xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Liên hoan phim quốc tế TP HCM, sao không?

Minh Khuê

TP HCM đang là trung tâm của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, việc có một liên hoan phim quốc tế mang thương hiệu riêng là điều cần thiết, theo xu thế chung

Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - thông tin TP HCM đang chuẩn bị tổ chức liên hoan phim (LHP) ngắn, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12-2019. Đây là thành quả không dễ có được sau những nỗ lực đề xuất không ngừng của TP HCM - một bước đệm cho hành trình thực hiện LHP quốc tế mang thương hiệu TP HCM, góp phần vào sự phát triển bền vững của điện ảnh nước nhà trong tương lai.

Chặng đường 13 năm gian nan

So với các lĩnh vực nghệ thuật khác, điện ảnh được xem là ăn nên làm ra, mang lại lợi ích không nhỏ về giá trị văn hóa và đóng góp không ít cho ngân sách. TP HCM là trung tâm điện ảnh của cả nước với tổng doanh thu phim Việt 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 700 tỉ đồng (năm 2018 là 750 tỉ đồng). Hoạt động sản xuất phim mỗi năm lại ngày càng sôi động, chủ yếu tập trung ở địa bàn TP HCM với số lượng ngày càng tăng, 40-50 phim mỗi năm, đưa tỉ lệ phim nội chiếm 34% thị phần ở Việt Nam (6 tháng đầu năm 2019), không ít phim trong số đó đến các LHP khu vực tranh tài.

Liên hoan phim quốc tế TP HCM, sao không? - Ảnh 1.

Diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Quang Dũng cùng phim “Tháng năm rực rỡ” của Việt Nam tham gia Liên hoan Phim quốc tế Tokyo (TIFF) 2018. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Tuy nhiên, dù là "thủ phủ" của điện ảnh cả nước, TP HCM chưa có một LHP nào làm thương hiệu cho mình. Để có được LHP ngắn sắp diễn ra, Hội Điện ảnh TP HCM cũng trải qua rất nhiều khó khăn. Bà Dương Cẩm Thúy cho biết từ năm 2006, Hội Điện ảnh TP HCM đã có đề án đề xuất tổ chức LHP quốc tế tại TP HCM, được Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP đồng ý. Tuy nhiên, khi gửi đề án lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì không được sự đồng thuận bởi Luật Điện ảnh khi đó quy định địa phương không được tổ chức LHP nói chung. Đến năm 2010, LHP quốc tế của Việt Nam được tổ chức nhưng địa điểm lại là Hà Nội. "TP HCM là nơi tập trung nguồn lực điện ảnh cả nước, có thế mạnh nhưng lại không có sinh hoạt nghề nghiệp tầm cỡ như LHP, tôi thấy rất buồn" - bà Dương Cẩm Thúy bày tỏ. Theo bà, nhiều thành phố ở các nước có nền điện ảnh phát triển xây dựng thành công LHP và tạo được thương hiệu văn hóa đặc trưng như: LHP Cannes, LHP Toronto, LHP Busan, LHP Tokyo, LHP Thượng Hải... Mỗi khi nhắc đến LHP là công chúng và người trong giới lại nhớ đến từng thành phố đã tạo dựng thành công thương hiệu LHP của mình. Đây cũng là hoạt động thu hút du khách cho các thành phố đó mỗi kỳ liên hoan diễn ra.

Không từ bỏ kế hoạch tổ chức LHP cho TP HCM, năm 2016, Hội Điện ảnh TP HCM lại đề xuất nhưng đổi thành LHP ngắn TP HCM. Sau một vài lần trình đề án, đến năm 2019, Hội Điện ảnh TP HCM chính thức được phép tổ chức LHP ngắn TP HCM. "Ban đầu, tôi khá ngạc nhiên nhưng sau đó biết dự thảo sửa đổi Luật Điện ảnh có quy định xã hội hóa việc thành lập, đăng cai, tổ chức LHP quốc tế. Có lẽ, điều này giúp LHP ngắn TP HCM được thông qua. Tôi nghĩ đây là bước đệm, nếu quyết tâm, thời gian tới, chúng ta có thể làm LHP quốc tế mang tên TP với những dấu ấn đặc trưng tạo thương hiệu riêng như nhiều LHP quốc tế nổi tiếng khác đã làm được" - bà Dương Cẩm Thúy tin tưởng.

