Rất nhiều văn nghệ sĩ đương đại được sinh ra và lớn lên trong "cái nôi nghệ thuật", được thừa hưởng gia sản nghệ thuật của thế hệ cha mẹ mình để lại. Làm cách nào để bảo tồn tốt nhất những di sản văn hóa nghệ thuật của gia đình đang là điều trăn trở của mỗi người.
Gánh nặng thừa kế
Mới đây, nhà sưu tập Lưu Quốc Bình - con trai của cố họa sĩ Lưu Công Nhân - vừa kết thúc tuần triển lãm lần đầu tiên công bố 60 tác phẩm tranh sơn dầu và màu nước của cố họa sĩ bậc thầy giai đoạn hội họa kháng chiến đang được gia đình lưu giữ vào ngày 3-3.
Nhà sưu tập Lưu Quốc Bình cho biết có tới 90% số tranh của danh họa Lưu Công Nhân trưng bày lần này được ông sáng tác trong thập niên 1950-1980 của thế kỷ trước, chỉ có 10% sáng tác sau thập niên 1980 và trong những hoàn cảnh đặc biệt. Sau khi họa sĩ Lưu Công Nhân mất vào năm 2007, việc gìn giữ gia tài nghệ thuật đồ sộ của danh họa là không dễ dàng gì. Nhiều tác phẩm của ông đã đi về muôn hướng, rơi vào tay các nhà sưu tập khác. Chẳng hạn, 30 bức tranh màu nước được coi là đẹp nhất của danh họa Lưu Công Nhân thuộc về nhà sưu tập Nguyễn Trường Sơn.
Tình cảnh tương tự cũng rơi vào gia đình danh họa Bùi Xuân Phái. Mặc dù con trai ông Phái, họa sĩ Bùi Thanh Phương, hiện sống tại Hà Nội, đồng thời là nhà sưu tập. Ông Phương cũng có nhiều cố gắng trong việc tập hợp và lưu giữ tranh của cha mình như tổ chức triển lãm, thống kê, giám định, thành lập trang web nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng thuận lợi, suôn sẻ.
Vì giá trị kinh tế của những bức tranh ký tên Bùi Xuân Phái càng lúc càng lớn nên phát sinh khá nhiều hệ lụy. Trên thị trường quốc tế và cả ở Việt Nam đều lưu hành quá nhiều tranh Phái giả, đến mức tranh Phái được mệnh danh là bị làm giả nhiều nhất Việt Nam. Trong quá trình gìn giữ gia tài của cha, họa sĩ Bùi Thanh Phương cũng gặp phải nhiều điều tiếng, vướng tin đồn rất khó kiểm chứng.
Sau khi họa sĩ - nhạc sĩ Văn Cao mất, người thừa kế và giữ gìn gia sản của ông là con trai: họa sĩ - nhạc sĩ Văn Thao. Tại Hà Nội, nhạc sĩ - họa sĩ Văn Thao chỉ có một căn nhà cũ từ thời cố nhạc sĩ Văn Cao còn sống, hiện gia đình vẫn đang lưu giữ nhưng đó là căn nhà nhỏ xíu. Năm ngoái, trong một sự cố điện, ngôi nhà đã cháy. Vụ tai nạn khiến ông Văn Thao bị thiệt hại nặng nề cả về tài chính, đồng thời ngọn lửa cũng hủy hoại một số ít di cảo của cha mình.
May mắn là gia đình đã tìm nơi định cư mới ở cách khá xa trung tâm Hà Nội, các di sản của nhạc sĩ Văn Cao cũng đã được dời về đó. Tuy nhiên, đây là điều kiện không mấy thuận lợi mỗi khi gia đình tổ chức các hoạt động liên quan đến cố nhạc sĩ Văn Cao.
Bức "Làn khói trắng" của danh họa Lưu Công Nhân, trong bộ sưu tập của con trai ông -
họa sĩ Lưu Quốc Bình
Quá khó để bảo quản, phát huy giá trị
Các nghệ sĩ lớn mất đi, để lại một khoảng trống không nhỏ về tài năng, tác phẩm. Nhiều gia đình nghệ sĩ đã để xảy ra những lùm xùm ồn ào không đáng có do tranh chấp gia sản nghệ thuật mà cha mẹ để lại.
Một số trường hợp được thừa kế gia sản của cha ông nhưng nếu không "nối nghiệp", không phải là nghệ sĩ, nhiều khi chỉ giữ toàn bộ gia sản lớn lao nằm nguyên trong kho, với tính chất giữ được là tốt lắm rồi chứ không biết cách làm thế nào để có thể phát huy được những giá trị mà cha ông họ đã để lại.
Vì tình yêu sâu sắc dành cho cha - cố họa sĩ Tạ Tỵ, bà Tạ Thùy Châu cùng gia đình cũng gom góp lưu giữ được mấy chục bức tranh khổ lớn, các ấn phẩm mà cố họa sĩ Tạ Tỵ lúc sinh thời đã thực hiện nhưng tranh quý chỉ treo trong nhà, gia đình không tham gia bất cứ hoạt động mỹ thuật đương đại nào.
Nhà văn Lưu Quang Vũ và nữ thi sĩ Xuân Quỳnh sau khi mất, con trai của họ cũng không nối nghiệp văn chương nên toàn bộ gia sản thi ca, kịch bản sân khấu bản thảo viết tay… phải cần tới nguyên một căn nhà lưu niệm mới có thể chứa hết, hiện buộc phải đóng gói, tạm thời gửi tại nhà em gái - nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ.
Bà Lưu Khánh Thơ cho biết với sự đồng ý của toàn thể gia đình, toàn bộ các bản sao của di cảo đều đã được bà gửi gắm tại Cục Lưu trữ nhưng cũng nhiều lần bà thở dài nhìn bản chính của di cảo đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết ẩm ướt, mưa dầm kéo dài mỗi năm, bà cũng đau lòng, thương cho gia tài nghệ thuật của anh chị mình lắm nhưng hiện tại vẫn chưa biết phải làm sao?
Ai cũng thấy thừa kế gia sản nghệ thuật là đang giữ một giá trị văn hóa và cả kinh tế quá lớn nhưng cũng quá khó để họ có thể thực sự kế thừa và phát huy những giá trị của gia sản đặc biệt này.
Bảo tồn bằng nhà lưu niệm
Ở TP HCM, nhiều đoàn khách văn nghệ đã đến tham quan ngôi nhà lưu niệm cố thi sĩ Nguyễn Bính, với hàng trăm kỷ vật, bút tích, bản thảo viết tay, đồ dùng từ thời ông viết những bài thơ tình nổi tiếng. Nhà lưu niệm này do con gái ông - nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - xây dựng và quản lý.
Nhà văn Kim Lân (tên thật là Nguyễn Văn Tài) - thân sinh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và họa sĩ Thành Chương - hồi năm 2012 cũng đã có ngôi nhà lưu niệm xây dựng ở tỉnh Bắc Ninh, như một cõi riêng của ẩn sĩ giữa làng văn, theo đúng di nguyện về với làng quê của cố nhà văn. Năm 2016, có thêm một ngôi nhà lưu niệm nữa là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, bản thảo viết tay còn nguyên nét bút của nhà văn Kim Lân được 6 người con của ông chung tay xây dựng và bảo quản ngay tại Hà Nội, trong một phần của ngôi nhà thuộc sở hữu của con gái ông, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.
Bình luận (0)