Tiếp tục hành trình tìm về những ký ức đẹp của nghệ sĩ trong 24 mùa Giải Mai Vàng đã qua, tọa đàm "25 năm Giải Mai Vàng" lần 2 do Báo Người Lao Động tổ chức đã diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh Niên vào sáng 15-11 với sự tham dự của nhiều nghệ sĩ tên tuổi của nhiều lĩnh vực: NSND Ngọc Giàu, NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSƯT Thành Lộc, NSƯT ca sĩ Vân Khánh, nghệ sĩ Cát Phượng, nghệ sĩ Thúy Nga và MC Thanh Bạch.
Các nghệ sĩ tham gia buổi tọa đàm
Niềm vui cùng nỗi đau ly biệt
Trước khi bước vào chương trình tọa đàm, các nghệ sĩ tham gia đã cùng xem lại những hình ảnh tư liệu Giải Mai Vàng mình từng tham gia trong các hoạt động của Giải Mai Vàng; được bước lên sân khấu lễ trao giải nhận giải. Biết bao kỷ niệm của 25 năm ùa về, vỡ òa hạnh phúc trong mỗi người. NSND Ngọc Giàu xúc động bày tỏ: "Trước hết, tôi cảm ơn công chúng, những bạn đọc của báo đã thương yêu, bình chọn cho tôi đoạt giải trong hai năm: 1995 và 1996". Bà nhớ lại một kỷ niệm vừa mừng vui, vừa đau buồn: "Đó là năm 1995, trước khi nhận Giải Mai Vàng tại Công viên Văn hóa Đầm Sen một ngày, người anh thứ ba của tôi qua đời đột ngột. Đây là người dìu dắt, động viên tôi vào nghề hát. Tưởng đâu tôi đã không thể đến nhận giải được nhưng rồi tôi chợt nghĩ khi anh tôi còn trẻ, anh dẫn tôi đi diễn "sơn đông mãi võ", rồi anh chấp nhận đóng những vai kép phụ để được đi theo em gái, chăm sóc em. Anh tôi luôn mơ ước em mình sẽ lãnh thật nhiều giải thưởng cho nghề. Có thể nói giải HCV triển vọng Thanh Tâm tôi được nhận năm 1960, tiếp tục được trao HCV xuất sắc năm 1967 là do hội đồng chuyên môn tuyển chọn chấm giải thì Giải Mai Vàng 1995 là giải thưởng do chính khán giả bình chọn. Do vậy, tôi đã đến nhận giải để hương hồn của anh tôi mỉm cười nơi chín suối. Tôi đã chọn chiếc áo dài màu đen, quàng chiếc khăn màu đỏ mà anh tôi đã tặng để đến nhận giải".
NSND Ngọc Giàu nhớ là khi ấy bà đã nhắn với MC Lại Văn Sâm, dẫn chương trình lễ trao giải, đừng nhắc gì đến nỗi buồn của bà, hãy để niềm vui của công chúng và nghệ sĩ được trọn vẹn. "Dù lúc đó tim tôi cứ đau nhói vì không còn được thấy anh trai mình nữa" - bà rơi nước mắt khi nhớ lại.
NSND Ngọc Giàu tâm sự trong buổi tọa đàm
Nước mắt hạnh phúc
NSƯT Thành Lộc kể năm anh bị té ngã tại rạp xiếc khi diễn chương trình "Ngày xửa, ngày xưa", chấn thương cột sống khá nặng phải nằm ở nhà dưỡng thương. Lúc mở truyền hình xem trực tiếp lễ trao Giải Mai Vàng anh nhìn thấy hình ảnh các đồng nghiệp đưa mình từ rạp xiếc ra xe cấp cứu được phát lên sóng, hình như ban tổ chức muốn thông báo với công chúng lý do anh vắng mặt trong lễ trao giải lần này. "Khi nghe tên mình được xướng lên trong hạng mục nam diễn viên sân khấu được yêu thích nhất, tôi đã khóc" - NSƯT Thành Lộc xúc động nhớ lại.
Nghệ sĩ Cát Phượng bộc bạch: "Sau 3 năm liên tiếp nhận Giải Mai Vàng từ năm 2000 đến 2002, vì mưu sinh nên tôi bỏ sàn kịch để chạy sô diễn tấu hài. Đến năm 2009, tôi được đạo diễn Minh Nguyệt thuyết phục quay về sàn kịch diễn vai chính trong vở "Cánh đồng bất tận", dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Không ngờ vai diễn đó đã giúp tôi đoạt Giải Mai Vàng năm đó. Đêm nhận Giải Mai Vàng khiến tôi xúc động khóc thật nhiều. Tôi nhận ra chỉ khi được sống với nhân vật, thở hơi thở số phận nhân vật mới thật sự là sáng tạo nghệ thuật. Phần thưởng đến với tôi năm 2009 quý giá vô cùng".
