Ông Hồ Xuân Lâm - Phó chủ tịch LĐLĐ TP HCM và NSƯT Thoại Miêu đến tiễn đưa NSƯT Giang Châu về nơi an nghỉ cuối cùng
Bà Đinh Thị Kim Tuyến, vợ của NSƯT Giang Châu cho biết, trước tấm lòng của Công ty cổ phần xây dựng đầu tư Chánh Phú Hòa về việc trao tặng phần đất và xây dựng ngôi mộ cho NSƯT Giang Châu tại khu mộ trên con đường Nghệ sĩ tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương - nơi có các mộ phần của NSND soạn giả Viễn Châu, nhạc sĩ Thanh Sơn, NSƯT Thanh Sang, nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Sơn Nam, Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, nhạc sĩ Hoàng Trang, soạn giả Nhị Kiều, nghệ sĩ Tám Vân... - gia đình đã quyết định sẽ an táng NSƯT Giang Châu, thay vì hỏa táng ông như đã thông tin ban đầu.
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM đọc điếu văn trong lễ truy điệu NSƯT Giang Châu
Ông Nguyễn Hiền Triết, Tổng giám đốc Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương, cho biết: "Với những cống hiến của NSƯT Giang Châu cho sân khấu cải lương, chúng tôi muốn xây dựng ngôi mộ của ông tại Hoa viên để công chúng đến viếng, bên cạnh các nghệ sĩ đồng nghiệp quá cố của ông".
Ông Hồ Xuân Lâm - Phó chủ tịch LĐLĐ TP HCM - thắp nén hương tiễn biệt NSƯT Giang Châu
Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung – Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - đã đọc điếu văn trong lễ truy điệu NSƯT Giang Châu. Trong đó, khái quát cuộc đời, sự nghiệp nghệ thuật của NSƯT Giang Châu, ghi nhận những đóng góp to lớn mà ông đã cống hiến cho sân khấu cải lương, xứng đáng được đón nhận danh hiệu NSND mà nhà nước sẽ trao tặng.
Tiễn biệt NSƯT Giang Châu về nơi an nghỉ cuối cùng
"Sau khi trải qua các đoàn: Phước Châu, Hương Mùa Thu, Hoa Mùa Xuân, Ngân Điện – Ngọc Đính, Thanh Hương – Hùng Minh, Minh Cảnh 2, Trâm Hoa Mai…. Ông là người nghệ sĩ sáng tạo cách ca hơi dài, nhấn nhá, "chạy chữ khi xuống câu vọng cổ" một cách điêu luyện để góp phần làm mới bài vọng cổ và tạo dấu ấn riêng.
NSƯT Thanh Kim Huệ, Thanh Điền đau xót tiễn biệt NSƯT Giang Châu
Bước đầu tạo được tên tuồi, dần đã khẳng định được chổ đứng trên sân khấu lớn, nhưng vẫn được đánh giá là kép ca, chưa phải là kép diễn, nên ông đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu và thọ giáo nhiều bậc thầy trong dàn dựng để trang bị cho mình kỹ năng diễn xuất. Biết mình không phải là kép đẹp, ông đã cần cù, siêng năng tập dợt để có được một phong cách biểu diễn riêng biệt, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Đông nghệ sĩ đoàn cải lương Kim Chung đến viếng, tiễn đưa NSƯT Giang Châu về nơi an nghỉ cuối cùng
Các nghệ sĩ đến tiễn biệt NSƯT Giang Châu về nơi an nghỉ cuối cùng
Những tôi luyện ấy đã được trở nên hoàn thiện hơn khi ông gia nhập đoàn cải lương Sai Gòn 2, nhờ lối ca vọng cổ dài hơi và phong cách diễn xuất sống động,có nhiều bậc thầy chỉ dẫn, anh nhanh chóng nổi tiếng và thu hút khán giả cũng như giới sân khấu qua vai Trần Hùng trong vở "Tìm lại cuộc đời", một nhân vật khó quên trong cuộc đời nghệ thuật của ông. Tiếp theo là thành công rực rỡ với Thừa trong vở "Tiếng hò sông Hậu", Út Chất ("Ánh lửa rừng khuya"), cô ba Sáng ("Những ánh sao không tên"), Thái Ngọc ("Khách sạn Hào Hoa", Tâm ("Tô Ánh Nguyệt"), chồng của Điểu ("Tình mẫu tử")...
