. Phóng viên: Từ ngày làm đạo diễn, Thanh Thủy trong mắt khán giả không chỉ là diễn viên thượng thặng mà còn là một đạo diễn có nghề với những tác phẩm sân khấu được đánh giá hạng sang. Chị thấy hài lòng?
- Nghệ sĩ THANH THỦY: Khái niệm "sang" hay "chợ" dạo gần đây được sử dụng như những tiêu chuẩn đánh giá mới trong nghề. Tôi có suy nghĩ ngược lại. Trong nghệ thuật, không có giải thích đúng - sai và cao - thấp, mà chỉ thích hay không thích. Tôi rất sợ mình có cái nhìn phiến diện nên tiêu chí sản phẩm sân khấu là phải được làm bằng đam mê. Tôi không phải là típ người cầu toàn nhưng món ăn tôi đãi khán giả phải ngon và sạch.
Nghệ sĩ Thanh Thủy
. Nhiều khán giả cho rằng chị là nghệ sĩ rất thông minh trong cách chọn vai để diễn, chọn kịch bản để dựng. Chính những xử lý thông minh đó đã tôn lên được vị trí của chị. Chị có thấy mình như vậy?
- Hồi đó biệt danh của tôi là "Thủy còi", vì đã ốm lại lùn. Kém sắc đến thế thì có làm cách nào cũng không tôn mình lên vị trí đào chánh. Cho nên mới có một thời gian đi bán giày dép ở chợ, tính bỏ nghề. Nếu không có sự lôi kéo của biên tập viên Thu Hồng của HTV, để về Sân khấu Kịch thể nghiệm (5B) diễn vở "Trở về mái nhà xưa", thì có lẽ tôi vẫn làm công việc bán giày dép. Tôi đã về mái nhà xưa và không quan tâm đến vị trí đỉnh cao, ngôi sao. Muốn có điều đó, ta không thể tự quyết mà phải là có sự cộng hưởng của tập thể. Tôi nghĩ khán giả yêu mến mình vì tất cả những gì được thể hiện trong cái chung đó.
. Bước chân vào showbiz và ngày nay đã trở thành một nghệ sĩ đứng trên bục giảng. Chị nghĩ mình đã đóng góp được những gì cho sân khấu Việt?
- Tôi tự đánh giá thì khó khách quan nhưng tôi tự nhìn thấy điều mình làm với 4 cái được và 3 cái không làm được. Được: diễn, dựng, thăng hoa với bạn đồng nghiệp và dạy nghề diễn viên. Không: vốn đầu tư, quyền tuyển lựa học trò và sân khấu riêng để thỏa sức sáng tạo. Đóng góp của tôi bé tẹo, không đáng để kể nhưng tôi luôn nỗ lực để làm tốt và phát huy cái được đó, còn 3 cái không vẫn là khao khát mỗi ngày để mình vươn tới.
NS Thanh Thủy và NSƯT Hoài Linh trong chương trình hài kịch “Tiếng cười xuân”
. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng suốt 2 thập kỷ qua, sân khấu kịch nói không tìm được thế hệ nghệ sĩ vàng như thế hệ của chị, chỉ vì "diễn viên hiện nay chỉ giỏi làm trò trên game show, kém duyên, kém tài và thiếu bản lĩnh nghề, số khác lại rất cơ hội và háo danh. Chị có bình luận gì về điều này?
- Trước hết, những nhận định đó đúng, xét nguyên nhân còn có lỗi của truyền thông. Một số trang mạng, báo điện tử đã thoải mái tung hê, dẫn đến hệ lụy trên. Nhưng liệu có cần thêm thế hệ nghệ sĩ vàng cho kịch khi nhà nước thiếu sự đầu tư, định hướng? Thế hệ chúng tôi thời đó cực nhọc tìm chỗ đứng nhưng không dám làm bậy vì có con mắt dõi theo, với đầy kỳ vọng của các cấp lãnh đạo. Nền tảng nghề được đúc kết bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của chúng tôi. Còn ngày nay, dễ dàng tìm danh tiếng nên nghệ sĩ không cần áp đặt đỉnh cao để phấn đấu vì có câu "thị trường nào, khán giả đó". Tôi không đòi hỏi thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay phải rập khuôn theo những hy vọng của thế hệ chúng tôi ngày trước, chỉ mong các "ngôi sao" đương thời hãy biết nhìn lại nền tảng của mình để tạo ra những giá trị mới. Tôi đã dẫn chứng cho học trò của mình những tác phẩm sân khấu đỉnh cao, những chuẩn nghệ thuật để các em hướng tới giấc mơ làm nghề tử tế.