"Giải Mai Vàng đã "rửa mặt" cho tôi"
Trên chặng đường hình thành và phát triển của Giải Mai Vàng, các nghệ sĩ tham gia tọa đàm đều không quên nhắc đến giải thưởng tiền thân của Giải Mai Vàng. NSƯT Thành Lộc tâm sự: "Nếu tính luôn 4 lần tổ chức giải "Bình chọn văn nghệ sĩ được yêu thích nhất năm", từ năm 1991, thì Giải Mai Vàng đã 29 tuổi. Bản thân tôi trưởng thành theo từng số năm của giải thưởng này. Bởi, giải thưởng do người lao động bình chọn và nghệ sĩ chúng tôi cũng là người lao động bằng con tim khối óc của mình, bằng sự thăng hoa cảm xúc. Thời kỳ Giải Mai Vàng ra đời, nhiều cơ quan truyền thông, báo chí cũng tổ chức các giải thưởng tương tự, nhưng tồn tại đến 25 năm phải nói chỉ có Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động. Chính người lao động bình chọn giải thưởng cho người lao động nghệ thuật nên tiêu chí đó đã giúp Giải Mai Vàng tồn tại cho đến bây giờ. Nghệ sĩ chúng tôi, những người đoạt giải những năm đó, không phải kêu gọi người hâm mộ bầu chọn, đề cử cho mình. Kết quả đều từ những lá phiếu của anh chị em công nhân gửi về và quý làm sao khi kết quả thực tế đó tạo được sự đồng thuận chung từ giới chuyên môn cho đến khán giả cả nước".
Qua 9 lần nhận giải, NSƯT Thành Lộc có 2 lần đoạt giải với vai trò đạo diễn 2 tác phẩm lớn: "Ngàn năm tình sử" và "Tiên Nga". Anh khẳng định: "Giải Mai Vàng đã "rửa mặt" cho tôi. Vì tôi không có bằng cấp đạo diễn, mà thời đó người ta không công nhận vì tôi chỉ dàn dựng vở theo kinh nghiệm của diễn viên. Do vậy, Giải Mai Vàng trao cho vai trò đạo diễn đã giúp tôi vững niềm tin hơn khi làm công tác này".
NSƯT Thành Lộc phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: TẤN THẠNH
Trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn
Với MC Thanh Bạch: "Giải Mai Vàng 2004 và 2005 cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là hành trang dệt thêm nhiều giấc mơ đẹp về nghệ thuật dẫn chương trình. Sau 2 năm nhận giải, tôi đã xin phép công chúng thôi đề cử cho mình những năm sau để dành giải thưởng này động viên lớp đàn em. Tôi cảm nhận được là từ 2 giải thưởng Mai Vàng, mình trở nên bản lĩnh hơn trong nghề nghiệp".
Nghệ sĩ Thúy Nga kể rằng cô từng mê đắm vở cải lương "Đời cô Lựu", không ngờ trong đời làm nghề lại được vinh dự ngồi trong chương trình tọa đàm với 3 nghệ sĩ của vở này là Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ Thủy. "Tôi càng thấy mình trưởng thành, có thêm động lực để tái tạo những chất liệu mới, làm giàu hơn nghề nghiệp của mình từ Giải Mai Vàng năm 2003 dành cho vai bà lão trong vở "Cầu duyên", vai này tôi cũng đoạt giải tại Gala cười do VTV3 tổ chức".
Ca sĩ NSƯT Vân Khánh nói: "Tôi mê làm diễn viên cải lương, nhưng gia đình không cho vào TP HCM lập nghiệp một mình vì sợ bị hư hỏng. Tôi học thanh nhạc tại Huế nhưng khi vào TP HCM sinh sống, lại được diễn chung với nhiều nghệ sĩ đã đoạt Giải Mai Vàng, một giải thưởng uy tín mà tôi từng mơ ước. Nhưng niềm mơ ước ấy đã đến, năm 2006, tôi vinh dự nhận giải Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca được yêu thích nhất với ca khúc "Neo đậu bến quê" của nhạc sĩ An Thuyên. Từng ấy năm trôi qua, khi xem lại hình ảnh thân thương ngày mình nhận giải, tôi thấy như mới ngày hôm qua. Từ giải thưởng này, tôi thấy mình như được nâng bước chân đến với nghề vững vàng hơn".
Buổi tọa đàm khép lại với ca khúc "Vui đời nghệ sĩ" của nhạc sĩ Văn Phụng, do ca sĩ NSƯT Vân Khánh hát cùng các nghệ sĩ thay cho lời tri ân bạn đọc Báo Người Lao Động, những người nuôi dưỡng Giải Mai Vàng 25 năm qua. Chương trình này sẽ được phát sóng trên Báo điện tử Người Lao Động trong thời gian tới. Bạn đọc nhớ đón xem.
Mong có đủ nghệ sĩ các lĩnh vực nhận giải
NSƯT Thành Lộc hy vọng Giải Mai Vàng từ năm 2021 sẽ có đợt cải tiến. Theo anh, ban tổ chức cần tách bạch hạng mục diễn viên điện ảnh, diễn viên truyền hình, cũng như diễn viên kịch nói và diễn viên cải lương. Vì một năm lao động nghệ thuật vất vả, sự ghi nhận của khán giả - bạn đọc đối với từng bộ môn rất cần phân bổ đầy đủ và đúng vị trí. Có năm gom chung diễn viên cải lương và kịch nói thành hạng mục diễn viên sân khấu thì xem ra không khách quan với nghệ sĩ cải lương.
Theo góp ý của NSND Minh Vương, nên mở rộng thêm hạng mục diễn viên xiếc, ảo thuật, biên đạo múa. Theo ông, họ là những người lao động nghệ thuật thiệt thòi. Có thể sẽ ít phiếu bầu chọn nhưng sự động viên của Giải Mai Vàng sẽ là niềm khích lệ lớn cho bước đường phấn đấu dấn thân với ngành nghề hiếm có dịp chạm tay đến tượng Mai Vàng.
Đơn vị tài trợ:
Bình luận (0)