Gia đình là tổ ấm, điều này ai cũng biết, cũng cảm nhận được và nhiều người thụ hưởng được. Cơ quan cũng là gia đình, nếu mình xem nó là gia đình của mình. Hồi đầu thập niên 1990, anh Phan Hồng Chiến, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho người đến nhà gọi tôi đến gặp anh. Anh nói hiện nay bài vở số Tết quá nhiều, nhờ tôi đến biên tập giúp. Sau Tết, nếu tôi thấy được thì chuyển công tác về cơ quan và anh tiếp nhận.
Cùng nhau "giữ nồi cơm"
Khi tôi chính thức về làm việc ở báo, anh Phan Hồng Chiến nói tờ báo là nồi cơm chung của gần một trăm anh chị em, nên mọi người cùng nhau cố gắng giữ gìn cho nồi cơm luôn đầy, nhất là đừng làm nó bể. Tôi đồng thuận với ý kiến của anh. Đã cùng ngồi trên một chiếc thuyền, nếu không bơi thì phải tát nước, chứ đã không làm gì mà còn nhảy múa làm cho thuyền chòng chành thì chắc chắn bị mọi người ném ra khỏi thuyền thôi. Thế là tôi có những ngày an vui ở Báo Người Lao Động.
Đầu năm 1995, tôi bị trọng bệnh phải vào điều trị ở Bệnh viện Bình Dân. Báo Người Lao Động không lơ là với tôi. Biết nhà tôi neo đơn, một số anh em như Thọ Trung, Quốc Sơn… tình nguyện đến bệnh viện nghỉ qua đêm trông chừng tôi để vợ tôi về nhà chăm sóc 2 đứa con còn nhỏ.
Một buổi chiều, chị Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng Biên tập, vào thăm và cho tôi hay buổi sáng, cơ quan đã họp và quyết định tặng tôi một miếng đất. Chị dặn tôi yên tâm điều trị. Thì ra, anh Phan Hồng Chiến lo lắng sức khỏe của tôi, viết thư hỏi GS-BS Văn Tần, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân - người trực tiếp điều trị bệnh cho tôi. GS-BS Văn Tần viết thư trả lời về bệnh tình của tôi. Anh Chiến thông báo việc này với Ban Biên tập.
Trước đó không lâu, LĐLĐ TP HCM có phân cho Báo Người Lao Động 11 lô đất nhà ở, và Ban Biên tập nhất trí cho tôi 1 lô. Theo chị Nga kể lại, anh chị em trong Ban Biên tập biết gia đình tôi đang ở căn hộ chung cư. Báo Người Lao Động tặng tôi lô đất ấy đề phòng nếu rủi thời tôi có mệnh hệ nào và chung cư bị giải tỏa thì vợ con tôi dùng tiền đền bù dựng được căn nhà trên lô đất có sẵn, không đến nỗi phải gặp khó khăn chồng lên khó khăn và cơ quan cũng bớt bận lòng.
Nhà báo Phạm Ngọc Phúc (Vu Gia) phát biểu tại lễ trao quà của Báo Người Lao Động cho các cộng tác viên. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tình người ấm áp
Cái tình cái nghĩa ấy, tôi nhớ mãi. Chưa hết. Sau khi xuất viện về nhà được 4 ngày thì tôi phải nhập viện lại và nằm phòng cấp cứu đến 17 ngày. Anh chị em cơ quan đến thăm tôi qua khung cửa kính, ai nấy đều lo lắng ra mặt. Bây giờ nhớ lại chuyện này, mắt tôi vẫn cứ rưng rưng…
Tôi về nhà được mấy ngày, anh Chiến khuyên nên chữa trị đông y với tinh thần còn nước còn tát. Tôi không muốn đi nhưng không thể phụ cái tình của anh. Anh Chiến nhờ anh em trong cơ quan đưa tôi đi xuống Long An chữa trị, ba ngày một lần chở tôi đi bắt mạch hốt thuốc. Anh Cường và anh Thanh nhiệt tình nhất và 2 anh này cũng đã rời xa cõi tạm những mấy năm rồi.
Kể từ ngày đó, tôi không hề giận ai, trách ai khi ai đó có hành động, lời nói không hay. Thời gian trả lời tất cả. Thú thật, tôi là người có chút ít kiêu ngạo, nhưng qua cơn bạo bệnh, tôi hiểu thêm về cuộc sống phức tạp của con người và ngộ ra rằng ở đời không nên coi thường ai, mỗi người có sở trường của mình. Do vậy, tôi nghĩ trong đời người, vui được lúc nào thì cứ vui, không nên cho bản thân quá nhiều gánh nặng áp lực. Và những ngày ở tổ ấm Báo Người Lao Động, tôi thấy được nhiều hơn mất, vui nhiều hơn buồn.
Khi làm hồ sơ nghỉ hưu, tôi không kết nối được thời gian công tác trước ngày về Báo Người Lao Động. Nhiều anh em đã tận tình giúp tôi, như: Quốc Thể, Nam Dương, Lệ Thủy, rồi đến Nguyễn Văn Tín, Đỗ Danh Phương, nhưng vẫn không được. Cuối cùng, nhờ người bạn cũ Nguyễn Thành Tài tìm được mấy hồ sơ gốc, tôi mới được hưởng lương hưu đúng ngày đúng tháng.
Trước hết, phải làm người
Từ những việc này, tôi hiểu rằng kiếp phù du sẽ không tịch mịch, nếu có người cùng đứng chung một chỗ. Vững tin như vậy, thì cho dù con đường phía trước gian nan cũng không mấy đáng ngại. Bởi vậy mà nghỉ hưu gần chục năm, tôi vẫn gắn bó với báo. Không ít lần, anh em đề nghị tôi gửi lại số tài khoản để bộ phận tài vụ chuyển nhuận bút, tôi đỡ phải đi lại nhưng tôi chỉ ừ à cho qua chuyện. Với tôi, đến báo nhận nhuận bút là cái cớ để gặp anh em, để được hít thở chút không khí gia đình không chung huyết thống.
Nhắc lại một chút kỷ niệm nhân ngày thành lập Báo Người Lao Động, tôi muốn lấy tuổi già làm phách một chút với anh em viết trẻ. Muốn người ta chú trọng thì phải biểu hiện giá trị của mình. Đời tàn nhẫn như vậy đấy! Không muốn trả giá chỉ muốn hồi báo, loại chuyện này cho đến giờ chỉ có ở trong truyền thuyết. Nên xem cơ quan là gia đình của mình, là tổ ấm của mình, thì mới vui được, mới yên tâm làm việc tốt được. Chén trong chạn còn động, huống gì anh em trong gia đình không cùng chung máu mủ. Cứ biểu hiện giá trị của mình, thì sẽ không có ai dám coi thường mình (nếu có). Điều quan trọng, không cần biết làm gì, muốn làm tốt, đầu tiên phải làm, chính là làm người! Ngay cả tư cách làm người còn không có, sao có thể làm chuyện gì khác?
Bình luận (0)