Phải tạo điểm nhấn khác lạ

Hầu hết người trong giới đều ủng hộ sáng kiến tổ chức LHP quốc tế ở TP HCM. Theo giới chuyên môn, TP HCM đang khát khao xây dựng thương hiệu văn hóa đặc trưng, trong lúc điện ảnh TP HCM đang trên đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc xây nên thương hiệu LHP quốc tế không phải vấn đề khó khăn. "TP HCM là nơi sinh sống và làm việc của nhiều người làm nghề điện ảnh, cũng là nơi tập trung các hãng sản xuất phim. Đây còn là thành phố trung tâm, thuận tiện về mặt giao thông quốc tế nên rất thuận lợi cho việc thu hút khách quốc tế đến tham dự LHP. TP HCM còn có các dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu phim... khá đa dạng và chất lượng tốt nên sẽ có khả năng phục vụ được nhu cầu của khách tham dự các hoạt động trong khuôn khổ LHP. Đó là những điều kiện sẵn có của TP HCM nhưng để tổ chức LHP thành công, chúng ta cần học hỏi nhiều ở các LHP quốc tế khác" - nhà sản xuất phim Vũ Quỳnh Hà cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành phim của CGV Việt Nam, cho rằng: "Nếu quyết tâm, TP HCM sẽ tổ chức được LHP quốc tế. Nhưng muốn thành thương hiệu phải tạo điểm nhấn khác lạ, thu hút. Đây không phải điều dễ vì trong khu vực cũng có không ít LHP quốc tế, như LHP quốc tế Singapore, LHP quốc tế và giải thưởng Macau được sáng lập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa tạo được sức hấp dẫn riêng".

Theo các nhà chuyên môn, với tốc độ phát triển của điện ảnh Việt Nam như hiện nay, việc có một LHP quốc tế mang dấu ấn TP HCM là điều cần thiết bởi không chỉ vì lợi ích của TP HCM mà còn vì lợi ích bền vững, lâu dài của cả ngành công nghiệp lợi nhuận cao này. 

Lễ hội Áo dài TP HCM cần được nâng cấp

Lễ hội áo dài đang trở thành nét văn hóa riêng của TP HCM, tác động tích cực đến đời sống văn hóa và ít nhiều tạo được tiếng vang, sau 6 lần tổ chức. Dù vậy, để hành trình tôn vinh trang phục áo dài truyền thống của người Việt Nam, đồng thời tạo nên thương hiệu thu hút du khách trong và ngoài nước đến với TPHCM - theo giới chuyên môn - Lễ hội Áo dài TP HCM cần cải thiện nhiều từ nội dung đến hình thức tổ chức.

"Một lễ hội muốn thu hút khách nước ngoài thì trước hết phải thành công và thu hút khách trong nước. Hiện mỗi lần tổ chức, lễ hội áo dài vẫn chưa tạo được hiệu ứng mạnh. Có lẽ do chúng ta chưa có một kế hoạch, chiến lược sâu và rộng" - nhà thiết kế Thuận Việt đánh giá.

Thực tế, Lễ hội Áo dài TP HCM mới chỉ diễn ra gói gọn trên một số sân khấu hoặc vài tuyến đường. Trong khi đó, để có thể tạo nên hiệu ứng đồng bộ, lễ hội này cần phải đi sâu, rộng hơn vào trường học, công sở, công ty, xí nghiệp. Các nhà chuyên môn cho rằng thay vì mời các nhà thiết kế nước ngoài tham gia thiết kế áo dài không hiệu quả như đã thấy, ban tổ chức có thể tổ chức cuộc thi mặc áo dài đẹp cho người nước ngoài đang sống và làm việc hoặc du lịch tại Việt Nam, theo hình thức tiện lợi và hiệu quả nhất. Báo chí luôn sẵn lòng hỗ trợ truyền thông rộng rãi đến công chúng nhưng bản thân lễ hội phải có nội dung và nâng cao chất lượng hơn.

T.Trang

Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa nhờ tầm nhìn của lãnh đạo

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, nhớ lại trước năm 2008, lãnh đạo TP xác định cuộc thi bắn pháo hoa là một phần trong chặng đường phát triển văn hóa - du lịch, trở thành "đặc sản" của Đà Nẵng. Người khởi xướng đề án cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng là cố Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Đề án này được trình lên Thủ tướng Chính phủ và được thông qua. Sự kiện cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng đã chính thức diễn ra năm 2008, tính đến nay đã tổ chức được 11 năm.

13-phao-hoa

Cảnh trong Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. (Ảnh do BTC cung cấp)

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng (DIFF) đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa, du lịch và giải trí hàng đầu tại Việt Nam, không chỉ góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch và cải thiện đời sống người dân Đà Nẵng, gia tăng trải nghiệm cho du khách khi tới Đà Nẵng, mà còn góp phần không nhỏ xây dựng nên hình ảnh Đà Nẵng trẻ trung, hấp dẫn trong mắt du khách trong và ngoài nước, đưa cái tên Đà Nẵng lan rộng và tỏa sáng trên trường quốc tế.

B.Vân

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-8

Kỳ tới: Cần sự quyết tâm

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo