Bốn vở diễn sân khấu kịch nói và cải lương được đề cử tranh Giải Mai Vàng 2019 là "Bông hồng cài áo" (mã số bầu chọn: 36), "Chuyện tình Khau Vai" (37), "Diều ơi" (38), "Giấc mộng đêm xuân" (39). Chưa biết tác phẩm nào đoạt tượng Mai Vàng nhưng đối với 5 đạo diễn dựng vở, họ đã nỗ lực mang lại cho khán giả sự hài lòng.
Chuộng hình thức dàn dựng mới
Là tác phẩm sân khấu cải lương được NSND Trần Ngọc Giàu chăm chút, "Giấc mộng đêm xuân" đến với đông đảo công chúng qua 3 đợt tái diễn tại Nhà hát TP và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đều tạo được dấu ấn đẹp. NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Dấu ấn đẹp của vở chính là đạo diễn chọn hướng dàn dựng bằng hình thức mới, đòi hỏi sự khổ luyện của toàn thể diễn viên tham gia".
Từ trái sang và trên xuống: Cảnh trong vở “Bông hồng cài áo” (mã số 36), “Chuyện tình Khau Vai” (37), “Diều ơi” (38), “Giấc mộng đêm xuân” (39)
Theo nhà báo Linh Đoan: "Giấc mộng đêm xuân" là kịch bản mang nhiều chất tự sự, trữ tình đặc trưng của sân khấu cải lương. Qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn, người xem có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp chân chất của cải lương xưa. Đó là hình ảnh một đêm diễn của gánh hát sống đời gạo chợ nước sông; những phông màn cũ, xoay đèn màu thủ công; cảnh người xem là giới thượng lưu quăng quạt thưởng tiền cho đào, kép khi họ ưng ý… Nghệ sĩ tham gia vở diễn hầu hết là những giọng ca hay, có khả năng diễn xuất tốt như: NSND Thanh Ngân, NSƯT Trọng Phúc, Lê Tứ, Quỳnh Hương, Thu Vân… nên khán giả rất "đã mắt và đã tai".
Một vở cải lương khác ghi dấu ấn trong năm nay là "Chuyện tình Khau Vai" của Sân khấu mới Đại Việt. Theo NSƯT Ca Lê Hồng, thành công của "Chuyện tình Khau Vai" chính là hội đủ các yếu tố mới trong dàn dựng: tính định hướng, tính nghệ thuật và cả yếu tố thị trường. Người xem cảm nhận chất văn học đậm đà trong vở diễn, âm nhạc cải lương có phần hiện đại, phong cách ca diễn cũng hoàn toàn mới.
Nhà báo Linh Đoan cho rằng "Chuyện tình Khau Vai" là một thử thách với các nghệ sĩ cải lương miền Nam khi phải thể hiện cho ra chất mộc mạc rất riêng của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, nhờ chuyến đi thực tế đặc biệt, các diễn viên vào những vai chính đã biết cách khai thác, thể hiện nhân vật chân thật và thuyết phục. Ngoài chăm chút cho diễn xuất của diễn viên, "Chuyện tình Khau Vai" còn gây được ấn tượng đẹp vì thấm đẫm màu sắc văn hóa dân tộc trong vở diễn. Âm nhạc, cảnh trí, trang phục, các điệu múa… có sự đầu tư kỹ lưỡng để chuyển tải xác thực nhất nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc miền núi phía Bắc.
Với nhà báo Thúy Bình, tác phẩm được ê-kíp tư duy mới trong dàn dựng, thiết kế và trang trí sân khấu; sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng, tài năng diễn xuất của diễn viên... giúp bảo đảm các tiêu chí về nội dung, nghệ thuật, tính thẩm mỹ, sự tươi mới, hấp dẫn.
Hương vị mới
Vở kịch nói "Diều ơi" do đạo diễn - NSƯT Hữu Quốc và đạo diễn Vũ Trần dàn dựng tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. NSƯT Ca Lê Hồng đánh giá đó là một bước tiến mới của đạo diễn khi góp phần làm cho sân khấu 5B sáng đèn và thu hút khán giả. Giữ được chất mộc mạc, trữ tình là nét chủ đạo đáng quý của vở.
"Tác phẩm được dàn dựng chân phương, thể hiện được nét đẹp rất riêng của câu chuyện tình yêu, tình mẹ con, tình cảm gia đình nơi quê nghèo. Đạo diễn Hữu Quốc rất khéo khi biết khai thác thế mạnh của từng nghệ sĩ, diễn viên lúc "chọn mặt gửi vàng" trong bảng phân vai nhân vật. Đặc biệt, khán giả rất thích những màn diễn xuất của NSƯT Thoại Mỹ (Nhớ), NSƯT Quỳnh Hương (bà Hai) và bé Gia Hân (bé Diều lúc nhỏ), những cung bậc cảm xúc mà các nghệ sĩ truyền lại cho khán giả đã khiến không ít người rơi lệ, thương cảm cho cuộc sống và thân phận của những con người nơi quê nghèo phải chịu quá nhiều uẩn ức của cuộc đời" - nhà báo Thúy Bình nhận xét.
Vở "Bông hồng cài áo" của đạo diễn Ái Như dàn dựng trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng mang lại sự thích thú vì hương vị mới, đầy cảm xúc cho người xem. Nhà báo Linh Đoan cho rằng "Bông hồng cài áo" không chỉ tạo ấn tượng với 2 nhân vật bà mẹ do Ái Như thể hiện mà còn gây cảm tình với khán giả qua cách dàn dựng của chị. Với bản dựng này, chị và nghệ sĩ Thành Hội luôn chứng tỏ sự chuẩn bị kỹ càng và nghiêm túc trong dàn dựng: mài chuốt rất kỹ những phân đoạn diễn tả tâm lý nhân vật, khai thác sâu vào chi tiết để đem đến cho người xem những lớp diễn chân thật, cảm xúc, đi vào lòng người xem.
Chưa biết vở nào trong 4 vở diễn này may mắn sở hữu tượng Mai Vàng năm nay nhưng những nỗ lực không ngừng tìm tòi sáng tạo của mỗi ê-kíp đã được công chúng sân khấu ghi nhận. Đó là giá trị tinh thần rất lớn cho các nghệ sĩ và sàn diễn trong thời buổi sân khấu còn lắm khó khăn.
Bình luận (0)