Là người trưởng thành từ các trường học ở đô thị miền Nam, Huỳnh Như Phương nhìn lại, suy gẫm và tin rằng "nếu không giải quyết được bài toán chất lượng giáo dục, thì không thể có một thành tựu nào thật sự bền vững. Thậm chí, không quá lời khi nói rằng nếu đất nước giải quyết được vấn đề giáo dục thì cũng sẽ đủ năng lực giải quyết những vấn đề nhức nhối khác của xã hội. Ngược lại, nếu giáo dục còn bê bết, đừng hy vọng gì những lĩnh vực khác của kinh tế, xã hội, văn hóa sẽ được cải thiện" (trang 15).
Trong bài "Vấn đề con người trong trường đại học", tác giả viết từ năm 2010, đến nay đọc lại, tôi thấy dường như vẫn còn mới.
Với người học thì "thí sinh thuộc diện ưu tiên cao nhất sẽ được ưu tiên đến 6 điểm và chỉ cần đạt 7 điểm thực tế là đã đủ điểm trúng tuyển đại học" (trang 24). 7 điểm cho 3 môn thi đã trúng tuyển đại học thì chất lượng đầu ra thế nào không nói cũng biết.
Với người dạy học, "khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong đại học thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người theo "hình ảnh" và "kích thước" của họ. Theo chúng tôi, đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục đại học hiện nay" (trang 29).
Với người quản trị, tác giả cũng băn khoăn: "Làm sao có thể yên tâm khi một trường đại học mới tháng trước bị phơi bày những khuyết điểm tày trời trên mặt báo đến mức cơ quan chủ quản dự định tiến hành thanh tra, thì chỉ tháng sau cũng chính trường đó có quyết định nâng cấp thành trường "đại học quốc tế"?" (trang 35).
Bìa cuốn sách “Ước vọng cho học đường”
Việc xưng hô giữa thầy và trò ở trường đại học, một vấn đề tưởng "nhỏ như con thỏ", nhưng qua suy nghĩ của nhà giáo Huỳnh Như Phương, chẳng thấy nhỏ chút nào. "Tôi vẫn thường nhắc sinh viên khi thuyết trình trước cả lớp, hãy xưng "tôi" mà đừng bao giờ xưng "em" hay "mình". Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, tôi không khỏi cảm thấy dị ứng khi một nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ mà lại xưng "em" với hội đồng giám khảo" (trang 162-163). Nhưng chuyện này không phải chỉ một quyết định hành chính là được. Theo Huỳnh Như Phương, "ở một trường đại học, dẫu sinh viên có được phép xưng "tôi" với thầy, mà họ không được tạo điều kiện để tiếp cận chân lý trong khoa học, và vây quanh họ là một bộ máy quản lý như kiểu một gia đình thì câu chuyện nâng cao tầm văn hóa ứng xử của sinh viên vẫn chỉ là ước vọng mà thôi" (trang 163).
Một đời đứng trên bục giảng nên Huỳnh Như Phương không thể không quan tâm đến việc biên soạn sách giáo khoa ở nhà trường phổ thông. Qua những bài viết: "Phương án nào cho sách giáo khoa?", "Đề nghị một lộ trình biên soạn sách giáo khoa", "Tìm văn liệu cho sách giáo khoa",… người đọc có thể thấy tâm huyết của anh đối với nền giáo dục nước nhà. Chẳng hạn, từ thực tế, tác giả đề nghị "điều cấp bách hiện nay là Chính phủ thành lập một Hội đồng chỉ đạo - chứ không phải chỉ là Hội đồng thẩm định - biên soạn chương trình và sách giáo khoa" (trang 99), và "sau khi có chương trình ổn định rồi - và việc này không thể làm một sớm một chiều - mới bàn kỹ đến phương án biên soạn sách giáo khoa" (trang 100), hoặc: "Chúng tôi đề nghị, ở lớp 12, sách giáo khoa nên chọn những văn bản văn học Việt Nam và văn học nước ngoài có chiều sâu triết lý, có tầm tư tưởng và có giá trị nghệ thuật cao. Nên tránh những văn bản mà 10 năm, 20 năm sau trở thành lạc hậu trước sự phát triển của nhận thức xã hội và tư duy con người đương đại" (trang 115).
Qua 20 bài viết chọn lọc của Huỳnh Như Phương in trong tập "Ước vọng cho học đường", người đọc hiểu thêm cái tâm, cái tầm của người dành trọn cuộc đời cho giáo dục. Nhưng đọc rồi, tôi lại nghĩ, hầu hết những tâm huyết của anh có khi lại giống như cụm từ anh đã dùng "vẫn chỉ là ước vọng mà thôi"…
Bình luận (0)