xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Văn Lê đã về với thiên thu!

Phạm Thùy Nhân

Người nghệ sĩ tài hoa với nhiều thành tựu trong thơ văn và điện ảnh đã ra đi để lại nỗi tiếc thương trong lòng người thân, bạn bè và công chúng yêu mến tác phẩm của ông

Khi gặp Văn Lê lần đầu tiên tại Hãng phim Giải phóng vào đầu những năm 1980, tôi liền bị ấn tượng bởi một anh chàng tuổi trạc 30-35 có cái vẻ bề ngoài bụi bặm, cổ chít cái khăn rằn Campuchia, đôi mắt lúc nào cũng đăm chiêu về một điều gì đó xa xôi khó có thể tiếp cận được... Mãi sau tôi mới được biết đó là biên kịch, đạo diễn phim tài liệu lẫn phim truyện Văn Lê - một trong những nhà điện ảnh trẻ tuổi nổi bật của Hãng phim Giải phóng.

Cho tới lúc đó Văn Lê đã tạo được cho mình một bản sắc riêng trong các bộ phim tài liệu do anh viết kịch bản hoặc đạo diễn như: "Người Công giáo huyện Thống Nhất" (Kịch bản phim tài liệu xuất sắc nhất, Liên hoan Phim Việt Nam (LHPVN) Hà Nội, 1985), "Thiện và ác" (Kịch bản phim tài liệu xuất sắc nhất, LHPVN Hải Phòng, 1993), "Cái bến" (giải Bông sen bạc, LHPVN Hải Phòng, 1993), "Niềm vinh quang lặng lẽ" (giải Bông sen bạc và giải Kịch bản xuất sắc nhất, LHPVN Hà Nội, 1996), "Yến và người" (giải Bông sen bạc, LHPVN Huế, 1999).

Từ đó, Văn Lê đã có những bước nhảy vọt trong thế giới phim tài liệu khi anh lần lượt thu hoạch được những mùa vàng quốc tế qua những bộ phim như: "Nhớ lại Sài Gòn xuân 68" (giải Galaxy truyền hình Nhật Bản tháng 10-1999), "Di chúc những oan hồn" (giải Bông sen vàng và giải Đạo diễn xuất sắc nhất, LHPVN Vinh, 2001). Và còn nhiều bộ phim tài liệu khác nữa do Văn Lê viết kịch bản, đạo diễn hoặc cả hai.

Văn Lê đã về với thiên thu! - Ảnh 1.

NSƯT Văn Lê. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Nhưng người ta còn biết đến một Văn Lê khác rất sắc sảo trong lĩnh vực phim truyện với những kịch bản về đề tài dân tộc ít người ở Tây Nguyên - vốn là vùng đất thiêng liêng mà anh đã từng lưu lại những dấu chân người lính trong chiến tranh khi vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu và những cộng đồng người Jarai, Bana, Êđê... giữa non cao rừng thẳm đã để lại trong lòng Văn Lê những ấn tượng mạnh mẽ, những sắc màu văn hóa độc đáo khiến anh bị thôi thúc phải làm một cái gì đó mà anh coi là một "món nợ" phải đền đáp!

Thế là năm 1991, Văn Lê viết hai kịch bản phim truyện điện ảnh "Những đứa con của thần linh" (đạo diễn: Đào Bá Sơn) và kịch bản "Vua lửa" (đạo diễn: Huy Thành). Nhưng sau khi phim hoàn thành lại không thấy Văn Lê bén mảng đến phim truyện nữa! Anh lẳng lặng quay về lại lãnh địa phim tài liệu - nơi anh từng thỏa thuê vùng vẫy và gặt hái được những thành quả xứng đáng.

