Sau 2 năm lao đao vì dịch Covid-19, việc truyền nghề của nhiều đơn vị sân khấu truyền thống đang đối mặt với nguy cơ mai một. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cũng đối mặt nhiều thử thách. Dù vậy, các nghệ sĩ, nghệ nhân hoạt động tự do vẫn tiếp tục ươm mầm cho con cháu, học trò. Mỗi câu chuyện truyền nghề không còn là vấn đề cấp bách của chính họ, mà nói theo NSND Út Tỵ: "Đất có, giống có, đừng để vườn ươm di sản chết trong đơn độc".
Ngôi sao nhí chuyên cần học tuồng cổ
Tính đến thời điểm này, gia tộc Vĩnh Xuân, Bầu Thắng, Minh Tơ, Thanh Tòng đã ngót 100 năm ăn cơm Tổ. Gia tộc này thành công vang dội vì mỗi thế hệ theo nghề đều sản sinh hậu duệ tỏa sáng. Đến đời thứ sáu lóe lên mầm non mà những khán giả mộ điệu nghệ thuật cải lương tuồng cổ đều trầm trồ khen ngợi, đó là bé Kim Thư - cháu ngoại của NSƯT Trường Sơn.
Chưa hiểu thế nào là áp lực từ những bóng đại thụ quá cao lớn trong gia tộc, cô bé Kim Thư biết diễn xuất trước khi biết chữ. Bé là con gái của nghệ sĩ Ngọc Nga, trưởng nữ của NSƯT Trường Sơn và nghệ sĩ Thanh Loan (em ruột của NSND Thanh Tòng), gọi NSƯT Tú Sương là dì ba.
NSƯT Trường Sơn cho biết ông có 3 cô con gái theo nghề: Ngọc Nga, Tú Sương, Lê Thanh Thảo. Trong 5 cháu ngoại "toàn nữ ban" gồm: Tú Quyên, Hồng Quyên (con NSƯT Tú Sương), Thảo Trâm, Thảo Trúc (con nghệ sĩ Lê Thanh Thảo - Điền Trung), thì Kim Thư từ lúc lên 4 tuổi đã lanh lợi, sáng dạ. "Năm nay cháu 11 tuổi, đã vào lớp 6 nhưng có thâm niên "bao sân" rất nhiều lĩnh vực, từ cải lương, kịch nói, truyền hình, game show cho tới điện ảnh. Nhưng tôi giữ nguyên tắc phải ưu tiên học nghề diễn viên cải lương tuồng cổ. Cái nghề ông cha đã kiến tạo và 6 đời qua vẫn cha truyền con nối" - NSƯT Trường Sơn chia sẻ và ông miên man kể về quá trình luyện nghề cho các cháu.
Kim Thư rất siêng năng như bà ngoại Thanh Loan ngày trước, đọc qua kịch bản và dạy bài ca cháu chỉ cần nghe qua một lượt là thuật lại rành mạch. Bé sớm được xem ông bà ngoại diễn, theo các dì vào sàn tập hay ngồi bên cánh gà sân khấu để xem cả nhà diễn, cộng thêm bản tính chuyên cần nên Kim Thư đã rèn luyện cho mình khả năng diễn xuất rất đa dạng cả bi, hài, lẳng, độc. Khi đạo diễn Hoa Hạ và soạn giả Hoàng Song Việt gầy dựng nhóm diễn viên nhí "Bầu trời xanh", bé nhanh chóng trở thành ngôi sao của nhóm. Từ những nét diễn ngây thơ, hồn nhiên, cách ca những bài bản mộc mạc nhưng chan chứa niềm tự hào là con cháu gia tộc lừng lẫy, Kim Thư đã tạc vào tâm trí khán giả điện ảnh qua vai bé "Nắng" cực kỳ dễ thương trong tác phẩm điện ảnh cùng tên. Rồi hàng loạt các game show: "Sao nối ngôi", "Làng hài mở hội", "Kịch cùng bolero"... và trên sân khấu kịch của sân khấu Sài Gòn Phẳng - Thế Giới Trẻ như: "Bao giờ mẹ lấy chồng", "Chúng ta thuộc về nhau", "Sứ giả thiên đường"... hoặc trong vở "Thầy Ba Đợi" cũng có sự tham gia của bé.
