng cùng với TP HCM.
Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang trong những ngày giãn cách, nhiều hoạt động tạm thời ngưng trệ để hướng đến mục tiêu tối thượng là bảo vệ sinh mạng và sức khỏe con người. Trong đó, TP HCM - cái nôi của nền kinh tế cả nước, mảnh đất hội tụ của tinh thần sáng tạo, ý chí vượt khó vươn lên và cũng là nơi trú ngụ của những phận người..., luôn cho thấy ý chí mạnh mẽ của mình. Trong niềm tin về chiến thắng của sự đồng lòng phòng chống đại dịch, trong niềm thương nhớ bạn bè mưu sinh nơi ấy, tôi mong TP HCM sớm vượt qua đại dịch, vươn lên đầy sức sống và tràn thương yêu…
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)