Nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2014. Việc ươm mầm để tạo một thế hệ tiếp nối đang đứng trước rất nhiều thử thách.
Ngón đàn khá điêu luyện
Dương Công Tuyển là tài tử "nhí" được phát hiện của phong trào nuôi dưỡng nghệ thuật ĐCTT tại TP HCM. Tuyển đang học lớp 6 Trường THPT Lạc Long Quân, quận Tân Phú, TP HCM. Không chỉ học giỏi, Tuyển còn khiến bạn bè và thầy cô ngỡ ngàng vì giọng ca và ngón đàn khá điêu luyện.
Quê của Tuyển ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, được ông ngoại là nghệ nhân Nguyễn Thanh Hiền ươm mầm từ nhỏ, Dương Công Tuyển nhờ vậy mà ca rành từ năm lên 4 tuổi. Qua sự truyền nghề của nhiều nghệ nhân đờn, Tuyển chơi được nhiều nhạc cụ như: guitar phím lõm, kìm, sến.
Từ khi 2 chương trình truyền hình "Biệt tài tí hon" và "Gia đình song ca" được phát sóng, Dương Công Tuyển nổi tiếng khắp nơi. Bài "Xuân tình" và trích đoạn "Mẹ là đời con" do Tuyển biểu diễn trở thành từ khóa tìm kiếm của số đông khán giả, bạn bè cùng trang lứa ngưỡng mộ. Sau thế hệ của mẹ là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Liễng, Dương Công Tuyển tự tin nối bước theo nghề của ông ngoại.
Tuyển chơi guitar phím lõm khá thành thục trước khi học thêm đờn kìm, đờn sến. Nghệ nhân Nguyễn Văn Châu, người dạy đờn cho Tuyển, đã từng khen ngợi sự chịu khó học tập, dù bài học ở trường rất nhiều nhưng hễ có thời gian rảnh là Tuyển dồn hết đam mê cho ĐCTT.
Nghệ nhân Phạm Thái Bình (CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa TP HCM) nhận xét rằng Dương Công Tuyển có ảnh hưởng từ mẹ, vốn có giọng ca ngọt ngào và từ ông ngoại với ngón đờn điêu luyện. "Từ Bến Tre lên TP HCM lập nghiệp, gia đình ở nhà thuê, thu nhập bấp bênh chỉ nhờ vào ĐCTT nhưng họ vẫn quyết tâm cho Tuyển học nghề" - nghệ nhân Phạm Thái Bình chia sẻ.
Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ cho biết thêm đời sống nghệ nhân làm công việc truyền nghề, giữ "lửa" cho ĐCTT rất khó khăn. Bản thân nghệ nhân Nguyễn Văn Châu và học trò Dương Công Tuyển đến với tài tử bằng niềm đam mê. Với tình yêu ĐCTT sẵn có, tài năng của Tuyển ngày càng tiến bộ rõ rệt sau thời gian tham gia học các loại nhạc cụ cùng thầy Châu.
Nhờ được giảng dạy bài bản, cộng với dày công khổ luyện, hiện nay Tuyển có thể đàn được nhiều bài vọng cổ (nhịp 16, 32), bài "Nam xuân", "Nam ai", "Bắc" (Tây thi), "Oán" (Văn Thiên Tường, Phụng Hoàng), chơi được nhiều bản ngắn ở các sân khấu cải lương chuyên nghiệp.
Tài tử “nhí” Dương Công Tuyển và thầy Nguyễn Văn Châu tham dự 1 Liên hoan Đờn ca tài tử. (Ảnh: THANH NGA)
Lối diễn xuất chuyên nghiệp
Ngoài Dương Công Tuyển, nghệ thuật ĐCTT còn có 2 gương mặt con nhà nòi nhiều hứa hẹn là bé Lan Tường và Thúy Duy. Tài tử "nhí" Lan Tường là con của cặp đôi tài tử Minh Tùng - Thu Hồng (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM) vừa học giỏi vừa ca hay. Hiện cô bé đã chính thức nối nghiệp ba mẹ.
Trong những buổi giao lưu, biểu diễn tại TP HCM hoặc các tỉnh khi chưa giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Lan Tường đã được ba mẹ đưa đi biểu diễn. Cô bé tâm sự rằng tình yêu nghệ thuật ĐCTT được nhen nhóm và lớn dần theo năm tháng từ những lần đi lưu diễn cùng ba mẹ.
Lan Tường khá nhút nhát, kiệm lời nhưng khi bước lên sân khấu lại rất tự tin, chững chạc. Khi cất giọng, bé gây nhiều ấn tượng với khán giả mộ điệu. Trong các ca cảnh, trích đoạn cải lương, Lan Tường có lối diễn xuất chuyên nghiệp.
Xem Lan Tường diễn tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, danh cầm Văn Hải (đệ tử chân truyền của danh cầm Văn Vỹ) bộc bạch: "Cô bé là hình ảnh của NSND Ngọc Giàu, chỉ mới 12 tuổi nhưng đã thể hiện làn hơi lụa trải nhung căng; dù cuộc sống gia đình khó khăn nhưng Lan Tường rất đam mê ĐCTT và siêng năng học nghề".
Bé Thúy Duy có giọng ca ngọt ngào. (Ảnh: MINH HUỆ)
Tài tử "nhí" Thúy Duy, con của nghệ sĩ Quốc Trạng - Kim Khoa, mới 11 tuổi nhưng đã thuộc nhiều làn điệu và trích đoạn cải lương. Thúy Duy được cha mẹ đưa đi tham gia nhiều liên hoan ĐCTT và tỏa sáng trong cuộc thi "Hò xự xang xê cống" do Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu tổ chức năm 2015. Gia cảnh nghèo khó nhưng nghệ sĩ Quốc Trạng luôn nuôi ý chí phải đào tạo bài bản cho con gái theo nghề.
TS Lê Hồng Phước (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) cho rằng: "Với các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể như tổ chức và điều phối các hoạt động truyền dạy nghề. Ngoài ngân sách nhà nước, chính quyền địa phương cũng có thể đứng ra kêu gọi sự đóng góp xã hội hóa để tăng nguồn hỗ trợ. Chủ động thành lập các lớp truyền dạy theo mô hình các câu lạc bộ ĐCTT. Với những nghệ nhân đã có lớp truyền nghề tại gia thì chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị để lớp hoạt động tốt hơn. Không chỉ hỗ trợ cho những nghệ nhân truyền nghề, mà cần hỗ trợ cho cả những người trẻ có đam mê muốn học nghề, để bảo tồn di sản văn hóa".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-8
Kỳ tới: Bốn thế hệ giữ nghề hát bội
Bình luận (0)