"Sau nhà lầu, xe hơi đắt tiền phải là tranh". Đó là quan niệm đang dần thành hình trong cuộc sống hiện tại của những người Việt giàu có, sung túc. Cuộc sống đủ đầy, nhiều người bắt đầu nâng cấp bản thân, hướng đến những gì có giá trị về văn hóa hơn. Trong đó, tác phẩm mỹ thuật là một lựa chọn.
Tài sản làm sang, sinh lợi
Ca sĩ Hồng Nhung nhìn nhận: "Đó là một trào lưu làm sang đầy tính tích cực. Nhiều người ngày càng hiểu biết hơn và họ bắt đầu học cách thưởng thức mỹ thuật cũng như âm nhạc. Tất nhiên, để đạt đến trình độ thưởng thức một cách sâu sắc mỗi tác phẩm mỹ thuật thì cần nhiều thời gian. Cái gì cũng phải từ từ và ở giai đoạn đầu này, sự thưởng thức vẫn còn loạng choạng nên cũng chưa thể nhận biết hay thẩm thấu giá trị nghệ thuật một cách chuẩn xác. Nhưng với những gì đang diễn ra, đó là một dấu hiệu tốt, cho thấy công chúng nghệ thuật bắt đầu sàng lọc dần những thứ không giá trị để tìm đến những gì giá trị hơn như mỹ thuật".
Thực tế, nhiều người chơi tranh hiện nay thừa nhận họ không biết nhiều về tranh. Thế nhưng, khi đã ưa thích và để tâm đến tranh, người ta sẽ dành thời gian tìm hiểu, khám phá, từ đó giúp họ thẩm thấu cái đẹp của hội họa một cách dễ dàng.
Đấu giá từ thiện bức tranh "Rừng U Minh" của họa sĩ Hồ Minh Quân tại chương trình "Vết sẹo cuộc đời 6"
"Cùng một bức tranh, hôm nay xem có thể chúng ta chưa thấy điều gì nhưng ngày mai thì lại cảm nhận nhiều điều mới mẻ. Khi xem một bức tranh, tôi có thể sáng tác một bản tình ca nhưng nhạc sĩ khác có thể cho ra một bản nhạc rock. Cứ bắt đầu đi thì ngày mỹ thuật hội họa trở thành quen thuộc với công chúng sẽ không xa" - nhạc sĩ Huy Tuấn tin tưởng.
Sở hữu những tác phẩm hội họa vô giá cũng là cách để nâng cấp giá trị của bản thân. "Đó cũng là một thứ trang sức thực sự", như quan niệm của nhiều người trong giới. Thực tế, nhiều người tìm đến với tranh còn như một kênh đầu tư tài chính sinh lợi. Việc một nhà sưu tầm tranh thế hệ thứ 5 sở hữu bức tranh vài ngàn USD, sau đó bán lại với giá vài chục ngàn USD là không hiếm. Kỷ lục mới về tranh Việt vừa được thiết lập tại phiên đấu giá thứ 12, diễn ra vào ngày 29-4 tại nhà đấu giá nghệ thuật Chọn. Theo đó, bức tranh "Thác bờ" của họa sĩ Nguyễn Huyến đã được mua với giá 280.000 USD. Tính thêm 11% thuế và 10%-15% chi phí của nhà đấu giá, người sở hữu bức tranh này phải trả khoảng 350.000 USD (hơn 8 tỉ đồng). Mức giá này đã tạo ra một mốc giá trị mới cho hội họa Việt Nam. Giới chuyên môn nhận định tác phẩm "Thác bờ" hội tụ nhiều yếu tố: giá trị mỹ thuật, giá trị biểu tượng ẩn họa, giá trị lịch sử dân tộc và giá trị tài sản đầu tư. Chính những yếu tố đó đã tạo nên giá trị vật chất lớn cho tác phẩm này.
Có khi bị "tranh chơi"
Theo giới chuyên môn, đầu tư vào tranh chẳng sợ lỗ khi giá trị tài chính của nó tăng tỉ lệ thuận với thời gian. Thế nhưng, kênh đầu tư nào cũng có những rủi ro, chơi tranh cũng không ngoại lệ. Vấn nạn tranh giả, nhái đang bùng phát theo sự nhộn nhịp của thị trường tranh. Vụ họa sĩ Nguyễn Rô Hùng bị xóa tên trên 2 bức tranh của ông, thay vào đó là chữ ký của họa sĩ Phạm An Hải gây xôn xao giới mỹ thuật cách đây không lâu; vụ hàng loạt tranh trong bộ sưu tập "Những bức tranh trở về từ châu Âu" của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung bị giới chuyên môn phát hiện phần lớn là tranh giả mạo tên tuổi các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam trong lần triển lãm tại Bảo thàng Mỹ thuật TP HCM vào tháng 7-2016... là minh chứng.
Người chơi tranh không phải ai cũng đủ kiến thức, trình độ hiểu biết để xác định được tác phẩm thật, giả hay nhái. Họ đến với tranh chỉ vì phong trào hay vì thấy đẹp thì mua. Chưa kể, việc giám định tranh ở nước ta vẫn chưa thật chuyên nghiệp. Vì sự hiểu biết nghệ thuật còn hạn chế nên lắm khi người chơi tranh bị "tranh chơi" vì mua phải hàng giả, nhái bán tràn lan ở Việt Nam. Mới đây, các họa sĩ phát hiện trên trang web xuongtranh.vn rao bán công khai tranh sao chép, tranh giả, nhái tác phẩm của một số họa sĩ với giá rẻ. Người mua chỉ cần xem tranh, ưng giá, điền thông tin thì sẽ có một bức sao chép (có cả chữ ký tác giả) với giá dao động 2-3 triệu đồng.
Theo người trong giới, để tránh mua phải hàng dỏm, người chơi tranh nên chọn những tác phẩm của các họa sĩ đương đại vì dễ dàng xác minh giá trị. Không nên đụng đến những tác phẩm của người xưa vì khó kiểm định được tranh thật, giả.
Công khai, minh bạch giá trị
Ở các nước phát triển, mua tranh (cùng với hoạt động từ thiện) được xếp vào hạng mục chi phí thương hiệu để khấu trừ thuế. Vì vậy, việc mua tranh giúp doanh nghiệp, cá nhân tránh được mức thuế cao. Hollywood từng làm nhiều bộ phim về các "ông trùm" giàu có đổ tiền mua tranh để trốn thuế.
Trong khi đó, ở Việt Nam, do chưa có những chế định tài sản cho tranh vì bộ máy kiểm định, định giá và bảo hiểm tác phẩm hội họa chưa hình thành nên các giao dịch về tranh chỉ diễn ra giữa người mua và bán, theo giá thỏa thuận. Những năm gần đây, khi nhiều nhà đấu giá xuất hiện, việc định giá tài sản tranh dần thành hình. Giá trị bức tranh cũng được công khai, minh bạch. Người mua tranh phải đóng thuế 11% cho tác phẩm mà họ sở hữu, điều đó có nghĩa tranh cũng thuộc hạng mục tài sản theo quy định của pháp luật. Vài ngân hàng ở Việt Nam như VietinBank đã chấp nhận tranh là một tài sản thế chấp để cho vay tín dụng. Trong nhiều cơ quan nhà nước, khi kê khai tài sản sở hữu có giá trị trên 50 triệu đồng, tranh cũng được xếp trong hạng mục cần khai báo. Điều đó khẳng định tranh hội họa đã là một phần trong chế định tài sản hiện nay.
Bình luận (0)