Tháng 9-1975 tôi là sinh viên (SV) từ miền Bắc đầu tiên chuyển trường từ ĐH Tổng hợp Hà Nội (khóa 20) vào Trường ĐH Văn Khoa Sài Gòn. Trường chưa khai giảng lớp chính quy nào nên tôi ghi tên sinh hoạt chung với chi đoàn SV ngữ văn bổ túc (là lớp năm 2 trở xuống sẽ ở lại và học tiếp chương trình mới của trường sau khi tiếp quản).
Sống hồn nhiên, nhiệt huyết
Lúc đó, tôi chưa hiểu gì môi trường SV ĐH Sài Gòn, nên cái gì cũng bỡ ngỡ. Còn SV Sài Gòn lại có nhiều khác biệt với tôi. Một số SV vừa tham gia chiến dịch X1, X2 về đầy khí thế cách mạng với khăn rằn nón tai bèo và dép râu, một số vẫn quần loe tóc dài nói chuyện toàn chêm tiếng Anh tiếng Pháp. Các nàng SV Văn khoa hoặc tha thướt áo dài hoặc váy ngắn, phong cách tiểu thư nhưng rất dễ gần. Những năm đầu, tôi quen biết khá nhiều anh chị SV Văn khoa nổi bật trong trường như Hạ Đình Nguyên, Huỳnh Như Phương, Trương Duy Diệm, Huỳnh Ngọc Hội, Nguyễn Thị Tiến, Đặng Anh Thạch, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Văn Ba, Hồng Dung, Ngô Phương Thiện, Trần Quang Trung, Nguyễn Văn Hợp... và rất nhiều anh chị SV của các khoa sử địa, ngoại ngữ, triết học... của trường lúc đó.
Tác giả Huỳnh Dũng Nhân (áo trắng) nhận danh hiệu sinh viên tiêu biểu của trường Ảnh: Mai Bùi
Vào "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" mọi hoạt động trong trường đều rất sôi động, không tính toán, mọi người sống hồn nhiên, nhiệt huyết. Vui nhất và cũng nhớ nhất là hồi đó đi học không phải đóng tiền mà lại còn được 18 đồng học bổng, còn nhu yếu phẩm lúc thì mì vụn, gạo mốc, khoai sung, 2 SV nam chia sau cái dao cạo râu, 6 người bắt thăm cái vỏ xe đạp, tập vở lúc có lúc không... Nhưng đó là những khó khăn chung mà không làm giảm khí thế học tập của SV trong trường.
Hạt nhân văn nghệ và các cây bút mới
Đến tháng 3-1976, khóa SV chính quy đầu tiên của trường mới bắt đầu khai giảng. Tôi tách sinh hoạt khỏi lớp ngữ văn bổ túc đã rất thân thiết một năm qua và vào lớp ngữ văn tổng quát đầu tiên này (1975-1979). Lớp tôi lúc đó có hơn 60 người, trong đó có gần 1/3 là các SV khoác áo lính vừa từ mặt trận trở về. Một số khác là con em miền Nam tập kết trở về từ miền Bắc. Và tất nhiên, một số khá lớn là SV vừa tốt nghiệp lớp 12 ở phía Nam, họ trẻ trung, giỏi ngoại ngữ và có lối sống hiện đại.
Có thể nói lớp Ngữ văn 1 của chúng tôi là hạt nhân của các phong trào văn nghệ, thể thao lúc đó. Tôi còn nhớ lúc đó đội văn nghệ của trường, gồm các bạn nữ Thúy Phượng, Bích Liên, Tố Liên, Tằng (khoa văn) Bình, Chi, Hậu, Hạnh, Chính (khoa sử) và một vài bạn tôi không nhớ tên, đã tham gia biểu diễn, đi thi văn nghệ các nơi. Lúc đó không có máy móc âm thanh dàn nhạc như bây giờ. Thế là một ban nhạc đệm cho múa cấp tốc hình thành. Thanh Bình (văn), Quang Ngọc (sử), Đinh Văn Biên (văn) đệm guitar, còn tôi liều lĩnh nhận đệm đàn mandolin (dù mới tập đàn). Thế rồi tiết mục ấy cũng xôm ra trò, trở thành một kỷ niệm khó phai của lớp Ngữ văn 1. Các giọng ca nam Khoa Ngữ văn lúc đó cũng rất chuyên nghiệp với tiết mục "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" đoạt giải nhất trong một cuộc thi ở TP. Các giọng ca nam Lê Hữu Lương, Lê Văn Thanh, Trương Đăng Lân, Hồ Trung Trực, Nguyễn Đức Quang... đều là bộ đội về đi học.
Một dấu ấn khác của Ngữ văn 1 nói riêng và các lớp ngữ văn khác là SV vừa học vừa sáng tác văn thơ, cộng tác với các báo. Lúc đó ở Sài Gòn chỉ có không quá 10 tờ báo. Số người trẻ viết văn thơ cũng chưa nhiều hoặc là chưa mạnh dạn cộng tác với các báo. SV văn mà không viết thì học văn làm gì. Các lớp ngữ văn lúc đó nổi lên các cây bút được ghi nhận như Thái Thăng Long, Bùi Việt Phong, Lệ Bình, Huỳnh Dũng Nhân, Nam Bình, Hà Thiên Sơn, Nguyễn Xuân Châu, Đinh Đức Thướng... và nhiều cây bút SV khác.
Nhiều người thành đạt
Nói về đội ngũ SV Ngữ văn 1 lúc đó, phải nói tuy học tập, sinh hoạt trong điều kiện khó khăn gian khổ nhưng sau này hầu hết đều thành đạt. Các SV Phan Xuân Viện, Nguyễn Ngọc Quận giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trịnh Sâm dạy ĐH Sư phạm. Nguyễn Bích Liên, Võ Hồng Tuyến, Lê Tiền Tuyến, Nguyễn Huy Quân, Vương Dứa, Nguyễn Xuân Thâu, Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Phi Hùng, Lê Văn Đang, Nguyễn Văn Trạch, Lê Văn Thanh, Nguyễn Chí Thiện... trở thành nhà báo, nhà văn và giữ các cương vị chủ chốt các cấp từ trưởng ban đến ban biên tập, các vị trí lãnh đạo Hội Nhà báo, Hội Điện ảnh. Các SV Phạm Ngọc Cấp, Trình Thanh Hương, Ánh Tuyết, Thái Thăng Long, Trần Trọng Tân... thành đạt trong ngành xuất bản. Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Phương Dung, Lâm Thanh Bình... sau khi đi dạy và làm báo đã trở thành những doanh nghiệp thành đạt. Nhiều SV Ngữ văn 1 đã định cư ở nước ngoài như Đào Diệp Hương, Thu Thủy, Lâm Văn Tý, Bạch Phượng, Lê Phương Lan, Tố Liên... Một số SV khác trở thành giáo viên giảng dạy nhiều trường trong cả nước...
Bình luận (0)