"Duyên", ca khúc với sự phối hợp của ba cái tên trong giới indie (sáng tác độc lập) gồm Huỳnh Tú, Khói và Magazine thể hiện, đang trở thành ca khúc dẫn đầu bảng xếp hạng Top trending (danh sách ca khúc được yêu thích nhất) trên YouTube Việt Nam, dù mới ra mắt được vài ngày.
Khi indie nắm giữ thị trường
Điều đáng nói là "Duyên" hoàn toàn không quảng bá trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào kể cả trước và sau khi phát hành. Thế nhưng, sau 24 giờ ra mắt, "Duyên" đã đạt hơn nửa triệu lượt xem, lọt Top 26 thịnh hành trên YouTube, với vô số lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Sức hút của "Duyên" nằm ở chỗ "câu chuyện tình buồn nhưng lãng mạn với ca từ mộc mạc đời thường, "Duyên" trở nên đặc biệt còn bởi sự kết hợp của Huỳnh Tú, Khói, Magazine", như nhận xét của nhạc sĩ Dương Khắc Linh.
Trước đó, 3 giọng ca này từng để lại ấn tượng mạnh mẽ với ca khúc "Đường một chiều". Bản thân mỗi người đều có những thành tích riêng với những sản phẩm âm nhạc được khán giả đón nhận. Vậy nên, sự kết hợp giữa họ trong cùng một sản phẩm âm nhạc được đánh giá là "luôn đáng để đón đợi".
Bộ ba Huỳnh Tú - Khói - Magazine với ca khúc “Duyên” đang làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng Ảnh: Leon
Ấn tượng mạnh mẽ của nhạc indie trong tháng qua càng khẳng định sự thành công vượt trội của dòng nhạc underground ở thị trường nhạc Việt. Thậm chí, underground chiếm lĩnh toàn bộ thị phần nhạc Việt khi đẩy lùi ảnh hưởng của dòng mainstream (âm nhạc đại chúng) với những ca khúc ballad luôn tạo "sóng gió" trong đời sống nhạc Việt hiện tại. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, ca khúc dòng mainstream hoàn toàn không còn xuất hiện trong tốp đầu trending YouTube, không tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng người nghe nhạc dù các sản phẩm vẫn ra mắt đều đặn. Thậm chí, sản phẩm mới của những giọng ca được yêu thích của nhạc Việt như Mỹ Tâm, Văn Mai Hương… đều nhanh chóng chìm nghỉm, sau khi được giới thiệu, dù được quảng bá rầm rộ trên nhiều phương tiện từ mạng xã hội đến truyền thông chính thống.
Trong khi đó, trong Top 10 trending YouTube có tới 3 ca khúc thuộc dòng nhạc underground: "Mượn rượu tỏ tình" (Emily, BigDaddy), "Ex’s Hate Me" (B Ray, Masew, Amee), "Hồng nhan" (Jack). Nhìn lại thị trường nhạc Việt gần đây cho thấy ngày càng có nhiều gương mặt mới mẻ trong cộng đồng underground xuất hiện, bên cạnh những tên tuổi cũ: Thịnh Suy, Jack… với những sản phẩm được khán giả yêu thích ngay từ lần đầu. Giới chuyên môn cho rằng lúc này là thời hưng thịnh của underground.
Biến độc đáo thành độc hại
Điều không thể phủ nhận là underground không hạn chế hay bó buộc sức sáng tạo của người viết nhạc. Một nghệ sĩ underground sẽ có quyền hát những gì anh ta nghĩ và thích thú, chơi đùa cùng âm nhạc và cảm xúc theo cách của riêng mình. Đó là lý do để người ta bắt gặp những điều khác biệt ở thể loại nhạc này so với phần còn lại.
Thực tế, khán giả không ít lần bắt gặp những bài hát vượt ngoài khuôn khổ trong những ca khúc hit (ăn khách) trên thị trường âm nhạc. Điều đó ngày càng trở nên táo bạo và nghiêm trọng hơn. Đó không chỉ là những câu chữ thô tục mà còn là một tư duy lệch lạc. Đâu đó, những người ưa thích underground cho rằng "bình thường" bởi underground vốn thế.
Điều đó chẳng sai nếu underground không bước ra sân khấu lớn với nhiều đối tượng khán giả đang lắng nghe. Những câu nói sỗ sàng, những tư duy ngổ ngáo chỉ nhằm thỏa mãn cái tôi của người sáng tác lại trở thành bất thường, không phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội. Nếu chỉ hát cho nhau nghe thôi thì hát cái gì cũng chẳng sao nhưng khi đã trở thành người của công chúng, ca khúc của họ đứng đầu Top trending và được tìm kiếm nhiều trên mạng, họ cần có trách nhiệm với những câu chữ trong ca từ cũng như phát ngôn của chính mình. Một khi đã chọn bước lên sân khấu để thành ngôi sao giải trí, sản phẩm âm nhạc của họ được quảng bá, phát hành bài bản thì cũng có nghĩa họ càng có trách nhiệm với khán giả của mình.
Ví như ca khúc "Thôi anh không chơi" của Binz. Bài hát vừa ra mắt đã thu hút sự chú ý và trở thành ca khúc "được yêu thích". Lúc này, khán giả bắt đầu "soi" đến từng lời hát. Cảm giác khó chịu bắt đầu xuất hiện khi nghe những lời lẽ thô tục, thậm chí là dơ bẩn trong một ca khúc. Nó không còn là độc đáo mà phần nào là độc hại, không hề phù hợp đối với một ngôi sao âm nhạc có tầm ảnh hưởng không nhỏ như Binz.
"Chất" không phải là sự ngông nghênh nhưng tiếc rằng nó đang bị "bẻ" theo hướng tiêu cực. Không thể vịn vào "luật lệ" của underground để biện minh vì rõ ràng âm nhạc nào cũng chỉ có một trách nhiệm duy nhất là hướng con người đến những điều tốt đẹp nhất.
Tự do đến vô phép
Gần gũi, giản dị nhưng tinh tế và sâu sắc chính là những đặc tính làm nên nét đặc biệt cho nhạc underground. Tất cả điều đó tạo nên cái gọi là "chất" (phong cách, cá tính và sự trau chuốt cần thiết để tạo nên sự hoàn hảo trong cái vỏ ngoài dung dị) của nhạc underground.
Khi underground ngày càng được yêu thích, không ít nghệ sĩ underground đã mượn danh "chất" để thể hiện tư duy phóng khoáng đến mức ngổ ngáo khó chấp nhận, tự do đến vô phép để tạo nên một thứ âm nhạc không còn độc đáo mà trở nên độc hại cho người nghe.
Bình luận (0)