Câu chuyện về tiếng kèn Saranai (tiếng của người Chămpa) giữa khu đền tháp Mỹ Sơn bắt đầu từ năm 2010, khi nghệ nhân dân gian Trượng Tốn hành hương về Ninh Thuận. Ông lang thang khắp làng Hữu Đức (Ninh Phước, Ninh Thuận) với hy vọng tìm được một người mang tâm hồn Chămpa thuần khiết, người để Trượng Tốn chân truyền toàn bộ 72 điệu kèn Saranai của dân tộc.
Anh Thiên Thành Vũ (SN 1989, ngụ Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận) được tìm thấy theo cách như vậy. Là con trai út trong gia đình có truyền thống 3 đời chế tác nhạc cụ dân tộc Chămpa, sành sõi mọi món "nghề" từ trống Ginăng, trống Paranưng, đến các loại đàn khác, Vũ và Saranai "bén duyên" với nhau một cách tự nhiên và mạnh mẽ như dòng máu Chămpa đang chảy trong huyết quản mình. Được thầy Tốn phát hiện và ươm mầm, năm 2010, Vũ theo thầy về huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) để bắt đầu cuộc hành trình đưa tiếng kèn Saranai vang vọng giữa Mỹ Sơn diệu kỳ.
Anh Thiên Thành Vũ trình diễn với cây kèn Saranai quý giá mà thầy Trượng Tốn truyền lại
Về những ngày đầu tập kèn Saranai, Thiên Thành Vũ bồi hồi nhớ lại: "Trống Ginăng có 72 điệu, kèn Saranai thổi theo 72 điệu trống này, mỗi điệu trống là một điệu múa. Cái khó nhất của nghệ thuật thổi kèn Saranai chính là kỹ thuật lấy hơi và giữ hơi, cách tống hơi ra ngoài. Khi thổi, đầu kèn nhỏ, dẹp chạm vào lưỡi của nghệ nhân để tiếng kèn phát ra réo rắt. Saranai giữ vai trò quan trọng trong dàn nhạc nên người thổi ngoài việc luyện tập chăm chỉ, còn phải thấu hiểu tinh thần và văn hóa Chămpa để truyền hết hồn thiêng vào tiếng kèn".
Theo học không được bao lâu thì thầy Trượng Tốn qua đời, Vũ mang trên mình sứ mệnh quảng bá tiếng kèn Saranai đến với du khách. Là người Chămpa duy nhất được thầy Tốn tin chọn, Vũ pha trộn nét mộc mạc, huyền linh của tâm hồn người Chămpa, với kỹ năng được thầy truyền dạy để thổi ra những âm điệu vang vọng, mang nỗi buồn chơi vơi mà theo Vũ là "tượng trưng cho vật thể mang nhiều hồn vía, là sự gặp gỡ của nhiều linh hồn đã mất từ ngàn xưa".
Gặp khó trong khoảng thời gian thầy Tốn qua đời, đã đôi lần Vũ nản lòng, muốn bỏ lại tất cả để về quê. Nhưng xúc cảm mãnh liệt khi được chơi kèn Saranai trên chính "đất tổ" Mỹ Sơn khiến anh không thể đành đoạn. "Tràng vỗ tay của khán giả là nguồn động lực to lớn để tôi bước tiếp đến ngày hôm nay. Gần 10 năm từ ngày thổi những tiếng kèn đầu tiên tại Mỹ Sơn, cảm giác xúc động, lâng lâng đối với tôi vẫn tinh nguyên như lần đầu" - Vũ bộc bạch.
Điệu múa Apsara hút hồn khách du lịch Ảnh: QUANG LUẬT
Trong mỗi buổi diễn tại Mỹ Sơn, Thiên Thành Vũ sẽ độc tấu kèn Saranai với 4 bản nhạc, là trích đoạn mô phỏng khúc tráng ca của dân tộc Chămpa ngày xưa. Đó là bản sử thi về những vị hoàng tử của đế chế, những câu chuyện về người Chămpa cổ, hay tín ngưỡng phồn thực mà người xưa hết mực tôn thờ. Tiếng kèn của Vũ ngân vang đến gần như bất tận, để rồi khi kết thúc, du khách cứ ngẩn ngơ, tiếc nuối. "Quá hay và độc lạ. Hơi thổi thật khủng khiếp, khó ai làm được" - anh Trần Văn Quang, du khách đến từ Hà Nội, nhận xét như vậy khi xem Vũ biểu diễn.
Trước những đóng góp của Thiên Thành Vũ đối với Mỹ Sơn nói riêng và văn hóa Chămpa tại Quảng Nam nói chung, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã tạo điều kiện để gia đình anh an cư lập nghiệp. Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Ban Quản lý, tâm sự: "Có thể nói tiếng kèn Saranai của Thiên Thành Vũ là điểm nhấn, là phần hồn của văn hóa Chămpa, là mảnh ghép không thể thiếu đối với du khách đến tham quan, nghiên cứu về khu di tích văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để Thiên Thành Vũ cũng như đội văn nghệ dân gian Chămpa trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể dân gian".
Ngày nay, du khách đến Mỹ Sơn để đứng cạnh những mảng tường đã gần 1.700 năm tuổi, nghe chuyện kể về văn hóa Chămpa xa xưa hay chiêm ngưỡng sự mê hoặc của điệu múa Apsara. Tất cả diễn ra trên nền thanh âm vang vọng của Saranai - tiếng kèn mang theo hồn cốt người Chămpa. Saranai lưu lại trong lòng mỗi lữ khách một cảm xúc khó diễn đạt, vừa trầm trồ, thán phục người xưa vừa tiếc nuối, u hoài về thuở vàng son của một triều đại đã lùi dần vào dĩ vãng.
Bình luận (0)