Nghệ sĩ Ngọc Nga cho biết khi đi học về nhà, ông ngoại tiếp tục dạy nghề cho cháu. Những động tác vũ đạo khó cần thị phạm thì các dì đứng ra chỉ dạy. Bà ngoại cũng phân tích cặn kẽ cho Kim Thư mỗi động tác đều mang ý nghĩa khác nhau. Giáo trình giảng dạy của gia tộc từ đời này sang đời khác, vẫn là bài học cơ bản từ những vai diễn nhỏ nhất. "Vai quân sĩ, tỳ nữ, vai dắt ngựa, cầm quạt theo hầu những đào kép lớn cháu đều phải học. Biết con mê nghề nên dù gia cảnh khó khăn đến mấy vẫn hun đúc tinh thần cho con" - nghệ sĩ Ngọc Nga bộc bạch.
Các nghệ sĩ Lê Thanh Thảo, Ngọc Nga, Tú Sương, Thanh Loan và diễn viên nhí Kim Thư
Thực trạng đau lòng
Đến thời điểm này, bé Kim Thư đã có thể tự đọc kịch bản, cảm nhận theo cách nghĩ của mình để đi vào tính cách các nhân vật. Đạo diễn Hoa Hạ từng nhận xét Kim Thư có khả năng học kịch bản rất nhanh. Cô bé nhập tâm vào nhân vật khá tốt nên những vai diễn hài giao cho bé là khán giả cười nghiêng ngả. Các nhà chuyên môn cũng đánh giá bé Kim Thư có một sức hút sân khấu đặc biệt. Khi cô bé bước ra sàn diễn, dù chưa biết đó là vai gì, khán giả đã vỗ tay tán thưởng.
Tuy nhiên, NSƯT Trường Sơn kể ông đã ứa nước mắt khi nghe cháu ngoại hỏi: "Học cải lương tuồng cổ, con diễn ở đâu?". Ông xúc động: "Tôi không biết trả lời cháu ngoại mình thế nào. Câu hỏi đau xé lòng tôi. Dù có xua đi dịch bệnh thì sàn diễn cải lương cũng phải rất lâu mới gượng dậy được. Việc truyền nghề của gia tộc tôi không ngại khó, vì ngoài con cháu tôi sẵn sàng nhận thêm diễn viên trẻ như cách mà anh chị em trong gia tộc như: Thanh Tòng, Bạch Long, Thành Lộc, Công Minh, Thanh Sơn… đã làm nhiều năm qua. Đã đến lúc những hạt giống nghệ thuật được ươm mầm như con cháu, học trò của chúng tôi cần một sàn diễn chuyên nghiệp và một cơ chế chính sách để tận hiến với nghề".
Điều trăn trở của NSƯT Trường Sơn cũng là thực trạng đau lòng của cải lương khi diễn viên sau quá trình từ 3 đến 4 năm được đào tạo chính quy tại các trường đều bỏ nghề hoặc chọn nghề khác. Hệ lụy của việc mở rộng đầu vào dù không có năng khiếu đã phí phạm công sức, thời gian của các bạn trẻ chỉ vì đam mê mà theo học nghề. Trong khi đó mầm non từ nếp nhà sẵn có lại không được hưởng quy chế nào để vững vàng học nghề. Ngay cả thầy giỏi là những nghệ sĩ, nghệ nhân vẫn sống trong khó nhọc. Cơ chế đặc biệt dành cho thầy và trò của từng lãnh vực nghệ thuật chính là giải pháp thiết thực cứu vãn sự rơi rụng tài năng hiện nay.
NSND Trần Minh Ngọc thừa nhận: "Việc trang bị kiến thức cho tài năng trẻ khi bộc lộ năng khiếu từ bé là việc làm mà cơ quan quản lý nghệ thuật phải suy tính. Vì nếu cứ thả nổi, các bé tự bơi để tự kiếm sống, sẽ mất dần phương hướng khi cơ chế thị trường tác động mà giảm đi nét đặc trưng cần mài dũa".
Ông dẫn giải khi điểm lại những "ngôi sao nhí" tự bơi một thời rồi mất hút trong thị trường giải trí, bởi các em được ươm mầm nhưng thiếu bàn tay chăm sóc của các chuyên gia giỏi. Các bé cứ thế đem sở trường sẵn có ra xài, thiếu định hướng đến khi "hư nghề".
Bình luận (0)