Phim "Pháp sư mù" của Lý Minh Thắng và Huỳnh Lập đồng đạo diễn được nhà sản xuất công bố đạt doanh thu 46 tỉ đồng sau 11 ngày công chiếu (tính từ ngày 8 đến 19-11). Phim này có kinh phí khoảng 17 tỉ đồng (theo công bố của nhà sản xuất) nên con số doanh thu trên bảo đảm có lợi nhuận. Hiện tại, phim vẫn đang trụ rạp, hứa hẹn tiếp tục gặt hái doanh thu.
Sản phẩm lắp ghép
Tác phẩm kể hành trình tìm lại ánh sáng cho đôi mắt của pháp sư trẻ Tinh Lâm, tiếp nối đoạn kết mà loạt phim chiếu mạng "Ai chết giơ tay", do ê-kíp Hồng Tú - Huỳnh Lập sản xuất, vạch ra ở tập cuối. Ngoài những nhận xét nội dung kể về thế giới tâm linh nhưng theo hướng tươi sáng, nhân văn, dễ thương, hài hước, phim này nhận không ít lời chê ở khâu kịch bản, câu chuyện lê thê, thiếu mạch lạc. "Pháp sư mù" khiến cho những ai chưa từng xem "Ai chết giơ tay" rất bối rối bởi hàng loạt tuyến nhân vật bỗng dưng xuất hiện, không được giới thiệu cụ thể mà phải tự hiểu. Thêm vào đó, cách chuyển cảnh, nút thắt, mở của câu chuyện phim đều chưa liền mạch. Nó khiến người xem cảm giác đang xem nhiều tập phim chiếu mạng ghép lại hơn là một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh được làm chuyên nghiệp.
Đây không phải tác phẩm màn ảnh rộng đầu tiên được thực hiện từ phim chiếu mạng mang đến cảm giác như thế cho người xem. Trước đó, phim "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" của Thu Trang - Tiến Luật sản xuất cũng gặp phải nhận xét tương tự. Dù gặt hái doanh thu hơn 60 tỉ đồng (theo công bố của nhà sản xuất) và có lợi nhuận so với kinh phí 20 tỉ đồng đầu tư nhưng về chất lượng phim chưa đủ chuẩn điện ảnh.
Cảnh trong phim “Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội”. (Ảnh do Nhà phát hành cung cấp)
Đạo diễn, nhà sản xuất Lý Minh Thắng từng nhận định sản xuất điện ảnh có câu chuyện tiếp nối từ phim chiếu mạng được dự đoán là xu hướng phổ biến thời gian tới. Nhưng giới chuyên môn cảnh báo nếu không đầu tư nghiêm túc, làm hời hợt với tâm thế "vắt sữa" khán giả thì xu hướng điện ảnh từ phim chiếu mạng sẽ nhanh chóng chết yểu. Ngay cả những người trong cuộc cũng nhiều lần lên tiếng về những khó khăn, áp lực khi đưa câu chuyện tiếp nối từ phim chiếu mạng lên màn ảnh rộng. "Mọi người thường nghĩ làm phim điện ảnh từ phim chiếu mạng sẽ dễ dàng vì nhân vật, câu chuyện và lượng người hâm mộ có sẵn. Tuy nhiên, tôi thấy suy nghĩ này không đúng bởi phim chiếu mạng và điện ảnh có cấp độ hoàn toàn khác nhau" - nhà sản xuất Hồng Tú phân tích. Diễn viên Thu Trang thừa nhận việc thực hiện "Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội" là một quyết định liều lĩnh. Cô và ê-kíp gặp khó trong quá trình xây dựng kịch bản.
Chất lượng phải lên đầu
Vốn đầu tư cho một phim ngắn trên mạng thường không cao, nội dung không bị kiểm duyệt gắt gao, nhà sản xuất thoải mái sáng tạo, có nhiều yếu tố cuốn hút người xem. Sản phẩm miễn phí nên khán giả thưởng thức với tâm thế "vui là chính", không quá xét nét. Tuy nhiên, với phim ra rạp, khán giả phải mua vé và họ có quyền đòi hỏi nhiều hơn. Vì thế, ngoài giới trẻ hâm mộ cuồng nhiệt phim mạng nên ủng hộ khi những phim này lên màn ảnh rộng, còn lại đánh giá khắt khe hơn với chất lượng các phim này. Người trong giới nhận định đó là những đòi hỏi cần thiết để sản phẩm đạt đúng chất lượng cần có.
Cảnh trong phim “Pháp sư mù”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
"Tôi thấy tác phẩm điện ảnh làm từ phim chiếu mạng hay Việt hóa không quan trọng thể loại, phong cách nào. Càng nhiều cơ hội việc làm cho người trong nghề thì họ càng được trau dồi thường xuyên, sản phẩm đa dạng, thị trường phong phú. Tuy nhiên, chất lượng là yếu tố phải bảo đảm để có niềm tin từ khán giả, tồn tại lâu dài" - đạo diễn Võ Thanh Hòa nhận định.
Nhà sản xuất Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng việc các nhà làm phim trẻ sản xuất phim chiếu mạng rồi mới làm phim điện ảnh là một cách hạn chế rủi ro. Họ dùng phim chiếu mạng để đo độ quan tâm của khán giả, sau đó mới mạnh dạn đầu tư tác phẩm điện ảnh. Đây cũng là một cách làm tốt nếu các tác phẩm chiếu rạp phải đạt chất lượng (nhất là chất lượng kịch bản) và khác biệt so với chiếu trên mạng.
Lo ngại trở thành xu hướng
Sự thành công về doanh thu của các phim điện ảnh kể tiếp câu chuyện trong loạt phim chiếu mạng làm dấy lên lo ngại xu hướng đua nhau sản xuất phim dạng này. Nhiều người trong giới nhận định việc tạo ra một tác phẩm điện ảnh dù từ bất cứ nguồn nào nếu không bảo đảm chất lượng rất khó duy trì độ mới lạ, thu hút khán giả. Để làm được điều này đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không phải thấy dễ ăn rồi đua nhau làm theo mà không ra gì sẽ làm mất lòng tin của khán giả. Biên kịch Thanh Hương nói khán giả hào hứng xem phim điện ảnh được làm từ loạt phim chiếu mạng chỉ vì thấy mới lạ. Tuy nhiên, nếu thị trường ồ ạt làm thể loại này, khán giả chán ngán là tất yếu mà thị trường điện ảnh Việt cũng bị ảnh hưởng theo.
Bình luận (0)