Từ khi nghệ sĩ (NS) Thanh Tú lâm bệnh tai biến dẫn đến liệt nửa người, NS Trang Bích Liễu ngày đêm chỉ biết chăm sóc chồng. Các bạn đồng nghiệp đến nhà thăm đều rơi nước mắt khi thấy bà lo lắng cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ. Biết ông nhớ sân khấu, nhớ khán giả, bà thường ngồi bên ông ca lại những bài vọng cổ rồi cả hai cùng khóc vì nhớ nghề.
Nương tựa nhau đến cuối cuộc đời
Thú nhận mình là NS có một đời phiêu lãng, NS Thanh Tú vẫn thường nói sau 3 lần hôn nhân gãy đổ ông đã tìm được bà, góp nhặt từng mảnh vụn buồn vui trên mỗi phận đời sân khấu để tìm thấy hạnh phúc đúng nghĩa cho mình. Bà còn nhắc lại chuyện ông bị má vợ từ chối, không gả con gái vì ông đã có 3 đời vợ, khiến ông buồn, uống thuốc ngủ tự tử. "Ông ấy nói định mệnh đã đưa chúng tôi đến với nhau và sẽ nương tựa nhau cho đến cuối cuộc đời" - NS Trang Bích Liễu cười mãn nguyện.
Bà vốn người miền Tây sông nước, sinh trưởng trong một gia đình bề thế có truyền thống lấy đạo lý làm nền tảng. Ước nguyện đến được với sân khấu đã giúp bà vượt qua mọi trắc trở, miệt mài tu nghiệp, khổ luyện học hành trong từng lời ca, câu thoại khi được sự dìu dắt của các thầy cô lừng danh: NSND Phùng Há, NSND Năm Châu, Duy Lân, Kim Cúc, Chín Trích, Năm Cơ… Bà đã thành đạt trong sự nghiệp nghệ thuật từ năm 1971, khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM), được tuyển về đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Diệp Nam Thắng. Để rồi bà gặp ông khi ấy đã là một kép nổi tiếng không chỉ trên sàn diễn mà còn trên màn bạc.
Vợ chồng nghệ sĩ Trang Bích Liễu - Thanh Tú
Từ những vai diễn hay như những hạt giống gieo cảm xúc sâu trong tâm hồn khán giả, từ nội tâm của người nặng lòng đam mê nghệ thuật cải lương, bà được giới chuyên môn đánh giá là "cô đào trẻ của đợt sóng mới". Các vai diễn dành cho bà đều để lại ấn tượng đậm nét trong các tác phẩm: "Hòn đảo Thần Vệ Nữ", "Đôi mắt tình yêu", "Khói sóng Tiêu Tương", "Vợ và tình", "Sân khấu về khuya", "Màu xanh mái tóc"...
"Vốn sống phong phú của ông nhà tôi là cơ duyên giúp tôi thể hiện các vai diễn khó. Ông không muốn tôi dễ dãi với nghề nên trong cách chỉ dạy, phân tích có sự khắt khe. Sự khắt khe đó là cái chính yếu để mỗi vai diễn của tôi đơm hoa kết trái ở mãi trong lòng người xem, thậm chí làm hành trang trong đời sống tinh thần của chính tôi mỗi khi nhắc về nghề hát" - bà bày tỏ.
Vào thập niên 1970, cặp đào kép Thanh Tú - Trang Bích Liễu được công chúng đón nhận như một hiện tượng mới của sân khấu cải lương. Ông nổi tiếng từ màn bạc nên cuốn hút khán giả trẻ thời ấy. Còn bà trở thành biểu tượng thời trang của khán giả qua tạo hình các nhân vật trong những vở tuồng tâm lý xã hội, mẫu thời trang nào nhân vật của bà mặc, lập tức trở thành mốt của số đông khán giả nữ. Bà đem vào những lời thoại hơi thở, suy nghĩ của giới trẻ đương đại, nên các vở cải lương có sự xuất hiện của bà được yêu thích vì chất thanh xuân tươi trẻ đó.
Nói về giọng ca của bà, NSND Lệ Thủy cho rằng chỉ từ trong nỗi buồn mới cảm nhận được niềm vui lan tỏa. Giọng của Trang Bích Liễu buồn mà không rã rời, buồn mà không hất vọng. "Trong cách ca luôn ánh lên sự lãng mạn, hy vọng vươn tới đỉnh thương yêu" - NSND Lệ Thủy nhận xét.
Thế rồi bà song hành bên ông, tiền hợp đồng của cả hai cứ tăng vọt, các đại ban, gánh hát tranh nhau mời cặp đôi về trụ, có nhiều bài báo thời đó còn ghi dòng tựa lớn "cặp gà đẻ trứng vàng cho các ông bà bầu" để chỉ sự ăn khách của họ.
Đời nghệ sĩ có gì hơn được thăng hoa
Con người ta khi có danh, có tiền là thường muốn vươn lên làm quản lý. Ông bà Thanh Tú - Trang Bích Liễu cũng không tránh khỏi ham muốn đó nên lao vào cơn lốc xoáy làm bầu. "Ba lần làm chủ gánh hát, 3 lần mang nợ. Của cải, nhà cửa cứ đội nón ra đi" - bà kể trong xót xa.
Dường như vợ chồng bà không có tay kinh doanh. Thời gian sau này mở quán NS cũng 3 lần thất bại. Phải bán luôn ngôi nhà từ đường của má vợ để lại mới trả hết nợ, đó cũng là lúc Thanh Tú lâm bệnh.
Bà vẫn thường tự an ủi rằng "lãi suất" mang về cho mình là những hạt giống đã gieo vào lòng người qua tiếng đàn, lời ca, qua sự hóa thân vai diễn để kết nối, mở rộng vòng tay mọi thương yêu. "Thực tế thì vợ chồng tôi lời lắm đó. Nhiều vở tuồng, vai diễn được làm theo ý của mình. Đời NS có gì vui hơn phút giây thăng hoa. Chúng tôi đã có một đời cống hiến, "chơi" hết mình với nghề" - bà cười mãn nguyện.
Bà tâm sự vẫn nhớ nghề lắm. Gần đây nhất là khi tái diễn vở "Giấc mộng đêm xuân", đứng trên sân khấu, bà cảm thấy thương và mến phục nghề của mình. Bao lần khiến bà đau khổ, rồi bao lần lại cho bà tìm lại được hạnh phúc.
"Tôi mang vào vai diễn của mình những ký ức của tình yêu đẹp mà chúng tôi có được. Với tôi, nhân vật sân khấu của đời NS phải là nơi mình gửi gắm những thông điệp yêu thương của chính mình" - bà trải lòng.
Dành tình thương cho chồng, con
Trong cuộc sống vợ chồng, bà dành nhiều tình thương cho cả các con riêng của chồng. Ngày cưới của những người vợ trước, bà và ông đều đến dự. Hôn nhân, đám tiệc của các con, bà và ông vẫn đứng ra lo liệu. Không để miệng đời thị phi cảnh "mẹ ghẻ con chồng", bà dung hòa mọi thứ để gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.
Với quan niệm cuộc sống của con người không thể thiếu yêu thương, bà trải lòng mình trong việc chăm sóc ông, biểu lộ cảm xúc của trái tim qua mỗi lời ca khi giúp ông tích cực điều trị bệnh tai biến. "Hôm chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động đến thăm, ông ấy ca được vài từ của vai Nhuận Điền trong vở "Bên cầu dệt lụa" khiến tôi tối đó mất ngủ vì hạnh phúc" - bà xúc động tâm sự.
Bình luận (0)