Đến nay, ca khúc "Tự nguyện" của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh vẫn còn phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, có một câu trong ca từ đang gây tranh cãi và nhiều ca sĩ thể hiện cũng khác nhau: "Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương".
Vậy, trong câu hát này có hay không có từ "nếu" và đúng sai thế nào?
"Tự nguyện" lần đầu tiên được công bố trong tập ca khúc "Hát cho đồng bào tôi nghe", tập 1 có chủ đề "Chúng ta đã đứng dậy" do Hội Sinh viên Sáng tác, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Đoàn Văn nghệ HSSV ấn hành năm 1970 tại Sài Gòn bằng hình thức quay ronéo. Khi khảo sát văn bản ca khúc "Tự nguyện" này, ta thấy ca từ được phân ra làm hai đoạn rõ rệt theo cấu trúc: giả định và khẳng định.
Văn bản ca khúc “Tự nguyện” lần đầu tiên được công bố trong tập ca khúc “Hát cho đồng bào tôi nghe”, tập 1 xuất bản tại Sài Gòn năm 1970
Ở phần đầu, với sự giả định, nhân vật xưng tôi cho biết, nếu là chim thì sẽ làm bồ câu trắng; nếu là hoa thì sẽ làm hoa hướng dương; nếu là mây thì sẽ làm vầng mây ấm; cuối cùng, "Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương". Từ "nếu" xuất hiện ở đây dẫn đến lập luận: "Đã là người rồi còn "nếu" gì nữa? Thoạt nghe cũng thấy có lý vì thế mới dẫn đến trường hợp mỗi người hát mỗi phách. Có ca sĩ hát: "Là người, tôi sẽ chết cho quê hương".
Xin thưa, không phải đâu. Ta thấy ở phần giả định qua các tiền đề, tùy vào sự vật để tác giả dẫn đến sự lựa chọn khác nhau. Từ "nếu" đặt trong câu "nếu là người..." rất đắc địa, tức là tác giả dùng thủ pháp giả định về một điều hiển nhiên đã được thừa nhận nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là khẳng định về một sự lựa chọn. Thế thì, nó phải dứt khoát phải xảy ra cho mọi đối tượng, chứ không có trường hợp ngoại lệ, đã là người thì phải có lựa chọn đó.
Nói một cách nôm na, tác giả đặt giả định bằng cách nói "triệt buộc" nhằm xác tín, khẳng định về một điều mà mình đã lựa chọn. Hơn nữa, từ "nếu" xét theo ngữ cảnh này, ta thấy logic, hợp lý vì nó đặt trong một chuỗi giả định, chứ không phải riêng biệt. Sở dĩ chọn lấy thủ pháp này, vì tác giả muốn làm rõ hơn nữa yếu tố khẳng định khi kết thúc ca khúc, qua đó, chuyển tải đến người nghe thông điệp chúng ta là người, đã là người thì sự lựa chọn tất yếu phải là thế, chứ không thể khác.
Qua phân tích này, ta thấy rõ ràng ở phần giả định, không việc gì người hát phải "xử lý" bằng cách bỏ đi từ "nếu" vốn là chủ đích của tác giả muốn nhấn mạnh. Do đó ở phần kế tiếp, lần này, tác giả nhấn mạnh: "Là người xin một lần khi nằm xuống", không lặp lại từ "nếu" - ta hiểu "nằm xuống" là chết cho quê hương, cái chết đó không vô ích vì nó góp phần cho và được "Nhìn anh em đứng lên cắm cao ngọn cờ" (những ai hát "phất cao ngọn cờ" là sai với văn bản gốc).
Bình luận (0)