Chưa bao giờ ngành thiết kế thời trang cùng đồng lòng hướng đến mục tiêu xây dựng nền thời trang bền vững, giảm thiểu tác động nguy hại đến môi trường như lúc này.
Tinh thần "zerowaste"
Thời trang bền vững (sustainable fashion hay eco-fashion) đã trở thành triết lý thời trang được nhiều nhà thiết kế trên thế giới theo đuổi trong suốt 2 năm qua. Công thức của thời trang bền vững nằm ở việc sử dụng chất liệu (hữu cơ, tái chế, thủ công...); quy trình sản xuất (giảm thiểu lượng nước sử dụng, dùng thuốc nhuộm an toàn, tôn trọng người lao động, xử lý nước thải...); quy trình phân phối (vận chuyển, đóng gói...); quảng bá...
Sự gia nhập "sân chơi" thời trang thân thiện với môi trường của các thương hiệu thời trang xa xỉ thông qua các bộ sưu tập xuân - hè 2020 mới đây ít nhiều truyền cảm hứng cho công chúng. Đáng kể nhất là xu hướng tái chế. Các thương hiệu danh tiếng trong dòng thiết kế haute couture (thời trang cao cấp) vào cuộc. Trước đó là Jean Paul Gaultier, Ronald Van Der Kemp còn gần đây là bộ đôi Viktor & Rolf, ra mắt bộ thiết kế haute couture mang đậm tinh thần "zerowaste" (không lãng phí) khi sử dụng kỹ thuật chắp vá để tạo nên trang phục ấn tượng hay sử dụng chất liệu nỉ thân thiện với môi trường.
Những mẫu thời trang tái chế của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.Ảnh: ELLE
Nhà thiết kế Sarah Burton của thương hiệu thời trang danh tiếng Alexander McQueen đã quyết định tái sử dụng những mẫu thiết kế cũ. Việc sử dụng những chất liệu tulle, organza và ren tái chế từ những bộ sưu tập trước đây là cách để tiết kiệm và giảm tối đa những tác động trực tiếp vào môi trường.
Với nhà thiết kế Marine Serre, ngôi sao sáng từng thắng giải LVMH Prize, việc tái chế còn là nghệ thuật trong thiết kế. Thương hiệu có hẳn một nhân viên chuyên "săn lùng" chất liệu. Nguồn chất liệu có thể đến từ những kho vải tồn trong khu vực châu Âu hay chợ online, quan trọng là tính minh bạch về nguồn gốc. Đặc biệt, trang sức đều được làm từ nguyên liệu thu thập từ những người quen biết, hay được thiết kế từ những món trang sức khác mang đến sự thích thú và hứng khởi cho Marine.
Ellen MacArthur, nhà sáng lập quỹ phi lợi nhuận Ellen MacArthur Foudation, bày tỏ: "Để ngành công nghiệp thời trang phát triển mạnh trong tương lai, chúng ta phải thay thế mô hình "vứt bỏ" đang dần trở nên không hợp thời. Chúng ta cần một vòng tròn kinh tế cho thời trang, ở đó quần áo được giữ ở vị trí cao nhất của nó, được tính toán cẩn thận ngay từ lúc chuẩn bị tạo ra sản phẩm để không bao giờ lãng phí.
Thời trang bền vững là trách nhiệm
Cùng với thông điệp về nữ quyền, nhà thiết kế Maria Grazia Chiuri mang vào bộ sưu tập xuân - hè 2020 của Dior thông điệp về thiên nhiên: "Tôn trọng sự đa dạng và thiên nhiên sẽ giải phóng chúng ta". Chất liệu cói thân thiện với môi trường xuất hiện trong bộ sưu tập của bà từ thiết kế mũ rộng vành hợp xu hướng đến cả những bộ trang phục cầu kỳ bằng kỹ thuật đan móc thủ công. Chất liệu cói và kỹ thuật thủ công cũng là sắc màu nổi bật của nhà thiết kế Simone Rocha ở London.