. Nếu tự đánh giá, chị nghĩ điều gì làm mình trở nên khác biệt với những đồng nghiệp?
- Tôi biết mình đang đi trên con đường nào. Điểm khác biệt rõ nhất và dễ nhận thấy nhất chính là tôi biết kén chọn công việc.
. Hình như để không bị tai tiếng và tránh bị đào thải trong showbiz, chị luôn tạo sự an toàn và ổn định chứ không bứt phá?
- Cảm hứng của nghệ sĩ rất dễ bén lửa và cũng dễ bị dập tắt. Bởi nó mong manh và phụ thuộc nhiều vào những yếu tố tác động. Bước vào nghề, tôi kém may mắn, trải qua nhiều chông gai mới đứng vững. Nổi tiếng bằng sự tai tiếng với tôi là điều điên rồ. Còn bứt phá mà không có nội lực thì như con thiêu thân. Tôi xác định đã làm nghề tử tế thì nghệ sĩ hãy thanh lọc tâm hồn chính mình và cho khán giả. Đó là trách nhiệm cao quý của người nghệ sĩ.
NS Thanh Thủy và Ái Như trong vở kịch “29 anh về” trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ảnh: THANH HIỆP
. Chị có thể chia sẻ về dự án sắp tới của mình?
- Tôi và một nhóm bạn nghệ sĩ đang ấp ủ dựng kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học. Khán giả mong thế hệ nghệ sĩ vàng của kịch sẽ hội ngộ trong một vở diễn hay, nên sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch, chúng tôi hội ngộ, nắm lấy cơ hội này để đốt cháy đam mê. Ngoài ra, tôi vừa nhận thêm 60 học trò khóa 15 của Sân khấu Kịch Hồng Vân.
. Hạnh phúc của gia đình có là điểm tựa cho chị trong nghệ thuật?
- Điểm tựa với tôi không phải là điều gì to tát, đôi khi đơn giản chỉ là tôi và ông xã cùng nhau chia sẻ điều nhỏ nhặt mỗi ngày để giữ hạnh phúc.
. Chị trăn trở nhất điều gì hiện nay?
- Chúng ta tham lam về sự tăng trưởng của những biểu đồ thịnh vượng mà quên rằng sống chậm, quan tâm đến nhau là điều cần thiết hiện nay. Chúng ta cũng hay quên lòng trắc ẩn, sự biết ơn và cả biết điều với thiên nhiên này. Hãy sống trách nhiệm, trả lại những điều tử tế nhất mà ta được hưởng từ thiên nhiên.
Nhào nặn diễn viên theo cách riêng
Sau vở kịch "Tiếng vạc sành" dàn dựng trên Sân khấu Kịch Minh Nhí, nghệ sĩ Thanh Thủy đã chọn nhiều kịch bản chuyển thể từ những tác phẩm văn học hiện thực phê phán trước năm 1945 như: "Kép Tư Bền", "Tắt đèn", "Vỡ đê", "Giông tố", "Bước đường cùng"... cho diễn viên trẻ là học trò của chị để tiếp tục thực hiện chương trình "Hạnh phúc lang thang". Chị khẳng định muốn diễn viên trẻ giỏi nghề phải nhào nặn từ kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học, có cốt truyện, có tư tưởng sâu sắc. "Còn game show, truyền hình thực tế chỉ là nơi các em cọ xát để tìm kiếm sự ứng biến trong diễn xuất. Muốn hóa thân vào số phận nhân vật phải biết day dứt, đau xót những vấn đề từ cuộc sống" - nghệ sĩ Thanh Thủy khẳng định.
Bình luận (0)