Sau khi thành hit, Để Mị nói cho mà nghe được đưa vào đề tài văn học
Thật ra, việc nhiều ca khúc "hit" của Vpop cũng đi vào đề thi môn ngữ văn của một số trường THPT không mới. Trước đó, khán giả từng thấy những ca khúc như "Thái Bình mồ hôi rơi" của Sơn Tùng M-TP xuất hiện trong đề thi văn khảo sát lớp 9 vào Trường THPT thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình; hay "Lạc trôi", "Việt Nam tôi", "Ông bà anh", "Để Mị nói cho mà nghe",…
Ca khúc ào ạt vào đề thi
Việc vài ca khúc hit trên thị trường nhạc Việt được một số trường sử dụng làm đề thi môn Ngữ văn ít nhiều tạo thú vị. Bởi lẽ, sự phổ biến trên diện rộng của những ca khúc này sẽ trở nên gần gũi hơn với học sinh. Hiệu ứng domino, thí sinh sẽ dễ dàng phân tích, thể hiện quan điểm cá nhân với một tác phẩm. Dù vậy, về mặt chuyên môn, nhiều ý kiến trái chiều cũng diễn ra quanh việc lấy ca khúc hit làm đề thi.
Ví như đoạn đề thi: "Trong bài hát "Thái Bình mồ hôi rơi" của nam ca sỹ Sơn Tùng M-TP có câu hát: Chạy theo đam mê con sợ con quên đi quê hương. Quên mất một điều tuyệt vời con mãi là người con Thái Bình, là con bố mẹ. Hãy viết một bài viết ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề gợi ra từ câu hát". Nhiều ý kiến đặt ra: "Thái Bình mồ hôi rơi" có gì độc đáo về ngôn ngữ văn học để được vào đề thi? Bao nhiêu bài hát về Thái Bình hay sao không chọn, lại chọn sáng tác của Sơn Tùng M-TP?" Trước đó, ca khúc "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP cũng từng là đề thi khảo sát chất lượng THPT Quốc gia lần 3 năm học 2016-2017 của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, tạo tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều.
Đỉnh điểm, đề thi gây tranh cãi dữ dội nhất là trường hợp ca sĩ Chi Pu trong đề kiểm tra học kỳ I năm học 2017-2018, môn Ngữ Văn- Lớp 10, Trường THPT Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ). "…Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV "Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ". Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội (…) Mặc cho dư luận "ném đá", Giọng ca "Từ hôm nay" cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện cô vẫn tập luyện thanh nhạc để chứng minh con đường mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ cho ra mắt một MV. Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV "Từ hôm nay". Hàng loạt những phản ứng trái chiều diễn ra quanh đề thi này nhưng gây chú ý nhất là bình luận: "Chi Pu nên khẩn trương kết nạp người ra đề thi vào fan club của mình. Fan cứng là đây chứ đâu!"
Chi Pu làm ca sĩ cũng được đưa vào đề thi văn gây "hoang mang" dư luận
Trong đề thi kiểm tra học kỳ I lớp 10, năm học 2019-2020, môn Văn của Trường THPT Tam Hiệp, tỉnh Đồng Nai với đoạn trích trong bài hát "Việt Nam tôi", câu hỏi đặt ra với học sinh là "Lời bài hát đem đến cho anh/chị cảm xúc gì? Anh chị hiểu như thế nào về hai câu thơ: "Hào khí cha ông ta muôn đời bao la/Bao la nước non quê hương Việt Nam ơi". Nhưng đã có học sinh hỏi lại: "Thật sự em không hiểu hai câu hát "Thề khó khăn gian nguy nào/Hiên ngang bước chân ta về"? có nghĩa gì. Nhiều ý kiến đồng thuận: "Một câu diễn đạt tối nghĩa"
"Nhạy bén" hay "bế tắc"
Việc lấy một ca khúc ăn khách làm đề thi thực sự "nghiêm trọng" đến mức trở thành đề tài bàn tán rôm rả trên nhiều diễn đàn. Có không ít ý kiến tích cực hơn khi cho rằng lấy ca khúc hit làm đề thi thể hiện sự cởi mở của ngành giáo dục, vượt ra khỏi khuôn mẫu của đề thi môn văn từ xưa đến nay. Mong muốn của một số trường THPT là rất tốt, đưa cái gần gũi, cái học trò hiểu nhất vào đề thi. Nhiều ý kiến cho rằng ở một nước trên thế giới, thỉnh thoảng một vài ca khúc cũng được đưa vào đề thi. Thế nhưng, những ca khúc được chọn đều rất xuất sắc như không "thích" thì đưa vào như ở Việt Nam.
Nhiều phản ứng cho rằng có những bản nhạc hit nhưng nó lại không có giá trị gì về mặt văn chương
Câu hỏi đặt ra, việc sử dụng ca khúc hit trên thị trường âm nhạc thành đề thi liệu có cần thiết? Đã có không ít ý kiến cho rằng có vẻ như điều này đang chứng minh cho sự mất phương hướng trong giảng dạy nhiều hơn là nhạy bén với thời cuộc.
Giới chuyên môn nhận định văn học có tiêu chí của chủ nghĩa nhân văn, của cái đẹp. Thế nên, việc đưa một số ca khúc hit của thị trường âm nhạc vào làm đề thi văn khó chấp nhận. Bởi suy đi xét lại, lời ca của những ca khúc này không thật xuất sắc. Đó là chưa kể những điểm bất hợp lý hay tối nghĩa thường thấy trong nhiều ca khúc nhạc trẻ hiện nay. Nhiều nhạc sĩ cố nhét cho có vần có điệu nhưng lại không có ý nghĩa gì.
Thế nên, đưa những điều tối nghĩa rồi buộc học sinh phải phân tích thì điều họ nhận lại là gì? Thông điệp gởi đi là gì? Phân tích những điều đó để làm gì? Thậm chí, nhiều ý kiến còn gắt gao: "Mượn tác động của ca khúc thời thượng là một thất bại của văn học. Hay " Văn chương là cái cốt, là "mẹ đẻ". Chứ văn chương không phải mượn đôi cánh của ca khúc "hit" mới bay được" như ý kiến của nhà thơ Trần Nhương.
Thậm chí có nhiều câu tối nghĩa như Việt Nam tôi nên việc trở thành đề thi văn là điều rất khó hiểu
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trên diễn đàn và đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể hay một giải pháp triệt để. Bởi thỉnh thoảng, vì lý do nào đó, một vài ca khúc hit lại tiếp tục được đưa vào đề thi. Ở một khía cạnh khác, thực tế này đang khắng định văn hóa đọc, thói quen đọc sách của người trẻ đang báo động đỏ. Họ có thể không biết một tác phẩm văn học xuất sắc nào nhưng thuộc tất cả các bản hit của Vpop. Và để tiếp tục xu thế, người ra đề cũng phải chạy theo sở thích của học sinh. Thế nhưng, giáo dục chính là định hướng. Sự dễ dãi này có thể tạo nên những hệ quả khôn lường.
Bình luận (0)