Stella McCartney vừa ra mắt bộ sưu tập được ghi nhận là bền vững nhất trong lịch sử thương hiệu này với hơn 75% chất liệu thân thiện môi trường như cotton, polyester tái chế, vải sợi econyl tái chế từ lưới đánh cá và sợi gai dầu...
Nếu năm 2019, ngành công nghiệp thời trang có những bước tiến hướng đến mục tiêu bền vững thì thời trang 2020 khẳng định xu hướng thân thiện với môi trường là trách nhiệm. Giới chuyên môn tin rằng hành trình này xây nền móng cho những thay đổi lớn của ngành thời trang trong tương lai, đầu tiên là giảm thiểu tác hại của thời trang lên môi trường sống. Những cam kết về "hành tinh xanh" được thể hiện rõ rệt trong các bộ sưu tập mới nhất. Thậm chí, làn sóng kêu gọi "tẩy chay" sequin - chất liệu tạo sáng lấp lánh đang được các thương hiệu áp dụng. Stephen Cotton, Giám đốc thương mại của Bioglitter, khẳng định sequin và glitter tác động tiêu cực đến môi trường rất đáng kể, không chỉ làm ô nhiễm môi trường nước mà còn gây hại đến chuỗi thức ăn của sinh vật nhỏ dưới biển, gây bất lợi cho con người khi tiêu thụ các sinh vật biển có thể chứa microplastic.
Ngành công nghiệp thời trang bấy lâu nay luôn hứng chịu nhiều chỉ trích, bởi mức độ tàn phá, hủy hoại môi trường của nó vượt cả lượng khí thải từ phương tiện di chuyển và đứng ngang hàng với ngành công nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm. Tình hình này được cải thiện phần nào khi trong 2 năm trở lại đây, các "ông lớn" trong ngành thời trang từ sản xuất nhanh đến những nhà mốt danh tiếng đều có những động thái tích cực, chung tay vì môi trường. Ông Francois Suchet, Giám đốc Chiến dịch Make Fashion Circular (Vòng tròn thời trang), giải thích mục tiêu của chiến dịch này là tạo nên "một phong trào toàn cầu", hướng đến nền kinh tế nơi quần áo sẽ không bao giờ trở thành rác thải.
Đứng thứ 2 về gây ô nhiễm môi trường
Theo thống kê của chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, thời trang, đặc biệt là thời trang nhanh, là ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đứng thứ 2. Ngành này tiêu thụ nhiều nước thứ 2 thế giới và chiếm từ 8%-10% lượng khí carbon phát thải, nhiều hơn lượng thải từ máy bay và tàu thủy cộng lại. Thời trang nhanh là mô hình sản xuất các loại quần áo giá rẻ để đáp ứng xu hướng thời trang mới nhất. Mảng thời trang này là nguyên nhân chính gây ra lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính khổng lồ và tác động tàn phá môi trường: hóa chất độc hại thường dùng trong nhuộm vải đổ ra, quá trình vận chuyển toàn cầu làm tăng phát thải khí carbon, bao bì đóng gói sản phẩm lại không phân hủy...
Mỗi năm, thế giới ước tính khoảng 93 tỉ m3 nước sử dụng cho ngành công nghiệp thời trang hoạt động sản xuất. Khoảng nửa triệu tấn vi sợi đổ xuống biển mỗi năm. Mỗi năm, trên thế giới lãng phí đến 500 tỉ USD cho những sản phẩm thời trang không bao giờ được bán hay sử dụng. Những chiếc áo màu sắc sặc sỡ của chúng ta lại tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe vì chất nhuộm. Công nghiệp nhuộm màu vải đang khiến nhiều dòng sông và mạch nước ngầm bị ô nhiễm trầm trọng. Những chất sợi tổng hợp thải ra môi trường cần tới hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm để phân hủy.
Bình luận (0)