xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếng gọi của đồng bằng

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Những bóng người đã mất hút, để lại những món nợ tình không ai trả, hay chỉ trả bằng nước mắt?

Những ngày này đồng bằng sông Cửu Long vừa cùng cả nước căng mình chống dịch Covid-19 vừa gian nan đối mặt với nạn hạn hán, nhiễm mặn làm đảo lộn cuộc sống của cư dân. Virus corona chắc có lúc cũng phải dừng, còn biến đổi khí hậu thì sẽ lâu dài khi nước biển ngày càng dâng cao, những con đập ở thượng nguồn sông Mekong vẫn tiếp tục làm cạn nguồn và đảo chiều dòng chảy.

Tiếng gọi của đồng bằng - Ảnh 1.

Từ phải sang: Các nhà thơ Chinh Văn, Trần Hữu Dũng, Phạm Thiên Thư và nhà lý luận - phê bình văn học Huỳnh Như Phương. Ảnh: VĂN NHÂN

Nhớ đồng bằng, tôi tìm đọc lại thơ viết về miền Tây thuở còn bình yên của Trần Hữu Dũng, một người con của sông Tiền: Sông Tiền vừa chảy vừa gọi/ Tôi mê mải chạy vừa khóc vừa cười/ Chẳng biết làm sao phát sáng giấc mơ quê nhà/ Vô tình những cánh chim câu bay lạc/ Vô tình câu hò sông nước lay lắt bờ bụi tăm tối/ Nhắc nhớ bao điều con mắt phía xa xăm/ Và những cơn mưa trôi đất trôi đồng. Người sông Tiền bây giờ đi xa nơi nào cũng muốn gắn kết với quê hương trong một chuyến trở về, dù chỉ là trong tâm thức: Chỉ muốn làm giọt nắng, hạt mưa, bụi đất/ Hay bọt nước nhỏ nhoi/ Chạy giỡn tung tăng, chảy triền miên/ Luân chuyển trong mạch huyết đồng bằng. ("Giăng mắc giấc mơ đồng thiếp Mỹ Tho").

Trần Hữu Dũng gọi đó là "tâm thức đồng bằng", một tâm thức không dễ xác định, hình thành từ sự chưng cất của thiên nhiên, tính cách con người, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, âm điệu câu hò, bài "Dạ cổ hoài lang"...: Nhiều đêm giấc ngủ bềnh bồng tôi nghe/ nước réo sôi cuốn trôi mây trời/ ẩn trong hồn tiếng chim kêu khắc khoải/ câu hò sông nước mênh mang bờ bụi/ giăng giăng lũ đom đóm soi đèn/ sấm rền mưa giông nhịp chuông chùa cứu rỗi. ("Tâm thức đồng bằng").

Hầu hết những bài thơ của Trần Hữu Dũng đều ngắn, những câu thơ phức cảm đan cài mà không làm chìm khuất ngôn từ mềm mại mang dáng vẻ dân ca: Tôi về nhẹ cánh chuồn chuồn/ Vô tình chạm phải mùi hương năm nào ("Trở lại Mỹ Tho"). Ở Cà Mau ơ thờ con nước đẩy/ ngọn đèn dầu chao đảo lung linh ("Ghi vội ở đầm Thị Tường"); Nhạc tài tử - năm cung bướm lượn/ Khúc thương hồ - xuôi ngược bến đời ("Chữ đàn"). Tuy tác giả là người có ý thức hiện đại hóa ngôn ngữ thơ nhưng người đọc đại chúng vẫn dễ cảm và nhớ những câu thơ dung dị mà sâu nặng nghĩa tình hơn cả.

Bài thơ đầu tiên của Trần Hữu Dũng viết về miền Tây mà tôi được đọc gần 30 năm trước, đến bây giờ vẫn là bài thơ của ông tôi thích nhất, là "Người chăn dắt bầu trời". Người len trâu và người chăn vịt rong là hai hình ảnh đẹp in trên nền trời châu thổ. Dưới ngòi bút tác giả, người chăn vịt rong cũng là người nghệ sĩ của đồng đất: Thanh thản người chăn vịt rong/ Chăn dắt những dòng sông, bờ bãi/ Chăn dắt những ngày tháng long đong, tả tơi/ Đùa nắng rát da/ Nhảy múa với bóng mình cô tịch/ Người thuộc những bài thơ hoang sơ ít ai còn nhớ/ Am hiểu những đợt thủy triều, tiếng ca lẻ loi chim, dế/ Mùi bùn non, thối rữa lá mục/ Hương hoa, mật ong, vị chát trái non. Người chăn vịt sống chan hòa với đất trời, cùng thiên nhiên cất lên "khúc hòa âm điền dã không lời": Lang thang người chăn vịt rong/ Dắt lưng xị đế, vài con khô làm mồi/ Ngủ ổ rơm vương thơm lúa chín/ Bạn cỏ cây, chim cá bời bời ("Người chăn dắt bầu trời").

Là kỹ sư nông nghiệp, một chặng đời trẻ tuổi của Trần Hữu Dũng đổ bóng xuống những con kênh và cánh đồng miền Tây heo hút. Trải theo đường thơ ông, cảnh quan vùng châu thổ cũng đổi thay, những cây cầu dây văng hiện lên, những chiếc phà lui vào ụ sắt, đời người trôi đi nhanh hơn, chỉ còn tình bạn, tình yêu với gặp gỡ và chia xa còn lưu lại trong tâm tưởng: Bìm bịp hụt hơi kêu nước lớn/ Sông dài chiều lạnh vắng đò ngang/ Gặp bạn lâu ngày buồn thắt ruột/ Xuống câu xề tâm sự rưng rưng/ Phố thị chồn chân con ngựa mỏi/ Đêm đêm hú vọng bóng trăng suông ("Gặp bạn ở bến phà Mỹ Thuận"). Những bóng người đã mất hút, để lại những món nợ tình không ai trả, hay chỉ trả bằng nước mắt: Ăn Tết miệt vườn/ Xênh xang nhịp phách/ Thương người mắc nợ/ Bỏ xứ đi luôn/ Có đêm nằm mớ/ Nước mắt ướt tuôn ("Ăn Tết miệt vườn").

Người bây giờ ở đâu, Daegu hay Đài Loan? Người còn xa xôi trông ngóng hay đã ôm con thơ trở về, chiều hôm qua bước xuống máy bay và nay trong trại cách ly coronavirus? Rồi mai này người cũng sẽ rời xa đồng bằng nắng gió khi xứ lạ bình an trở lại. Làm sao em phải xa quê lâu quá/ Núi vọng âm rền những ngày mưa/ Tôi nằm trên võng ru chiều/ Gió cứa những lát dao vô tình/ Quay mặt về phía nào cũng rát/ Phải chi nắng ấm em về sưởi tóc ("Chuồn chuồn kim").

Nay, tôi ngồi chép lại những dòng thơ gửi về miền châu thổ thì cũng chỉ như gửi vài gáo nước ngọt hiếm hoi làm mát cổ giữa mùa hè bỏng cháy này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo