Những tác phẩm ra đời trong 7 năm sáng tạo, từ năm 2011, khi họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan quyết định rời Nga trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp, ra mắt công chúng trong triển lãm "Dải hẹp của bầu trời" từ ngày 1 đến 11-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.
Kể chuyện đời bằng cấu trúc hình và màu sắc
Theo giới chuyên môn, trong một triển lãm chung, tranh của Đan làm người xem không thể dễ dàng đi qua mà không ngoái lại, bởi nó rất riêng, chưa thấy ai vẽ giống như vậy cả, nhất là ở Việt Nam. "Dù với bất cứ khối hình gì, sắc màu gì, người xem cũng nhận ra một chút u buồn ẩn chứa, thậm chí phủ lên những sáng tác của cô. Một thế giới rộng lớn, mênh mông bị bắt nhốt trên tấm vải canvas vẽ. Một chút tù túng của không gian nhưng bao la ý niệm. Đó là tranh của Đan" - họa sĩ Ngô Đồng nhận định khi nói đến những bức tranh của họa sĩ thế hệ 8X, được đào luyện trong môi trường nghệ thuật ở nước Nga (tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc Học viện Hàn lâm quốc gia mỹ thuật Surikov, Moscow, Nga năm 2005, từng có thời gian 9 năm sinh sống sáng tác tại Nga).
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan bên các tác phẩm của mình. (Ảnh do họa sĩ cung cấp)
Những bức tường, bầu trời, con hẻm, bụi cây, khóm hoa, ô cửa, đám mây... Đan đều vẽ như mượn chúng để sẻ chia một cách thân tình, riêng tư và lặng lẽ, như để tìm đến cõi riêng của mình với những câu chuyện thầm thì thực thực mơ mơ. Giới chuyên môn nói rằng họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan luôn muốn kể nhiều câu chuyện cuộc đời bằng cấu trúc hình và màu sắc đặc biệt của riêng mình trên bề mặt canvas.
Họa sĩ Ngô Đồng cho rằng: "Tranh Đan dày công khi dùng những màu rất khó hòa hợp đặt cạnh nhau, chỉ cần dễ dãi một chút thôi là có thể chênh vênh khó chịu. Đan đã điều chỉnh chúng một cách tài ba bằng tỉ lệ các mảng màu lớn nhỏ hợp lý với sắc độ đậm nhạt hết sức lạ lùng, tinh tế. Nhìn thì tưởng chừng đơn giản nhưng Đan vẽ một bức tranh thường rất lâu, phải cân chỉnh từng li từng tí về độ nóng lạnh, sự hòa quyện và âm vang của sắc màu, để khi dừng cọ, ký tên thấy chẳng thể thêm bớt gì nữa".
Người phụ nữ của nỗi niềm
Triển lãm "Dải hẹp của bầu trời" là một loạt những tác phẩm mà nữ họa sĩ này sáng tác trong 3 giai đoạn riêng biệt. Trong đó, những tác phẩm thuộc bộ sưu tập "Desolation" được vẽ trong khoảng thời gian cô đối mặt với sự u tối nhất của cuộc đời mình. Những tác phẩm như lời tự sự của những thân phận phụ nữ cô độc và u sầu, lạc lõng trong thế giới hiện đại, phản ánh tâm trạng bức bối và cô độc của bản thân cũng như của những phụ nữ phải gồng mình chạy theo vẻ hiện đại giữa đô thị hào nhoáng. 12 bức tranh này giúp người xem thêm thấm thía với nỗi cô độc của người bị trầm cảm, góp phần mang lại nhận thức và các biện pháp trị liệu liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm lý. Những tác phẩm này từng được trưng bày tại triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan tổ chức tại Limanjawi Art House ở Borobudur, Indonesia vào tháng 2-2015.
Sau khoảng thời gian này, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan cho ra mắt bộ sưu tập "Sự sống mong manh" - dấu mốc ghi lại bước chuyển mình lớn, với cách dùng màu trong trẻo, tươi sáng nhưng rất đặc biệt trong cách nhìn của cô. Hoa và bình thủy tinh trong suốt, đủ kiểu dáng với tạo hình hiện đại là những sự vật lặp đi lặp lại trong bộ tranh. Cả hai vật thể này đều thể hiện sự mong manh, dễ vỡ mà cô muốn dùng để truyền đến công chúng thông điệp: "Sau cơn mưa, trời lại sáng". Cỏ cây, vạn vật đủ để tạo nên sắc thái yên bình và sự lắng dịu của tâm hồn. Giới mỹ thuật đánh giá những tác phẩm tĩnh vật của Nguyễn Ngọc Đan trong bộ tranh này mang vẻ đẹp mong manh mà mạnh mẽ nội tại, đầy chiêm nghiệm cuộc sống.
12 bức tranh còn lại của triển lãm mang tên chủ đề của triển lãm "Dải hẹp của bầu trời" với biểu tượng những chiếc lồng chim được xây dựng trong những cấu trúc không gian khác nhau. Sự tinh tế của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan nằm ở những hình khối chắt lọc, những mảng màu trong veo đặc trưng và cả chất sơn chỗ dày đặc, chỗ mềm mịn khác nhau rõ rệt. Cô đã tạo nên một không gian phi thực độc đáo, gợi những suy tưởng và ẩn dụ về cuộc sống của con người khiến cho những tác phẩm này trở nên khác biệt.
Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một góc nhìn đầy nhân văn, đó là sự chân thành khi đối diện thế giới nội tâm của chính mình, là sức sống mãnh liệt, là tình yêu và sự hết lòng đối với cuộc sống xung quanh.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan thừa nhận tranh của cô phần lớn u buồn ngay cả khi cô sử dụng sắc màu tươi sáng. Với Đan: "Tranh là một thế giới mà ở đó, người vẽ dùng nó để giải tỏa chính thế giới tâm tư của mình. Tôi vẽ tranh bằng những trải nghiệm cá nhân. Có lẽ, tôi là người phụ nữ của những nỗi niềm".
Họa sĩ trẻ giàu năng lượng
Trong suốt 7 năm qua, Nguyễn Ngọc Đan là một trong những họa sĩ trẻ giàu năng lượng với nhiều tác phẩm được đánh giá cao và được ra mắt tại nhiều triển lãm quốc tế. Hiện cô là người tham gia quản trị trang mạng Vietnam Art Space, tổ chức nhiều cuộc đấu giá tranh từ thiện, các workshop mỹ thuật, thu hút tới hơn 40.000 lượt người theo dõi và thành lập D.A.N Studio (nơi thu hút nhiều người lớn và thiếu nhi tới học vẽ và múa ballet), họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan được xem là "thủ lĩnh" của giới họa sĩ trẻ TP HCM. Nhận định về tương lai gần của giới mỹ thuật trẻ Việt, cô nói: "Qua các chuyến đi triển lãm, sáng tác ở nước ngoài, các họa sĩ Việt sẽ có động lực làm việc hơn và qua đó cũng kết nối được với các đồng nghiệp ở các nước, từ đó việc mang tranh Việt ra thế giới dễ dàng hơn. Giới mỹ thuật nước ngoài đánh giá cao về sự đa dạng trong phong cách của các họa sĩ trẻ Việt Nam, sự đa dạng về chất liệu hội họa như sơn dầu, lụa, sơn mài cũng là một điểm mạnh khiến chúng ta ghi điểm trong mắt họ".
Bình luận (0)