NSƯT Giang Châu (vai Trùm Sò) và NSƯT Thanh Kim Huệ (vai Thị Hến) trong vở "Ngao, sò, ốc, hến"
Đến vai Trùm Sò trong vở "Ngao Sò Ốc Hến" thì ông đã trở thành "Sao" được khán giả cả nước yêu mến. Với lối diễn ca diễn đầy sáng tạo, ông kế thừa Nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn với một hình tượng Trùm Sò độc đáo, mới lạ, khiến cho khán giả vừa ghét cái tính ích kỷ keo kiệt và ác độc, lại vừa cười thỏa thích trước những tình huống hài duyên dáng.
Các nghệ sĩ đến dự lễ truy điệu đều công nhận, trên sân khấu ngoài những thành tựu nổi bật, trong cuộc sống đời thường, NSƯT Giang Châu là người nghệ sĩ tích cực tham gia các công tác từ thiện. Khi NSUT Minh Vương và NSND Lệ Thủy tổ chức Sân khấu Vàng để gây quỹ xây dựng nhà tình thương, ông sẳn sàng tham gia mà không nhận thù lao, còn gửi ủng hộ thêm tiền, đóng góp sức mình trong việc xây tặng hơn 30 căn nhà cho bà con nông dân nghèo vùng sâu, vùng xa.
Tác giả Nguyễn Anh Kiệt - Giám đốc Nhà hát kịch TP HCM và đạo diễn NSƯT Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở VHTT TP HCM - đến viếng, tiễn đưa "Trùm Sò" NSƯT Giang Châu
Tài nghệ và ước vọng của ông về những vở diễn,về những vai diễn sẽ không ngừng được mang đến với khán giả nếu như trận tai biến năm 2017 đã khiến ông bị thoái hóa não, buộc ông phải rời xa ánh đèn sân khấu.
NS Tú Trinh và diễn viên điện ảnh Kiều Trinh viếng NSƯT Giang Châu
"NSƯT Giang Châu là người bạn tri kỷ của những bài vọng cổ hài duyên dáng và những vai diễn độc đáo khó phai trên sân khấu cải lương. Ông ra đi nhưng giá trị của những vai diễn, những sáng tạo vẫn mãi mãi ở lại trong lòng công chúng" – ông Hồ Xuân Lâm – Phó chủ tịch LĐLĐ TP HCM đã phát biểu khi đến viếng NSƯT Giang Châu.
NS Việt Hương, Chí Tài, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ đến viếng NSƯT Giang Châu
Đại diện gia đình, cô Trần Thị Quế Thảo – con gái của cố NSƯT Giang Châu - đã nói lời cảm ơn tình cảm mà công chúng, nghệ sĩ đồng nghiệp đã dành cho cha mình; cảm ơn sự quan tâm của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, các cấp chính quyền, địa phương, Sở VHTT TP HCM, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Hội Sân khấu TP HCM, các nhà hát, các sân khấu nghệ thuật và hàng ngàn khán giả đã chia buồn, an ủi, dành nhiều lời động viên đối với sự mất mát to lớn của gia đình.
Con gái và con dâu của cố NSƯT Giang Châu đau buồn tiễn biệt ông về nơi an nghỉ cuối cùng
Đặc biệt, gia đình cảm ơn Công ty cổ phần xây dựng đầu tư Chánh Phú Hòa đã tạo mọi điều kiện để xây mộ, chôn cất NSƯT Giang Châu tại Hoa viên Nghĩa Trang Bình Dương.
NSƯT Thanh Sang, Thanh Điền, Giang Châu và NS Đức Minh trên sân khấu Sài Gòn 2 thập niên 80 - giai đoạn tài năng của "Trùm Sò" Giang Châu được đánh giá là sáng rực
Bình luận (0)