Song, nói gì thì nói, nơi chốn sâu thẳm của tâm hồn văn học - vốn là mạch nguồn sáng tạo của Văn Lê với tư cách là một nhà văn, mà từ khi còn xông pha trong lửa đạn anh đã gắn bó cuộc đời mình với những con chữ tại Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng (1974), rồi sau ngày đất nước thống nhất, anh tiếp tục "cày bừa" ở Tuần báo Văn nghệ Giải Phóng rồi Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, để cho ra đời những tác phẩm văn chương với những giải thưởng vinh danh văn tài của Văn Lê trải qua nhiều giai đoạn cuộc đời không hề phẳng lặng của anh. Tập trường ca "Những cánh đồng dưới lửa" (Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1999; Giải thưởng Văn học quốc tế Mekong 2006); tiểu thuyết "Mùa hè giá buốt" (giải B - không có giải A - về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 2004 - 2009); tiểu thuyết "Phượng hoàng" (giải A về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 5 năm 2009 - 2014); giải nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP HCM 5 năm lần thứ hai (2012 - 2017)...

Từ những thành tựu văn học đó, làm nền tảng, Văn Lê tự tin hơn để quay lại với văn học điện ảnh khi tham gia cuộc thi viết kịch bản về đề tài Ngàn năm Thăng Long bằng kịch bản điện ảnh "Long Thành cầm giả ca" (Bài ca về cô gái đánh đàn ở thành Thăng Long).

Vinh quang thay khi tác phẩm của Văn Lê đã được trao giải nhất, rồi sau đó bộ phim "Long Thành cầm giả ca" của đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn cũng đoạt được giải Cánh diều vàng!

Song NSƯT Văn Lê chưa được thụ hưởng trọn vẹn những niềm vui đó thì những căn bệnh hiểm nghèo đã ập đến với người nghệ sĩ tài hoa. Và, những gì phải đến đã đến!

Ngày 6-9-2020, NSƯT Văn Lê đã vĩnh viễn ra đi về với thiên thu!

Xin vĩnh biệt anh, Văn Lê nhé! 

Gặt hái nhiều thành tựu nghệ thuật

Nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, sinh năm 1949, quê quán: xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông từ trần lúc 20 giờ 45 phút ngày 6-9 nhằm ngày 17-7 năm Canh Tý, hưởng thọ 72 tuổi. Linh cữu của ông quàn tại 28 Văn Chung, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM. Lễ nhập quan lúc 7 giờ ngày 7-9, lễ động quan lúc 7 giờ ngày 9-9, sau đó đưa đi hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Văn Lê nhập ngũ năm 1966, vào chiến trường B2, đến năm 1974 về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. Sau năm 1975, ông công tác ở Tuần báo Văn nghệ Giải phóng rồi Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 1977, ông tái ngũ, chiến đấu ở Mặt trận 479 - Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng và nghỉ hưu vào năm 2010.

Đạo diễn, biên kịch, nhà văn Văn Lê đã xuất bản gần 30 tác phẩm truyện, thơ: "Bão đen", "Người gặp trên tàu", "Khoảng thời gian tôi biết", "Tình yêu cả cuộc đời", "Tiếng rơi của hạt sương khuya", "Cao hơn bầu trời", "Những câu chuyện làng quê"…; nhận được gần 10 giải thưởng văn học cao quý.

Ngoài sáng tác thơ văn, Văn Lê gặt hái nhiều thành tựu về sáng tác kịch bản phim và đạo diễn phim. Ông là tác giả kịch bản phim "Long Thành cầm giả ca", tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi viết về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và giải Cánh diều năm 2010 hạng mục "Biên kịch xuất sắc".

Một số tác phẩm phim tài liệu do Văn Lê biên kịch gồm: "Thiện và ác", "Những ngôi chùa cổ Việt Nam", "Từ một bức ảnh", "Má Mười Tân Trụ"... Đạo diễn của các phim tài liệu: "Cái bến", "Sợ dây thừng bện chặt", "Di chúc những oan hồn"… Trong suốt sự nghiệp của mình ở lĩnh vực điện ảnh, Văn Lê đã nhận các giải thưởng: 3 lần đoạt giải thưởng kịch bản phim Tài liệu xuất sắc nhất, 1 giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất, 1 giải Bông sen vàng, 5 Bông sen bạc, 2 Cánh diều vàng, 1 giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản và nhiều giải thưởng về phim tài liệu của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT ngành điện ảnh.

M.Khuê

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo