Nói đến thời phát triển rực rỡ của cải lương không thể không đề cập vai trò bầu gánh hát. Theo trí nhớ của ông Diệp Nam Thắng (tức bầu Xuân, chủ Đoàn hát Dạ Lý Hương), giới cải lương đều nể trọng 4 bầu: "Nhất Chưởng (Kim Chưởng), nhì Thơ (bầu Thơ), tam Long (bầu Long - Đoàn Kim Chung), tứ Út (Út Trà Ôn)". Đây là 4 ông - bà bầu đặt nền móng đầu tiên cho việc phát triển đoàn hát theo thương hiệu, sau thời các ông bà - bầu cứ tổ chức hát theo mùa thu hoạch lúa, mùa đi biển, chủ yếu là "canh tác" nhỏ lẻ ở làng nghề, nông thôn.
"Dát vàng" cho thương hiệu
Bà bầu Kim Chưởng khét tiếng là "lò luyện thép", sự nghiêm khắc của bà trong quản lý đoàn hát đã lăng-xê thành công nghệ sĩ (NS) Minh Chí thành "ông vua xàng xê", NSND Ngọc Giàu giọng ca "lụa trải nhung căng", NSƯT Phương Quang và NS Phượng Liên đoạt HCV Thanh Tâm năm 1966.
Bà bầu Thơ, NSƯT Thanh Nga, soạn giả Viễn Châu và ký giả Nguyễn Anh Ca sau suất diễn khai trương của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga Ảnh: TƯ LIỆU
Bà bầu Thơ quản lý Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga từ sau khi chồng là Lư Hòa Nghĩa qua đời. Đoàn hát của bà được xem là có tuổi đời dài nhất, chuyên diễn tuồng xã hội. Bà cũng được mệnh danh là "bà bầu của các ông - bà bầu" bởi các NS sau khi về đầu quân ở sân khấu của bà đều trở thành bầu gánh hát sau này.
Soạn giả kiêm bầu gánh Hương Mùa Thu - Thu An và NSƯT Ngọc Hương Ảnh: TƯ LIỆU
Ông bầu Long - chủ gánh Kim Chung - có đến 7 đoàn hát, vợ là NS Kim Chung, "chuyên trị" các vở tuồng kiếm hiệp màu sắc. Ông được xem là người "dát vàng" cho các tên tuổi NS có chất giọng trở thành ngôi sao của các hãng dĩa như: Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Tấn Tài, Thanh Hải, Diệu Hiền, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Chí Tâm, Thanh Kim Huệ…
NSND Kim Cương và bà bầu Kim Chưởng Ảnh: THANH HIỆP
Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn được mệnh danh là ngôi sao không thể vắng bóng trên sàn diễn. Là NS hay ở vị trí bầu gánh hát, ông đều thành công. Suất hát nào vắng ông, khán giả ùn ùn trả vé đòi lại tiền. Ông đã phát hiện, uốn nắn nhiều tài năng trẻ, dìu họ bước vào thế giới cải lương chuyên nghiệp như Diệu Hiền, Ngọc Hương, Bạch Tuyết, Ngọc Bích…
"Bài học quý từ họ chính là biết nhìn xa. Mỗi người đi theo một trường phái để xây dựng thương hiệu. Thời đó, các đoàn cũng cạnh tranh nhau khốc liệt nhưng cách làm việc rất văn minh, thuận mua vừa bán. NS ký "công tra" (hợp đồng) phải tuân thủ trách nhiệm, dù đòi hỏi quyền lợi đôi khi quá đáng, đẩy bầu vào chỗ cầm nhà, vay nợ. Tuy nhiên, khi đã hát thì hát hết mình" - NSND Ngọc Giàu nhớ lại.
NSND Huỳnh Nga cho rằng các ông - bà bầu cải lương xưa bỏ tiền túi đầu tư gánh hát nhưng có tâm với nghề. Đó chính là chìa khóa giúp cải lương phát triển rực rỡ.
Nuôi soạn giả, trân trọng người xem
Bà bầu Thơ của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga là người đầu tiên nghĩ đến việc nuôi soạn giả thường trực trong đoàn. "Má tôi nhận thấy muốn có tuồng hay thì đội ngũ sáng tác phải sống khỏe. Bà mời họ về, trả lương theo thỏa thuận, đặt hàng viết tuồng theo cách "đo ni đóng giày" cho từng NS trong đoàn. Đây là ưu thế giúp NS của đoàn ai cũng có vai diễn để đời" - danh hài Bảo Quốc kể.
Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã nuôi đội ngũ soạn giả gồm: Hà Triều, Hoa Phượng, Nhị Kiều, Hoàng Khâm, Kiên Giang, Nguyễn Phương… Mỗi soạn giả thời đó, ngoài lương tháng còn được hưởng 6% doanh thu mỗi suất diễn. Họ đã chăm chút cho các NS, biến NS trở thành ngôi sao sáng cho đoàn.
Không chỉ luôn giữ mối quan hệ bền bỉ với soạn giả để cùng chăm sóc cho hướng đi của từng thương hiệu, bài học thứ hai để lại từ các ông - bà bầu xưa là phải trân quý người xem. Bầu Thu An còn là soạn giả nên ông dung nạp những nét mới cho thương hiệu Đoàn Cải lương Hương Mùa Thu. Ông thẳng thừng từ chối bán vé cho khán giả mặc đồ ngủ, quần đùi, áo thun ba lỗ đến rạp. "Khán giả đến xem cải lương thời đó mặc veston, áo dài quý phái. Cải lương đúng là thánh đường khi 3 thành phần làm nên suất hát đều nghiêm túc: rạp hát, NS và công chúng" - NSƯT Diệu Hiền tâm đắc.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Các ông - bà bầu rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trẻ, phát hiện và định hướng tương lai cho từng người, đặt niềm tin vào diễn viên dù tuổi đời còn rất trẻ, tạo bệ phóng, đưa họ lên vinh quang. "Bà bầu Kim Chưởng mời tôi về đoàn, sau đó giao hàng loạt vai chánh để tôi và anh Phương Quang đoạt HCV Thanh Tâm năm 1966" - NS Phượng Liên cho biết.
Ông - bà bầu cải lương xưa còn góp phần tạo nên "hiện tượng sân khấu" khi đóng góp kinh phí để các soạn giả, ký giả kịch trường tổ chức các cuộc thi nhằm thu hút giới trẻ đến với cải lương và âm nhạc cải lương, qua đó phát hiện nhân tố mới. Họ cũng hùn vốn với các hãng dĩa hoặc lập hãng ghi âm riêng. Cụ thể, đại ban của bầu Ba Bản - chủ hãng đĩa Hoành Sơn trụ tại rạp Thủ Đô - đã lăng-xê thành công "Hoàng đế dĩa nhựa" Tấn Tài, "Nữ hoàng dĩa nhựa" Phượng Liên, cùng những kịch bản "đo ni đóng giày" cho NS với sân khấu "đại vĩ tuyến" và cảnh trí lộng lẫy.
Các ông - bà bầu xưa đã góp phần tạo nên chuỗi giá trị sáng tạo bền vững về tài năng ca diễn, kịch bản có giá trị và những bản dựng mang tính khuôn mẫu cho sàn diễn cải lương đương thời cũng như sau này. n
Kỳ tới: Từ giải Thanh Tâm đến Trần Hữu Trang
Chẳng mơ làm giàu
Điều trân quý ở các ông - bà bầu gánh hát cải lương xưa là vì yêu nghề mà họ lập đoàn hát chứ không ôm mộng làm giàu, tìm danh lợi cho mình. Nên dù có chịu thiệt thòi khi của cải đội nón ra đi thì họ vẫn giữ nghề, giữ đạo làm nghề.
Sàn diễn cải lương đang gặp cảnh đìu hiu ngay trên mảnh đất đã từng hội tụ tinh hoa và là bệ phóng cho nhiều đỉnh cao nghệ thuật. Có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ lụy của cải lương hôm nay nhưng nguyên nhân chủ yếu là thiếu đội ngũ có tầm nhìn chiến lược, thiếu những ông - bà bầu tâm huyết, dám xả thân cho sự tồn vong của sân khấu cải lương.
Bình luận (0)