Năm 1985, tôi lên sáu tuổi, lần đầu tiên má nói mai dắt tôi đi thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh vì lúc đó tôi rất hay bệnh vặt. Suốt đêm nghe mình được đi thành phố, tôi cứ thao thức nôn nao. Với tôi, thành phố Hồ Chí Minh xa tít tắp. Qua chặng đường nhồi xóc trên xe đò với gió nắng mịt mù và tiếng rao hàng ồn ào lẫn tiếng anh lơ xe không thể nào quên (loại xe đó giờ cũng không còn thấy nữa), tôi ngơ ngác nhìn thành phố với những dãy nhà cao, tiếng xe inh ỏi và dòng người cuộn chảy, thỉnh thoảng lại dừng đèn xanh đèn đỏ mà ở quê tôi chưa từng được thấy.
Má tôi gọi xe xích lô đạp, nói địa chỉ và trả giá rồi tôi sung sướng được ngồi xe xích lô ngắm phố phường. Má con tôi vô Chợ Lớn ăn cơm, lần đầu tiên tôi được ăn cơm hàng cháo chợ mà trời ơi, món ăn sao lại ngon đến vậy. Sau đó, má dắt tôi đến khám tại một phòng mạch tư của bác sĩ mà tôi không biết tên, bác sĩ nói phải chích thuốc, ông ấy chuẩn bị một cây kim tiêm to và bông gòn tẩm cồn, xoa lên vai tôi và chích, tôi im lặng ngồi rất ngoan, chỉ cảm thấy nhói một cái rồi thôi. Không thấy tôi khóc hay run sợ gì, bác sĩ mỉm cười rất hiền, sau đó đưa cho tôi viên thuốc to bảo uống đi, tôi uống ực rất dễ dàng không như những trẻ khác phải bẻ viên thuốc ra mới chịu uống…
Chợ Bình Tây bình dị trong tuổi thơ tôi, nay xây mới khang trang, to đẹp. Ảnh: TẤN THẠNH
Mãi cho tới khi tôi học lớp 5 tôi lại được má tôi dẫn đi chơi hồ Kỳ Hòa (năm 1989) – đó là một buổi chiều rất thảnh thơi, tôi được mặc áo đầm xúng xính đi lòng vòng ngắm hoa, ngắm người lớn đạp vịt rồi chụp hình với tượng hai con thiên nga ở giữa công viên, hình đó tôi vẫn còn lưu giữ như một ký ức tuổi thơ đẹp vô ngần.
Năm 1996, tôi thi đỗ vào trường Đại học Luật TP HCM, bắt đầu tuổi 18 tự lập của mình nơi phồn hoa bậc nhất. Từ một đứa quen cuộc sống ở quê, không biết đường thành phố và không biết làm đủ thứ những việc vặt cá nhân khác thì chỉ trong một ngày tôi từ nơi này tới nơi khác và ở lại một mình với những đứa bạn cũng như mình, ngơ ngác nơi phố thị. Thời sinh viên vẫn còn mộng mơ cùng mực tím, áo trắng sân trường, chúng tôi ngỡ ngàng hòa nhập cùng phố. Dăm đứa bạn mau chóng tìm việc làm để trang trải chi phí sinh hoạt, học tập vì ở quê cũng nghèo khó. Bạn ở miền Trung rắn rỏi, bạn quê miền Tây thật thà giọng quê chơn chất... Tiếng đàn tiếng hát cứ ngân vang mỗi tối khi về ký túc xá cùng nhau. Những người anh, người chị, bạn bè kết nghĩa đến từ nhiều miền quê hương, từ những hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng chúng tôi yêu thương nhau, tới bây giờ vẫn gắn bó.
Phố ghi dấu tình yêu đầu như hoa cúc trắng tinh khôi, tôi và bạn cùng chung mái trường đại học, gặp nhau nơi đất khách quê người, cùng nhau qua những nẻo đường gió bụi, cùng nâng nhau dìu bước vượt qua gian khó cuộc đời. Thành phố những năm chín mươi của thế kỷ trước còn những vũng nước đọng trên vỉa hè lồi lõm, những công viên tối om gây nhiều nỗi lo sợ cho người dân xung quanh, còn những dòng kênh nước đen gây ứ đọng mùi hôi lưu cữu. Nhưng thành phố cũng có những lãng mạn khi ánh đèn đường thắp sáng màn đêm, có tiếng lách cách mì gõ trong hẻm nhỏ, tiếng rao ngắt quãng của người bán bánh chưng, bánh giò, tiếng của sự sống sinh sôi cuộn chảy trong lòng phố, trong lòng người xa quê những đêm mưa nhớ nhà. Những thanh âm quen thuộc không có gì lưu dấu khi ta đang ở đó, nhưng khi xa thì quay quắt nhớ khôn nguôi. Tôi không phải là người thành phố nhưng sao xa phố rồi tôi thấy mình như mất đi nhiều thứ lắm, những niềm thương nỗi nhớ đã trót gửi lại rồi.
Năm 2016, tôi quay trở lại phố với một con người khác cùng những tâm tư không còn như thuở thanh xuân. Phố trong tôi đã lắng sâu, đã ghi nhiều ký ức, nơi này tôi đã đến và sẽ ở lại cho tới khi phố bỏ tôi đi. Thành phố nhiều đổi thay khiến tôi không còn nhận ra phố với những mùa lá vơi đầy nơi góc Hàn Thuyên nhiều bóng mát, những bức tường rêu phong cùng năm tháng, của Chợ Lớn bình dị tuổi thơ, bây giờ chợ mới đã xây xong, to hơn, đẹp hơn, những con đường tiện nghi hơn với bao nhiêu cầu vượt để tránh kẹt xe. Phố khang trang hơn, xe nhiều hơn, người đông hơn, chung cư nhà cao tầng mọc lên san sát. Thành phố hiện đại hơn nhưng đọng trong lòng có chút man mác buồn vì những kỷ niệm không còn, những góc phố, con đường, hàng quán đã đổi thay. Chúng tôi đã vào tuổi trung niên, tóc đã chớm bạc và dần phai theo dòng đời cuộn chảy. Những bạn tôi ngày ấy giờ có người đã mất, kẻ thành đạt, hạnh phúc, người vất vả với những mơ ước còn dang dở...
Phố lại bắt đầu bước vào những ngày giãn cách mà ngày xưa có trong mơ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng ra có lúc phố vắng đến vậy, những con đường ồn ã mà giờ im tiếng xe, tiếng nói. Dù chỉ là người đến từ nhiều xứ sở nhưng đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai thì chúng ta cùng nắm tay nhau vững vàng trước cơn sóng dữ, vẫn vững niềm tin một ngày phố lại ăm ắp tiếng cười và phố lại xôn xao như từng sống...
Tôi viết những dòng này khi trời đang mưa lớn rót xuống hồ Con Rùa những giọt nhớ không tên. Nhưng rồi nắng sẽ ửng trên tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà bình dị, đàn chim bồ câu mỗi ngày vẫn sà xuống mổ thóc chíu chít niềm vui!
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)