GS-TS Trần Quang Hải, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, người thầy, người anh của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân người Việt đã ra đi đột ngột tại Paris - Pháp trong niềm thương tiếc của các thế hệ học trò, văn nghệ sĩ và người thân. Ông vẫn mãi là tấm gương sáng về nghị lực, tinh thần phấn đấu học tập không ngừng cho thế hệ trẻ noi theo.
Nghị lực phi thường
Từ năm 2019, GS-TS Trần Quang Hải phát hiện bị bệnh ung thư máu nhưng đã hết sức bình tĩnh đối mặt. Ca sĩ Bạch Yến - hiền thê của ông - kể từ tháng 5-2019, ông đã từng thoát chết trong gang tấc sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì độ đường trong máu xuống thấp. Khi đó, các bác sĩ chuyên khoa ở Pháp đã phát hiện thêm ông mắc chứng sưng phổi, suy thận và bệnh tiểu đường mãn tính.
GS-TS Trần Quang Hải biểu diễn kèn môi. (Ảnh do gia đình cung cấp)
GS Phương Oanh (Trung tâm Phượng Ca - Pháp) kể GS-TS Trần Quang Hải rất lạc quan, yêu đời, ông dành thời gian còn lại để làm những việc cần thiết cho quá trình truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ một dòng chảy âm nhạc dân tộc xuyên suốt. "Để thế hệ sau này dù được sinh ra và lớn lên ở bất kỳ quốc gia nào đều tự hào về di sản văn hóa của ông cha. Đức tính lớn nhất mà ông học được từ cha mình - GS-TS Trần Văn Khê chính là tinh thần dốc sức vì Đạo" - GS Phương Oanh nói.
Chịu ảnh hưởng truyền thống gia đình, GS-TS Trần Quang Hải sớm định hướng theo con đường âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp Khoa Violin tại Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông sang Pháp tiếp tục học nâng cao về violin. Đồng thời, nghiên cứu về nghệ thuật "Đồng song thanh" - lối hát mà một người cùng lúc có thể hát được hai giọng nhưng có sự đối ứng với âm nhạc dân tộc Việt Nam, để người nghe có thể thấy được những bồi âm khi ông hát đồng song thanh hiện trên màn hình. Ông có thể điều khiển giọng hát của mình để bồi âm, vẽ thành những hình vẽ và với đàn môi kết hợp rất hài hòa, tạo thành tiết mục biểu diễn như một đoạn nhạc techno hấp dẫn…
Ông còn có những sáng tạo riêng và áp dụng thành công vào nhiều lĩnh vực: âm nhạc thế giới và đương đại, y khoa, âm thanh học, âm nhạc điều trị học, tâm lý điều trị học, âm nhạc trị liệu giúp các phụ nữ giảm đau khi sinh sản… Từ đó, ông sáng lập ra một trường phái hát Đồng song thanh ở châu Âu và đã có khoảng 8.000 người ở 70 quốc gia theo học. "Chính nghị lực mạnh mẽ, tìm hướng đi khác với con đường mà cha mình đã đi, GS-TS Trần Quang Hải là người thứ hai lấy bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc người Việt tại Pháp sau cha mình - GS-TS Trần Văn Khê" - NSND Kim Cương nói.
Ôm hoài bão lớn
Từng làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học tại Bảo tàng Con người (Musée de l’Homme) Paris (Pháp) từ năm 1968, GS-TS Trần Quang Hải đã có những công trình nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực dân tộc âm nhạc học như: hát đồng song thanh, phát triển gõ muỗng, phát triển kỹ thuật biểu diễn đàn môi… được thế giới quan tâm. Ông cũng là thành viên của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế.
"Tôi khát khao có một bảo tàng âm nhạc dân tộc được đầu tư bài bản như nước bạn, nơi đó đủ cung cấp và bảo trợ cho những nghiên cứu sinh bồi đắp kiến thức, phát huy sự giàu mạnh của văn hóa - âm nhạc dân tộc Việt. Tôi tự an ủi rằng thế hệ sau mình rồi sẽ làm được, để mạch ngầm đam mê, trân quý âm nhạc - văn hóa dân tộc sẽ được dịp tuôn về nguồn, tưới xanh cho những chồi non trong cộng đồng người Việt trên thế giới" - GS-TS Trần Quang Hải từng tâm sự.
Trong nhiều năm qua kể từ khi bắt đầu nghiên cứu về âm nhạc dân tộc cho đến lúc rời xa cuộc sống này, GS-TS Trần Quang Hải không ngừng học tập và làm việc, nghiên cứu ứng dụng đóng góp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển âm nhạc dân tộc. Cả cuộc đời ông là tấm gương sáng về tinh thần phấn đấu, xả thân vì nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của nước nhà.
Năm 2017, Viện Âm nhạc đã tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu nghiên cứu về dân tộc nhạc học do GS-TS Trần Quang Hải trao tặng. Đây là một tin vui đối với giới nghiên cứu âm nhạc nói chung và những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học nói riêng bởi nhu cầu tham khảo các nguồn tài liệu nước ngoài là hết sức bức thiết trong việc nâng cao giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu trong nước. Với hơn 1.000 đầu sách và 500 đĩa CD, DVD thuộc nhiều thể loại như: Từ điển tra cứu, sách chuyên khảo (giáo dục âm nhạc, sư phạm âm nhạc), sách giới thiệu về âm nhạc và nhạc cụ của các dân tộc trên thế giới… mà GS-TS Trần Quang Hải trao tặng cho Viện Âm nhạc là nguồn tư liệu bổ sung quý giá, tạo động lực để thúc đẩy cho công tác tìm hiểu và nghiên cứu Dân tộc nhạc học ở trong nước. Tại nhà ông ở Paris - Pháp vẫn còn rất nhiều tư liệu quý, nếu gia đình tiếp tục trao tặng cho nhà nước sẽ là kho tàng quý giá cho công tác nghiên cứu, đào tạo.
Ngoài ra, GS-TS Trần Quang Hải còn có hoài bão in và phát hành 2 quyển sách về âm nhạc dân tộc, văn hóa truyền thống Việt mà ông đã viết và xuất bản tại Mỹ, Pháp. Cũng như hệ thống Việt hóa các giáo trình giảng dạy về nghệ thuật hát "đồng song thanh" có sự đối ứng với thanh nhạc Việt Nam; nghệ thuật chơi kèn môi và kỹ thuật trình tấu gõ muỗng mà ông đã ứng dụng.
Nhớ lại những kỷ niệm với GS-TS Trần Quang Hải, TS Lê Hồng Phước (Trường ĐH KHXH-NV) xúc động: "Những ai đã từng may mắn được nghe ông giảng bài và biểu diễn gõ muỗng, kèn môi và nói về đờn ca tài tử Nam Bộ, đều không thể nào quên ngọn lửa của tình yêu âm nhạc dân tộc mà ông luôn biết cách truyền cho họ với một niềm say mê lớn".
GS-TS Trần Quang Hải sinh năm 1944, tại tỉnh Gia Định (nay là TP HCM). Ông và vợ là nghệ sĩ Bạch Yến đã thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở 70 nước trên thế giới… và ông được tôn xưng danh hiệu "vua muỗng" sau khi chiến thắng tại một cuộc thi gõ muỗng trong khuôn khổ Đại nhạc hội dân nhạc tại Cambridge, Anh vào năm 1967.
Ông từng biểu diễn gõ muỗng trong hơn 1.500 chương trình biểu diễn, buổi sinh hoạt âm nhạc ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người thể hiện tiết tấu - âm thanh đa dạng nhất từ nghệ thuật gõ muỗng.
Bình luận (0)